Sáng sớm, trời mùa thu vùng ven đô Hà Nội mát rượi. Nắng vàng như dưới mật ong ngọt ngào và thơm thoảng. Con chim hoạ mi trong lồng son treo ở ngoài hiên hót líu lo, buông vào không gian tĩnh lặng ban mai hồn thiên nhiên một ngày mới. Tôi đang mải ngắm cây hoa trà bạch nở rất nhiều hoa, bỗng đâu xuất hiện một phụ nữ mặc bộ đồ ngủ màu tím Huế đi qua. Từ lâu lắm rồi, mọi phụ nữ đi qua cổng tôi đâu có để ý, nhưng lần này chị ta làm tôi bị hút hồn. Mái tóc xoã ngang vai, nước da phớt hồng như trứng gà bóc, đôi chân thon thả, dáng người rất eo, bước đi khoan thai. Chị ta đi qua rất nhanh và tôi chỉ quan sát được có thế, mà sao bỗng dưng hôm nào cũng nhớ? Cứ sáng sớm là tôi lại ra sân đứng ngóng hoài xem người ấy hôm nay có đi qua. Lạ lùng, sự mẫn cảm của tôi không lý giải nổi, sao tự dưng lại nhớ người xa lạ một cách bâng quơ? Tôi tự nhủ, có những điều mình không lý giải nổi nhưng cứ đeo bám và làm cho trái tim có lúc cũng xôn xao.
Một tuần sau, bỗng người ấy lại xuất hiện. Hôm nay chị ta mặc bộ quân phục với lon đại tá, ngực lấp lánh huân chương làm tôi sững sờ. Thôi rồi, mơ mà làm gì? Khi người ấy là như thế. Mình có mơ chỉ để mà mơ. Ngay buổi sáng ấy tôi thẫn thờ ngồi một mình, chẳng buồn tưới tắm mấy chậu hoa và cho chim họa mi ăn. Cô bạn hàng xóm thường ngày giúp tôi đi chợ búa, thấy tôi bơ phờ liền hỏi han, tôi chỉ ậm ờ: “Anh mệt”. Từ cái buổi sáng sớm bắt gặp người ta lại là đại tá tôi tự ti, mình chỉ là một đại uý và đã thề trong đầu không bao giờ tơ tưởng đến hình ảnh của nàng. Song đêm đến nằm một mình, trong đầu tôi lại hiện lên dáng vóc người phụ nữ tay xách cái làn, mặc bồ đồ ngủ vừa khít, thắt đáy lưng ong, dáng đi uyển chuyển qua cổng nhà mình, tiếng guốc cao gót cứ nện thình thịch và đầu tôi nghe rõ mồn một. Lại một sáng sớm bắt đầu, tôi đang tưới nước cho hoa, bỗng phía đầu ngõ xuất hiện người phụ nữ chưa biết tên ấy đang đi đến. Hôm nay chị ta đi chợ, tay xách làn, không mặc bộ đồ ngủ, không mặc quân phục mà mặc quần bò và chiếc áo phông căng phồng bộ ngực nở nang. Đẹp quá, tôi cứ nhìn chăm chăm vào người ấy và thật khó hiểu tại sao lúc đó tôi lại mạnh dạn đến thế, miệng nhoẻn cười: “Chào chị”. Người phụ nữ nhìn tôi mỉm cười. Ôi! Nụ cười duyên dáng lạ kì. Hàm răng trắng muốt hơi phô ra trong vành môi trăng khuyết và cái núm đồng tiền xuất hiện. Chị đáp lại “chào bác”. Bằng giọng nói xứ Huế nghe sao dịu dàng, như mình đã từng được nghe ở đâu. Sau đó chị bước đi tự tin như không có điều gì mới mẻ. Tôi cố nhìn theo. Hình như phụ nữ họ có giác quan thứ bảy nên người ấy đi được một quãng bỗng quay đầu lại, thấy tôi vẫn nhìn theo, liền giơ tay chào tạm biệt. Lại một đêm mất ngủ, thổn thức đến nao lòng. Tại sao trong tôi bây giờ bị người ấy ám ảnh đến mê hồn. Tôi đơn phương nhớ thầm người ta, nhưng người ta là gì, ở đâu, chồng con ra sao…? Tôi đâu đã biết. Chuyện để mãi trong lòng không được, tôi tâm sự với người bạn cùng là cựu chiến binh như tôi, nay đã về hưu, anh bạn cười xoà:
- Tớ cử tưởng ông đã quên phụ nữ từ hồi bị hụt hẫng khi phải chứng kiến người yêu của mình trong vùng biển Mỹ Giang – Khánh Hoà hi sinh từ nhưng năm chống Mỹ. Ai làm cho ông rung động trái tim thép như vậy nhỉ?
Tôi nói tất cả nỗi lòng lúc này cho bạn hay. Bạn khuyên tôi:
- Đó là tình yêu sét đánh. Nhưng ông ơi! Đấy chỉ là giấc mơ không trở thành hiện thực.
Như thế là tôi đã bập vào đường yêu rồi ư? Nghe bạn khuyên, tôi từ bỏ ý định tìm hiểu người ấy tên gì, ở đâu? Nhưng một lần nữa hình ảnh người ấy cứ ngự trị trong tôi như một bóng ma không muốn buông tha. Tôi làm một bài thơ vĩnh biệt nàng để cho quên đi tất cả:
“Đêm vẫn uống ánh trăng rơi/ Đêm vẫn đắp giọt sương đời mỏng manh/ Ngước lên trời thấy chòng chành/ Sóng tình xô lượn đừng thành nỗi đau/ Dốc sao cạn nỗi nhớ nhau/ Để sông tím hết sóng màu bạc phơ/ Tương tư thắp đợi từng giờ/ Mà ai trót lỡ làm ngơ... chạnh lòng/ Ước gì tình mãi cứ trong/ Ước gì đàn mãi gảy dòng tình anh...”.
Song vô vị, vẫn nhớ hoài… Vào một sáng, tại nhà khách Bộ Quốc phòng ở giữa hồ Trúc Bạch. Buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Bỗng trước mắt tôi đồng chí nữ đại tá xuất hiện. Tôi không thể tin ở mắt mình. Lại gần người ấy tôi chào nhỏ nhẹ: “Chào đồng chí đại tá hàng xóm”. Chị cười đôn hậu. Cái núm đồng tiền lại xuất hiện. Chị bảo tôi ngồi xuống ghế bên cạnh. Tôi ngoan ngoãn làm theo như một đứa trẻ. Suốt buổi hai người chỉ nói chuyện đôi câu. Riêng tôi, cứ ấp úng như ngậm hạt thị. Tôi còn tâm trí nào mà nghe đồng đội nói, cười trong buổi gặp mặt khi ngồi bên nàng. Mùi hương bồ kết thơm thoảng từ mái tóc nàng phả ra làm tôi ngây ngất. Cuối buổi, sau khi chụp ảnh kỉ niệm chung, tôi cố hỏi bằng được số điện thoại của chị. Tôi mừng lắm, có điện thoaị rồi thì mọi chuyện sẽ dần sáng tỏ. Buổi gặp gỡ qua đi, những ngày mới lại về. Không hiểu vì sao cũng từ đấy, sáng nào người ấy cũng xách làn đi chợ qua cổng nhà tôi. Một hôm tôi mạnh dạn mời chị vào nhà. Chị không từ chối. Bước vào nhà, chị biết ngay tôi đang cô đơn: “Bác ở một mình ?”. Tôi bộc bạch hết chuyện cho chị nghe, cứ như đứa bé có tội bị hỏi cung. Chị nhìn tôi nét mặt hiện lên niềm thương cảm, thi thoảng lại chớp chớp măt, như cố không để cho giọt nước mắt trào ra, khi nghe tôi kể về một thời chiến đấu ở miền Nam có yêu một người con gái ở tận Mỹ Giang tỉnh Khánh Hoà. Hai người đã hẹn hò ngày chiến thắng sẽ tổ chức, nhưng rồi người con gái từng cứu tôi, nuôi tôi trong hầm bí mật hi sinh và thế là từ đấy đối với tôi mọi phụ nữ mãi mãi chỉ là bạn. Nhìn lên đồng hồ đã bảy giờ sáng, chị xin phép đi chợ kẻo muộn. Bấy giờ tôi mới thấy mình như có lỗi, khách vào nhà không mời nước. Trước khi về chị chìa tay ra cho tôi bắt. Tôi bắt tay chị mà người tôi run lên. Bàn tay tôi như muốn nắm mãi bàn tay ấm áp của người phụ nữ mà bao năm tôi chưa hề được nắm. Qua trò chuyện tôi biết, chị từng là biệt động thành phố Huế, sau gia nhập quân giải phóng, năm 1970 ra Bắc đi học lớp sĩ quan thông tin, rồi lại cùng chồng vào Nam chiến đấu. Chồng chị người Hà Nội, anh ấy hi sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Nay chị về hưu, ở với đứa con gái duy nhất trong ngôi nhà mới mua cách nhà tôi một ngõ. Chị kém tôi năm tuổi. Buổi tối hôm đó tôi mạnh dạn gọi điện sang nhà chị. Giọng chị nói qua điện thoại nhỏ nhẹ đến nao lòng. Tôi sướng rên người khi lần đầu chị xưng với tôi là “em” và gọi tôi là “anh”.
Tình yêu có lẽ bắt đầu từ đây chăng? Tôi ước ao có một đêm nằm bên em vuốt ve mái tóc xõa ngang vai. Ngắm cái núm đồng tiền cho thoả thích và được ôm thân hình ở tuổi xấp xỉ lục tuần nhưng sao thon thả lạ thường. Tôi lại yêu, lạ thật… Không thể dừng được nữa. Mọi sự kiên trì đến lúc này bất lực, dù từng là người lính xông pha nơi lửa đạn. Tôi gọi điện cho em và ngỏ lời yêu chân thật của người lính với người lính. Em chẳng trả lời gì, chỉ luôn mồm “dạ”. Những tiếng “dạ” miền trong sao mà ngọt ngào, mềm mại, thậm chí nũng nịu thật đáng yêu và hàm chứa nhiều ý nghĩa đến thế. Tôi biết không thể vội vàng ép em nhận lời yêu, nên đã cúp máy và buông tiếng thở dài vọng vào trong máy. Thế là hết, cuộc đời ở cái tuổi đầu sáu này còn gì nữa đâu mà “buồn với nhớ”. Sự đáp lại của em là con số không tròn trĩnh. Những bông hồng trong chậu cảnh mấy hôm nay dường như cũng buồn với tôi nở rất ít. Con chim hoạ mi mọi ngày hót nhiều và hay thế hôm nay nó chỉ hót cầm chừng. Đêm dường như dài hơn. Biết thế, tôi không nên đặt vấn đề với em. Tôi sợ mất em. Tôi buồn, trong cô đơn lại buồn thêm. Đời là thế, số phận đã an bài rồi. Tôi mệt mỏi nằm xuống giường. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo lên. Linh tính như có điều gì mách bảo, tôi vùng dậy chộp ngay lấy máy. Phía đầu dây bên kia tiếng em nhẹ nhàng: “Anh đấy à?”, “Anh có khoẻ không?”, “ngày mai sinh nhật em anh đến nhé! Nhớ tặng em một bông hồng…”. Đời là thế. Ông trời là thế, ông chẳng lấy đi của ai tất cả bao giờ. Đêm dài mông lung. Tôi phấp phỏng chờ đến ngày mai…
M.N (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét