Xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) trong một ngày hè rực nắng, ắp tiếng cười vui rộn rã. Những khuôn mặt rạng rỡ thấp thoáng sau những đôi tay vạm vỡ chắc tay câu, tay lưới từ ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa trở về. Mùa vui đang nối những mùa vui đến cùng những thông tin hợp tác từ những người bạn Nhật…
Bám biển với cá ngừ đại dương
Chúng tôi len lỏi giữa những tuyến đường khang trang, sạch sẽ giữa các thôn xóm của xã Tam Quan Bắc với lời giới thiệu rất lạ của một nữ đồng nghiệp chuyên viết về biển đảo: “Đây là xã miền biển mà tôi thấy lạ nhất từ Bắc chí Nam. Họ sống hào sảng và xây dựng kinh tế biển rất chắc…”. Quả vậy, xã Tam Quan Bắc không chỉ có trụ sở khang trang, các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại… phát triển đồng bộ mà còn có sức mạnh rất lớn về ngư nghiệp. Tam Quan Bắc một trưa hè, hai bên đường tràn ngập những chiếc xe máy hạng sang và cả xe hơi đắt tiền.
Ngư dân xã Tam Quan Bắc đóng tàu công suất lớn câu cá ngừ đại dương tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa
Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc Phạm Ngọc Bảo cho chúng tôi biết, thu nhập bình quân đầu người của xã những năm gần đây liên tục tăng cao nhờ nghề câu cá bò gù, hay còn gọi là câu cá ngừ đại dương. Chỉ riêng trong năm 2013, toàn xã có đến 723 tàu đánh bắt hải sản, tổng công suất lên đến 161.000CV. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt sản lượng lên đến 6.730 tấn. Chúng tôi làm phép tính nhẩm nhanh: Nếu mỗi kg cá ngừ có giá 70.000 - 80.000 đồng, số tiền thu về của ngư dân Tam Quan Bắc phải lên đến hơn 500 tỷ đồng mỗi mùa câu cá ngừ - một con số hấp dẫn từ đại dương.
Ông Bảo cho biết thêm, trong những năm qua do liên tục trúng mùa câu cá ngừ đại dương nên xã có thêm nhiều tỷ phú. Được đưa ra tận cầu cảng để đón thuyền về, chúng tôi may mắn được gặp nhiều chủ tàu câu cá ngừ đại dương cập bến. Nhờ liên tục nâng cấp và hiện đại hóa đội tàu, nên ngư trường của ngư dân Tam Quan Bắc liên tục được mở rộng. Từ chỗ chỉ dùng tàu nhỏ câu cá ở những vùng biển Đà Nẵng - Khánh Hòa, nay thuyền của ngư dân Tam Quan Bắc đã vươn xa, hoạt động chủ yếu ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Anh Nguyễn Văn Dinh, một chủ tàu câu cá ngừ đại dương chia sẻ: “Từ đầu năm, chúng tôi thực hiện 3 chuyến đi câu cá ngừ. Dù gặp nhiều tàu cá của các nước gây chuyện nhưng chúng tôi vẫn liên tục câu được mỗi chuyến 30 - 40 con. Nhờ thế, anh em thuyền viên đi chuyến nào về cũng thu nhập khá…”. Quả vậy, những ngày này đi đến đâu ở Tam Quan Bắc chúng tôi cũng gặp những nụ cười sảng khoái với niềm vui được mùa, được giá cá ngừ đại dương.
Nghĩa tình đại dương
Bám biển và làm giàu từ biển, những ngư dân của Tam Quan Bắc càng thêm vui mừng khi có sự hỗ trợ rất lớn từ những người bạn Nhật Bản. Đại dương rộng lớn không chỉ ôm đất mẹ bao la vào lòng, mà còn mang nặng nghĩa tình, đưa những người bạn Nhật đến với ngư dân Việt Nam. Theo lời mời của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, hai chuyên gia Nhật Bản là ông Hirosuke Kato và ông Masakazu Shoga đã bay từ Osaka (Nhật) sang Việt Nam rồi ra Quy Nhơn để trực tiếp hướng dẫn ngư dân Tam Quan Bắc cách đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương.
Đánh bắt cá ngừ đại dương mang lại nguồn lợi to lớn, giúp ngư dân bám biển, làm giàu từ biển
Không chỉ hỗ trợ cho ngư dân Tam Quan Bắc dùng thử 5 bộ cần câu hiện đại của Nhật, hai chuyên gia còn hướng dẫn sử dụng bộ câu, cách câu, cách sử dụng thiết bị để giữ con cá ngừ còn sống lên boong tàu, cách lấy sạch máu cá và làm lạnh đột ngột để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật. Nếu tuân thủ các quy trình này, cá ngừ đại dương của ngư dân Tam Quan Bắc câu được sẽ được nâng cao giá trị thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn An, chủ tàu BĐ 96776 TS, thôn Tân Thành II, cho biết: “Theo phương pháp sơ chế và ướp lạnh trong hầm tàu của các ngư dân Nhật chỉ giúp, tàu của tôi đi được 3 chuyến biển, bình quân đạt 4,5 tấn/ chuyến. Sản phẩm cá ngừ đưa về bờ được Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định mua lại với giá cao hơn 20% giá thị trường cùng thời điểm. Vừa rồi, giá cá ngừ các tàu khác được thu mua 80.000 đồng/kg, theo phương pháp mới, chúng tôi bán được 96.000 đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn, ngư dân rất phấn khởi…”.
Theo ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc thu mua thông qua Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định chỉ là giải pháp trước mắt. Cá sau khi thu mua sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không vào TP.HCM rồi xuất sang Nhật để bảo đảm không quá 10 ngày. Cá ngừ đại dương do ngư dân Tam Quan Bắc khai thác được bán tại chợ đấu giá hải sản Nhật với giá khởi điểm 10 USD/kg. Bằng phương pháp mới của phía Nhật, giá trị thương phẩm con cá ngừ đại dương của ngư dân xã Tam Quan Bắc đánh bắt tăng lên nhiều lần. Cũng theo ông Lộc, trong tương lai phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ hàng ngàn bộ câu khác và bảo đảm bao tiêu sản phẩm cá ngừ đại dương từ Việt Nam.
Một thông tin khác không thể vui hơn, đó là việc chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ tàu câu cá ngừ đại dương đóng bằng vật liệu composite hiện đại với công nghệ hoàn toàn mới. Từ đây, các ngư dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ có cơ sở vững chắc để cùng các đội tàu cá vỏ sắt vươn khơi, bám biển, phấn đấu đạt mục tiêu 1,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương. Không chỉ tàu hiện đại, công nghệ câu, bảo quản cá ngừ đại dương cũng rất hiện đại, khác hoàn toàn so với phương pháp dùng vồ đập chết cá rồi vùi trong đá lạnh như ngư dân ta lâu nay vẫn làm…
Nghĩa tình không chỉ bên con cá ngừ đại dương, nó còn đến từ nhiều thông tin về sự hợp tác toàn diện trong mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản. Và, những ngày này về với ngư dân Tam Quan Bắc, ngư dân miền Trung, mới thấy hết được niềm tin vững chắc vào những mùa vui nối tiếp, giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần giữ vững ngư trường, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Ngẩn ngơ sóng nước Xuân Đài
Chúng tôi đến với vịnh Xuân Đài (Sông Cầu, Phú Yên) trong một buổi chiều tà. Hoàng hôn ánh lên những gam đỏ rực trên bầu trời, in bóng xuống mặt nước biển, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Đến với vịnh Xuân Đài để ngẩn ngơ cùng sông nước và con người ở đây.
Vịnh Xuân Đài được xem là một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam
Phong phú sản vật biển
Vịnh Xuân Đài, một trong những vịnh biển đẹp nhất châu Á với những rừng cây xanh mát và dãy núi Cô Ngựa lan ra biển dài đến 15km. Núi nhô lên giữa biển, biển bao quanh núi tạo nên vùng vịnh yên ả, khí lành như câu ca dao muôn đời của người dân nơi đây: “Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào/ Vũng Dông, Vũng Mắm vũng nào cũng thương…”. Chúng tôi bước lên thuyền của ngư dân trẻ Bùi Hồng Vinh, bắt đầu chuyến thăm thú vịnh về chiều.
Theo nhiều cứ liệu lịch sử, Xuân Đài là một trong những nơi đặt chân đầu tiên của người Việt trên vùng đất trấn biên Phú Yên khoảng hơn 400 năm trước. Đây cũng là nơi ghi đậm chiến công đầu tiên của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, khi ông vừa tròn 18 tuổi đã xung trận đánh tan đội thủy quân chủ lực của Nguyễn Ánh, mở đầu cho cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dưới thời vua Minh Mạng. Tại vịnh biển này, nhiều di vật lịch sử như súng thần công, tàu đắm... cũng đã được tìm thấy. Xuân Đài cũng là nơi ghi dấu tập kết của những đoàn thủy quân, tàu cá ngư dân để tiến ra bể Đông, xuôi về phương Nam trong cuộc mở mang, tạo lập cõi bờ của cha ông.
Miên man trong sóng nước Sông Cầu, chúng tôi không khỏi tự hào trước tinh thần khai hoang, mở mang bờ cõi của các bậc tiền nhân thuở trước. Nơi đây còn lưu dấu nhiều chứng tích của người Việt trên biển cả bao la. Những đau thương, mất mát trong chiến tranh không làm quê hương, biển cả bớt phần giàu đẹp và thơ mộng.
Vịnh Xuân Đài hôm nay, trên hơn 130 ngàn km2 mặt nước là cuộc sống ngư nghiệp rất phong phú của ngư dân địa phương. Tính đến nay, có đến hơn 18 ngàn lồng, bè nuôi tôm hùm của bà con địa phương. Con tôm hùm không chỉ là sản vật từ biển cả mà còn là công cụ làm giàu từ biển lớn của ngư dân.
Lão ngư Đồng Xuân Nghĩa, năm nay đã 75 tuổi gắn bó với vịnh Xuân Đài hơn 40 năm, chứng kiến hầu hết những đổi thay của quê hương. Ông vớt con tôm hùm đang sống dưới lồng bè gia đình cười tươi rói: “Chú thấy đó, thời tui đi biển, lặn cả ngày kiếm được vài con tôm hùm mang về đã là kỳ tích huống chi bây giờ bà con ra biển cả bắt tôm hùm giống về nuôi xuất khẩu kiếm ngoại tệ. Vịnh Xuân Đài là nơi rất thích hợp để nuôi loại tôm này. Nhờ đó, đời sống của bà con cũng không ngừng được cải thiện”.
Cuộc hạnh ngộ bất ngờ
Lang thang trên biển rộng, chiều đã tắt nắng khiến con thuyền chở chúng tôi phải nhanh chóng vào bờ. Bên bờ biển TX.Sông Cầu, nhiều du khách đang tập trung ăn uống, trò chuyện. Được biết, thời gian gần đây, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức Festival thủy sản Việt Nam tại Phú Yên. Và một trong những điểm nhấn chính của Festival lại nằm ở TX.Sông Cầu, một đô thị bên bờ vịnh Xuân Đài và là niềm tự hào của chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Yên. Đó là một trong những nỗ lực lớn, dài hơi của tỉnh này trong nhiều năm qua nhằm quảng bá tiềm năng, vẻ đẹp của vịnh Xuân Đài đến với bạn bè trong nước và thế giới.
Dừng chân ở nhà hàng, khách sạn Astop, một cái tên nghe rất ấn tượng và gợi nhớ, chúng tôi có cuộc hạnh ngộ bất ngờ với một người con gắn bó với đất Bình Dương - anh Phan Viết Tường, người đã từng có hơn 10 năm sống và làm việc ở Bình Dương. Chúng tôi quen biết Phan Viết Tường qua những lần tiếp xúc, làm việc với anh ở cương vị là CEO của Công ty Cổ phần Cửa Sổ Mùa Xuân (TX.Bến Cát). Còn nhớ có lần anh tâm sự, Bình Dương là quê hương thứ hai, nơi đã cho anh nhiều thứ từ gia đình đến sự nghiệp. Tưởng như đó chỉ là chuyện phiếm với nhau bên ly cà phê. Vậy mà cũng có dịp chúng tôi và Phan Viết Tường gặp nhau bên bờ sóng vỗ của vịnh Xuân Đài. Giờ anh đã là CEO của Nhà hàng khách sạn Astop, thuộc dự án Khu du lịch Long Hải của Công ty TNHH Liên doanh Hoya - Đại Thuận.
Được biết, chủ đầu tư của dự án Khu du lịch Long Hải là anh Phạm Xuân Nam, cũng là một doanh nhân nhiều năm liền lập nghiệp và thành danh từ đất Bình Dương. Anh Nam cho biết, tôi dù đi xa nhưng vẫn ấp ủ trở về quê hương để mở khu du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp của vịnh Xuân Đài. Chính vì thế, khi gặp Phan Viết Tường, chúng tôi quyết định về đây để thực hiện giấc mơ của mình. Cũng theo anh Nam, nếu trong thời gian tới có cơ hội thuận lợi, anh sẽ nỗ lực gắn kết Bình Dương với vịnh Xuân Đài bằng nhiều hoạt động thiết thực, hấp dẫn.
Lang thang ở vịnh Xuân Đài, ngẩn ngơ bên sóng nước của một trong những danh thắng còn hoang sơ, chưa được nhiều người biết đến để thêm yêu đất nước, thiên nhiên và con người Việt Nam. Sức sống biển, tinh thần giữ biển và yêu biển của những con người như Phạm Xuân Nam, Phan Viết Tường cũng là vẻ đẹp của tinh thần Việt muôn đời nay vẫn thế…
Quê anh vùng chiêm trũng
Chiều trên đất xứ Thanh, cơn mưa trái mùa đổ xuống làm vơi đi cái nắng chói chang của mùa hè oi ả. Chúng tôi được đồng nghiệp báo Thanh Hóa đưa về thăm quê hương anh hùng, liệt sĩ Vũ Phi Trừ, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, cách TP.Thanh Hóa gần 30km…
Anh Vũ Xuân Thế (thứ 2 từ trái sang) tự hào kể chuyện anh mình
Xã Quảng Khê có lẽ là một trong những miền quê thuộc diện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Giao thông cách trở; những cánh đồng chiêm trũng ngập nước quanh năm nên việc canh tác nông nghiệp nơi đây rất khó khăn. Những năm gần đây, người dân bỏ cây lúa chuyển sang trồng cói-loại cây dùng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng dù đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng như vậy cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên đường vào nhà anh Trừ, chúng tôi nhìn thấy những cánh đồng cói ngập trong nước mặn, phèn chua. Cái nghèo có vẻ như vẫn còn đeo bám người dân nơi đây. Vùng đất tuy khó khăn là vậy, nhưng Quảng Khê lại là một xã có truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất Quảng Khê đã có nhiều người con lên đường đánh giặc, ra đi lập nên những chiến tích làm rạng rỡ quê hương. Nổi bật nhất là tấm gương của anh hùng, liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Tên anh hôm nay đã trở thành niềm tự hào của người dân, đặc biệt là tuổi trẻ xã Quảng Khê.
Căn nhà tình nghĩa được xây dựng cho gia đình liệt sĩ Vũ Phi Trừ
Ngôi nhà của anh Trừ nằm khiêm nhường ở thôn 4. Do được báo trước nên các lãnh đạo xã và người thân của anh đã tề tựu đông đủ cùng trò chuyện với chúng tôi. Anh Vũ Xuân Thế, em trai của anh Trừ cho biết: “Lúc anh tôi hy sinh, con đầu của anh mới 5 tuổi và đứa thứ hai vừa tròn 1 tuổi. Chị dâu tôi ở vậy nuôi con, thờ chồng mặc dù lúc đó chị mới 26 tuổi. Hiện nay, hai con của anh Trừ đều trưởng thành và công tác trong lực lượng hải quân nên chị dâu tôi theo con vào TP.HCM sinh sống. Ngôi nhà này trở thành nơi thờ tự anh Trừ và dòng họ. Ngày thường thì vắng vẻ, chỉ có khi các đoàn công tác hoặc báo chí về thăm thì gia đình mới mở cửa tiếp đón…”.
Trên bàn thờ, nhiều huân, huy chương, bằng liệt sĩ, danh hiệu anh hùng LLVTND của anh Trừ được lưu giữ trang trọng. Bên cạnh là một bài thơ của đồng đội viết tặng anh trong lần về thăm quê anh: “Việt Nam hình chữ S dài/ Hai đầu đất nước, biển hải, hiền hòa/ Đảo chìm, đảo nổi, đảo xa/ Vọng về sóng nước thiết tha ân tình/ Yêu thương biển đảo, quên mình/… Bao thế hệ chiến tích còn/ Đánh giặc Ma-rốc tiếng giòn sử ghi/ Anh hùng tô thắm quốc kỳ/ Vũ Phi Trừ đã không còn/ Trường Sa ghi nhớ căm hờn…”.
Ngày 11-3-1988, đại úy, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhận lệnh chỉ huy tàu HQ 604 hành quân chở bộ đội, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng ra chốt giữ đảo Gạc Ma của Việt Nam. Trên hành trình từ đảo Đá Lớn đến đảo Gạc Ma, quân Trung Quốc đã cho tàu chiến khiêu khích, lao tàu đến cắt ngang hướng đi của tàu Việt Nam. Đại úy Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh xử lý mọi tình huống rất khôn khéo cùng với đồng đội quyết tâm đưa tàu đến đích và cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma ngày 13-3. Rạng sáng ngày 14-3, Trung Quốc tiếp tục cho tàu chiến bao vây, uy hiếp chiến sĩ ta. Trước hành động ngang ngược của hải quân Trung Quốc, đại úy Vũ Phi Trừ không hề nao núng, anh khẳng khái tuyên bố với đối phương: “Hãy ra khỏi khu vực này, đây là lãnh thổ của Việt Nam!”. Bất ngờ, quân Trung Quốc nổ súng, bộ đội ta buộc phải chiến đấu trong điều kiện không cân sức, không có vũ khí, tàu HQ 604 bị bắn chìm. Đại úy Trừ bị thương rất nặng và anh dũng hy sinh khi mới ngoài 30 tuổi. Tháng 12-1989, liệt sĩ Vũ Phi Trừ được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Nén nỗi đau thương, mất mát khi nhắc về người anh trai, anh Vũ Xuân Thế kể rằng: “Lúc nghe đài thông báo trên loa phát thanh “Đồng chí Vũ Phi Trừ đã anh dũng hy sinh”, cả nhà tôi bàng hoàng và không thể tin nổi dù đó là sự thật. Mẹ tôi nằm liệt giường mấy ngày không dậy nổi. Trước đó, khi về quê ăn tết, anh tôi nói rằng, năm nay được nghỉ phép dài ngày, anh dự định sẽ đứng ra làm đám giỗ cho ông bà… Thế rồi, ngày đám giỗ sắp đến thì anh nhận lệnh thần tốc vào đơn vị. Ai ngờ đó là lần cuối cùng anh em tôi gặp nhau…”. Anh Thế xúc động kể cho chúng tôi nghe về một kỷ niệm của hai anh em khiến mọi người đều rơi nước mắt. “Hồi anh tôi về phép lần trước có tặng tôi một cái thắt lưng và một chiếc quần hải quân rất đẹp. Tôi giữ mãi không dám mặc, chỉ khi có việc hệ trọng mới mặc vào. Lúc anh nhận lệnh khẩn cấp vào đơn vị, anh hỏi tôi rằng: Thế đưa anh mượn lại cái quần và thắt lưng vì quần anh chật quá, lần sau anh sẽ tặng em những cái khác đẹp hơn…”. Kể đến đây, những giọt nước mắt anh Thế chảy dài. Anh nói trong nghẹn ngào: “Anh Trừ ơi, em chờ anh mãi. Chờ anh mang quà về tặng em mà không thấy anh trở về…”…
Thay lời tạm biệt, anh Thế đã đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ của một người thím viết tặng cho người thuyền trưởng dũng cảm Vũ Phi Trừ: “Về thăm quê anh hùng Vũ Phi Trừ/ Đánh giặc nơi biển đảo Trường Sa/ Cháu Trừ ơi, cháu đã hy sinh rồi trong trận chiến/ Giữa biển đại dương, giữa bầu trời lồng lộng/ Mang hạnh phúc cho Tổ quốc mình, cuộc sống bình yên/ Có Việt Nam đã lừng danh khắp thế giới địa cầu/ Khắc tên anh hùng Phi Trừ trong bảng vàng lịch sử”…
Chiều Quảng Khê, cơn mưa dần nặng hạt. Tạm biệt quê anh-vùng đất chiêm trũng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với một cảm xúc tự hào, bởi đất nước này sẽ không khuất phục các thế lực thù địch vì đã có những con người như anh...
Kỳ 12: Có một đội quân tóc dài ven biển
KIẾN GIANG - KHÁNH VINH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét