Mùa Vu Lan năm trước, tôi đọc được bài thơ này:
Ngoại chờ bên kia sông…
(Đỗ Nghê - Vu Lan 2012)
Bài thơ ngắn. Ngắn như giấc mơ hạnh phúc của một đời người. Ngắn như thời gian của những ngày tôi còn có mẹ… “Nước mắt vốn chảy xuôi” thành sông thành biển, một vài giọt “rơi ngược dòng” có thấm tháp vào đâu! Tôi không viết mà ghi chép lại, từ trong cái ký ức tồi tàn của mình, xin được như chút hương khói dâng lên mẹ để tưởng nhớ trong mùa Vu Lan này…
Đã mấy mươi năm, Vu Lan nào tôi cũng chỉ được một bông hoa trắng. Những bông hoa trắng tiếp nối, chắc chắn sẽ theo tôi đến hết đời. “Con cài bông hoa trắng” lên áo của những ai mồ côi mẹ đều thiệt thòi, đáng thương và tội nghiệp như nhau, cho dù nó đã là một thằng già 60 tuổi như tôi!…
Ngày mẹ theo thầy tôi vào Nam, tôi hãy còn ẵm ngửa. Cô gái nhà quê mới lấy chồng hơn năm, còn chưa kịp quen chốn thị thành, đã phải bồng con bỏ xứ, bỏ làng, bỏ cha mẹ, anh em, bỏ tất cả vì “xuất giá tòng phu”!… Bước xuống tàu là… hết, là biền biệt, là vĩnh viễn chia xa. Chắc hẳn ngày đó mẹ tôi đau lòng lắm! Người ta chẳng thường nói “thà tử biệt hơn sinh ly” đó sao…
Tôi lớn lên giữa Sài Gòn không họ hàng thân thuộc, không có một chút khái niệm nào về miền quê của mình. Có chăng là do thầy mẹ tôi kể lại, và câu chuyện luôn kết thúc bằng tiếng thở dài: “không biết bây giờ…!” Quê ngoại xơ xác, những năm đói kém, con cái còn gửi người thân nuôi giúp, có gì cho mẹ tôi mang theo? Tới một tấm ảnh gia đình cũng không, những gì mẹ tôi còn lại là ở trong trí nhớ, ở trong những hình ảnh nhạt nhòa được ghi lại đằng sau những giọt nước mắt! Lần nào cũng vậy, mẹ tôi luôn gói gọn trong một vài cái tên, vài kỷ niệm nho nhỏ, nó như để nhắc nhở tôi về một nguồn gốc, về một mối quan hệ mà tôi không hình dung ra được…
Chiến tranh càng kéo dài, mẹ tôi càng héo hắt. Nhất là từ dạo, tin “chiến sự” có thêm phần tin máy bay “oanh tạc”, mẹ tôi lại có thêm những đêm mất ngủ, bà ngồi trong màn, lầm rầm khấn vái tới khuya. Không ai biết mẹ tôi khấn gì, anh em tôi không nghe được, thầy tôi cũng không nghe, chỉ yên lặng nhìn, cái nhìn xót xa và chịu đựng. Rồi nỗi đau đó lan rộng trong nhà, chúng tôi cố không nói chuyện với nhau về bất cứ điều gì liên quan đến cuộc chiến, để mẹ tôi bớt ray rứt và nguôi ngoai phần nào chăng…
… Ngày đi học, tôi luôn ao ước nghỉ hè được về quê chơi như những đứa bạn cùng lớp, cái miền quê xa thẳm chỉ còn trong ký ức của mẹ, tôi cũng biết như thế nhưng không ngăn mình được. Cái mơ ước nhỏ nhoi và “không tưởng” đó lại cứ lớn dần, nó hình thành một nỗi ám ảnh với mọi người trong nhà, nhất là mẹ tôi!…
… Mùa hè luôn gắn liền với tháng bẩy, tháng của gặp gỡ âm dương. Mẹ tôi cúng cô hồn rất tươm tất. Bà trải một chiếc chiếu ra trước cửa nhà, bày lên đó chè, cháo, xôi, gà, bánh trái để cúng, rồi sau đó đốt rất nhiều “giấy tiền, vàng mã”. Mẹ tôi nói để cho những vong hồn xa nhà làm lộ phí mà về, người cõi âm chắc đi lại dễ hơn, chứ như mẹ tôi nhớ quê mà không có đường về,… khổ lắm!
… Rằm tháng bẩy, mẹ dắt anh em tôi lên chùa, cài cho chúng tôi những đóa hoa hồng thật đẹp, và tự tay cài cho mình một bông hồng đỏ thắm lên áo. Đó là lúc tôi thấy mẹ tôi vui nhất, dù đã mười mấy năm qua mẹ tôi không hề có lấy một chút tin nào về nhà ngoại, nhưng tôi biết tự trong thâm tâm, mẹ tôi luôn hy vọng và thực sự mong mỏi mình còn được một bông hồng như vậy!…
… Khi những chuyến tàu sắt nối liền Nam Bắc vừa có, thì có lẽ mẹ tôi là một trong những thường dân đầu tiên lên tàu. Bà gói ghém thật kỹ những món quà, có những thứ mẹ tôi để dành từ lâu lắm. Tôi biết mẹ tôi luôn chuẩn bị cho cái ngày về thăm quê này kể cả trong những giấc mơ! Anh em tôi không ai đi theo dù rất muốn, bởi lúc bấy giờ thầy tôi đang đi “học tập”, chúng tôi đã gom góp và bán đi tất cả những gì có thể bán được, cố gắng góp nhặt cũng chỉ đủ chi phí cho một người… Lên tàu đi, mẹ tôi lại rơi nước mắt…
Từ ngoài quê, mẹ tôi gửi thư về, những lá thư dài kể đủ thứ chuyện, ngoại tôi cũng yếu lắm, bà cố sống chỉ để chờ gặp đứa con gái hơn 20 năm xa cách. Rồi ngoại mất, mẹ tôi ở lại ngoài đó thêm ít lâu để chịu tang. Khi về mẹ tôi mang theo được tấm ảnh chụp khuôn mặt của một người phụ nữ, chít khăn mỏ quạ và nụ cười hiền hậu, phô hàm răng đen nhánh. Mẹ tôi nói hình của ngoại để thờ. Anh em tôi cũng biết mặt ngoại từ đó…
Năm sau thì thầy tôi “học tập” về, mẹ tôi đã vất vả càng vất vả hơn, một mình bà lê la khắp các chợ trời vỉa hè mà mua mà bán nuôi cả nhà. Năm sau nữa thì mẹ tôi đi theo ngoại! Tôi cũng đã ngoài 20, chưa làm được điều gì có nghĩa cho mẹ, mà nếu có thì có lẽ chỉ một điều duy nhất làm cho mẹ tôi đỡ khổ, đỡ dằn vặt, đó là : tôi học được Đại học và không phải… đi lính!…
Cuối cùng, tôi tự hứa với mình, tôi sẽ phải gặp nhà thơ Đỗ Nghê, chỉ để nói với anh là tôi… đang đọc bài thơ của anh trong ngày rằm tháng bẩy dù rằng tôi đã… thuộc lòng từ mùa Vu Lan năm ngoái!…
Vu Lan 2013
N.Đ.H (TP. HCM)
* Tựa của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét