Nhà văn Nguyễn Văn Học
Ông trời đã cho thời con gái của tôi đến và qua đi một cách bình lặng, suôn sẻ như bao người con gái khác. Nhưng vào cái lúc tôi muốn yên vị với một tấm chồng thì ông trời dường như vô tình “dúi” vào tay tôi một người đàn ông kém may mắn. Hình thức anh không đến nỗi nào, nhưng vì cuộc sống cơ cực và phải luôn chạy theo miếng cơm manh áo trầy trật đã khiến cho thân hình anh trở nên tiều tụy đến tội nghiệp. Nói chung anh là một con người vất vả, nghèo nàn.
Mẹ tôi nhiều đêm tâm sự với con gái khi tôi đi học xa về thăm nhà: “Nhà mình nghèo con ạ, con đi học lấy cái chữ, sau này công ăn việc làm ổn định. Con hãy kiếm lấy người chồng gọi là khá giả một chút cho đỡ khổ. Mà chẳng biết có được thế không nữa… Cha con cả đời nghèo, đến khi chết vẫn mơ chiếc xe đạp Phượng Hoàng mà không đặng”. Mắt mẹ rơm rớm, xa xăm nhìn về tận nơi nào. Tôi lay người mẹ, nhấm nhẳng: “Con sẽ lấy một ông chồng thật giàu trên thành phố, lúc đó vợ chồng con sẽ đón mẹ lên trông nhà cho chúng con. Rồi chăm con cho chúng con nữa”. Mẹ đấm vào vai tôi: “Nói trước bước không qua! Chắc gì mày làm được”.
Tôi vẫn có ý tìm kiếm tấm chồng, sau này có thể lo cho tôi một cuộc sống no đủ, và tôi đã gặp Hùng. Tôi yêu Hùng đơn giản vì anh chân thành quá, hiền lành quá và biết chăm lo cho tôi nữa. Chính điều đó đã làm tôi cảm động mà yêu anh thực lòng. Tôi quên hết những lời mẹ dặn, những ước mơ chồng giàu mà yêu Hùng bằng tất cả tấm lòng của một đứa con gái đa cảm. Hùng chỉ học trung cấp và sau đó anh chọn nghề sửa chữa máy. Tôi đã chấp nhận anh là chấp nhận với cuộc sống nghèo nàn và vất vả. Bởi nhà anh bố mẹ sinh nhiều con gái, vẫn còn nheo nhóc. Quê anh vùng chiêm suốt đời người dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Lương anh làm ba cọc ba đồng. Cuộc sống chỉ tằn tiện thôi, điều đó thì ai cũng biết. Tôi nhiều lúc tự an ủi mình: “Giàu có là do hai bàn tay hai vợ chồng biết chăm lo vun lên, chẳng ai nghèo mãi được”. Chút lạc quan ấy cho tôi quyết định lấy Hùng làm chồng khi tôi học xong ra trường và xin được việc ở một công ty tư nhân bé nhỏ. Về thưa chuyện, mẹ hỏi:
- Gia đình nó thế nào? Có khá giả không? Có ở thành thị không?
Đầu tôi hơi choáng váng. Tôi sợ nói ra mẹ sẽ lại buồn và thất vọng. Cha tôi mất, mình mẹ chăm lo cho ba chị em. Chị gái tôi lấy chồng làng bên, cuộc sống chẳng khấm khá gì. Em trai tôi vẫn đang đi học. Mẹ mong tôi đừng bước lại bước chân của chị, nay đây mai đó buôn bán như con thiêu thân mà chẳng đủ ăn. Tôi nén tiếng thở dài, mãi sau mới nói thật. Đằng nào thì mẹ cũng phải biết.
- Nhà anh ấy ở bên kia sông, nghèo như nhà mình. Cũng có công việc ngoài Hà Nội rồi.
Tưởng mẹ sẽ mắng tôi một trận, tại sao tôi không nghe lời mẹ mà dễ dàng chấp nhận lấy một anh chàng như thế. Nhưng mẹ chỉ thở dài, mắt lại đăm đắm mơ hồ.
- Nó là cái số kiếp rồi. Nhà mình không có duyên với cái sự giàu. Cái nghèo đeo đẳng nhà ta mãi. Ông nội con trước đây cũng là cùng đinh trong làng… Ôi trời! Thế con yêu nó thật lòng chứ?
Tôi vâng. Ngày đưa Hùng về nhà, mẹ tôi toàn nói chuyện vui vẻ. Bảo có miếng đất ở đầu làng đấy, cũng đủ để xây một cái quán nhỏ, các con tính ở gần mẹ thì về mở quán sửa chữa. Không thì cứ ở trên Hà Nội hay bên đó, mẹ không cản. Anh Hùng xin vâng. Còn tôi, thấy lòng mình yên ấm lạ. Ngày cưới, không đi đường vòng cho xa mà đi qua sông. Đám đưa dâu cũng đông đủ bạn bè, cười giòn giã. Bến sông chênh chao sóng. Gái trai trêu ghẹo nhau chí chóe, mặt cô nào cũng đỏ hồng. Nhà trai nhờ được gần mười chiếc thuyền đò để chở người. Mấy ông bà đứng tuổi trong làng nhận xét: đám cưới to đấy.
* * *
Hai vợ chồng thuê một căn phòng nhỏ ở khu nhà trọ của các sinh viên. Sáng đi làm tối mới về. Một tháng được hai ngày nghỉ thì bố trí về quê. Bao giờ tôi cũng phải giục anh về thăm quê trước. Hùng sợ đi lại nhiều thì tốn kém. Nhiều hôm về mệt, nấu cơm ăn xong, hai vợ chồng đi nằm sớm để lấy sức mai đi làm. Có hôm Hùng tâm sự:
- Anh tính vợ chồng mình phải làm công việc khác thôi. Công việc này vất vả mà lương thấp quá, lương chỗ em cũng chẳng khá gì…
- Định làm gì hả anh? Tôi hỏi.
- Phải buôn bán. Phi thương bất phú em ạ.
- Vợ chồng mình thì buôn bán cái gì được? Mình có kinh nghiệm gì đâu.
- Anh đang tính. Buôn bán cái gì thì cũng cần phải có vốn. Mà cái khoản này vợ chồng mình chưa có. Bạn bè cũng chẳng trông vào đứa nào mà vay được. Bố mẹ anh còn một đàn con, mẹ em thì đâu có tiền mà vay.
Dịp tết về quê, bạn bè họp lớp. Cái truyền thống này có từ ngày hết cấp ba chúng tôi chia tay nhau, rồi từ đó mỗi năm một lần họp vào ngày mồng ba tết. Năm nay chúng nó báo lại, phải dẫn theo chồng hoặc vợ đến họp cùng nếu ai đã xây dựng gia đình. Tôi định nhân dịp này, xem đứa nào có khả năng để nhờ vả nó giúp đỡ. Mấy chiếc áo mặc thường ngày của chồng tôi đã cũ, chiếc áo rét cũng bạc sờn. Tôi giục anh khi lĩnh lương cuối năm thì may thêm mấy bộ quần áo mới, may thêm cái áo vét để về ăn tết hay họp lớp, người ta còn nhìn vào… Anh bảo: - Quần áo anh vẫn còn mới, mới lại có chơi bời gì đâu, hai ba ngày tết là lại cắm đầu vào làm lụng rồi.
Về chuyện này công nhận anh hơi gàn dở, nhưng anh đã không thích thì không thể bắt được anh. Ngược lại với tôi, anh lại muốn tôi ăn mặc tươm tất. Anh bảo: “Không thể để em ăn mặc cũ kỹ quá, anh thì thế nào cũng xong. Vợ người ta được mười thì vợ anh ít nhất cũng phải được năm sáu”. Tôi cười hì hì. Thế thì được rồi. Bao giờ anh cũng nghĩ cho tôi.
Sáng mồng ba Tết bạn tôi đến rủ đi họp. Chúng nó chuyển chỗ họp rồi. Năm nay ở nhà thằng An. Cô bạn lắm mồm, chưa thấy người đã thấy tiếng, huyên thuyên bao chuyện không biết giữ ý giữ tứ là gì, ngay cả lúc có mẹ chồng tôi ở đó nó cũng tung hê mấy cái chuyện trai gái yêu đương của nó lên. Nào là có rất nhiều anh chàng đẹp trai, con nhà khá giả theo đuổi nó, chiều chuộng, nhưng nó chưa ưng ai. Thời con gái phải biết hưởng thụ và có quyền lựa chọn, chẳng như tôi sớm chấp nhận yên bề. Mặc dù nhan sắc, nó nói nó không bằng tôi. Tôi bảo:
- Mày kén quá rồi trắng tay chứ chẳng chơi. Đừng quá phung phí tuổi xuân.
Lan dẩu môi lên:
- Mày học được câu nói ấy ở đâu đấy? Tao không bao giờ chịu chấp nhận cảnh nghèo, kiểu gì chồng tao sau này cũng phải đảm bảo cho tao cuộc sống đầy đủ, tao có quyền mơ ước thế.
Mặt tôi bừng nóng. Tôi nhìn sang Hùng rồi nhìn sang Lan, sững sờ. Những lời nói đó có phần xúc phạm đến Hùng, nhưng tôi biết anh đã kìm nén. Giàu sang ai chẳng mơ, nhưng có bao giờ nói trước được điều gì. Giàu sang nhiều khi không song song cùng nhau. Có người được cái nọ thì mất cái kia. Lan nhận ra mình vừa lỡ lời, lặng im không nói nữa.
* * *
Trong bữa tiệc, bạn bè lâu ngày gặp nhau, trò chuyện ôm đồm. Chiếc rạp tạm thời bắc ở ngoài sân ồn ào và nhộn nhịp. Những tiếng chúc mừng, tiếng cụng ly, tiếng hô dô dô liên tục vang lên. Những khuôn mặt tái, những khuôn mặt đỏ vì rượu. Cũng có những khuôn mặt chẳng tái chẳng đỏ, không ai nhận ra người đó đã uống rượu. Nhưng hòa chung trong không khí tụ họp tưng bừng là tiếng cười, những câu thăm hỏi, tán dương. Bạn trai có vợ ngồi bên cạnh, bạn gái có chồng nâng niu. Chồng tôi ngồi bên cạnh tôi, vẻ hiền lành đến tội nghiệp và dường như anh không hòa nhập được. Tôi nhận ra anh chỉ cười gượng gạo, nâng ly một cách khiên cưỡng. Dù rất yêu chồng, nhưng thấy chồng người ta phong độ, tươi trẻ, hào hoa, nhìn vào chồng mình mà thấy tủi.
Đến phần báo cáo tình hình cuộc sống của mỗi thành viên, mỗi người phải đứng dậy báo cáo sơ qua về cuộc sống của mình. Cái Minh và cái Thư trước đây học hành đâu có bằng tôi, thế mà số chúng may mắn, lấy được người chồng con nhà giàu. Chồng chúng nó đều đi nước ngoài, gửi về toàn tiền đô. Cái Duyên bây giờ làm phó giám đốc mọt công ty, chồng nó làm giám đốc. Trước đây nó là đứa học kém nhất, thầy gọi bao lần không thuộc bài. Thế đấy. Nhiều đứa khác, chúng đều thành đạt cả, làm ông to bà lớn. Phần báo cáo của tôi, chúng bắt cả Hùng chồng tôi đứng lên. Anh đứng lên, nói ngọng nghiụ được vài câu rồi ngồi xuống. Công việc của vợ chồng tôi là rẻ rúng nhất. Nhưng tôi nghĩ rằng công việc gì cũng là công vịêc, không bất chính thì làm sao phải xấu hổ. Tôi dõng dạc nói phần của mình. Chúng cũng vỗ tay, không biết thông cảm hay khinh bỉ.
Nhiều đứa xì xào về chuyện ăn mặc của chồng tôi. Chúng nói anh lếch thếch. Nghèo không phải là cái tội với xã hội, nhưng là cái nợ với chính mình. Nhìn vào những bộ đồ hợp mốt sang trọng của chúng mà tủi thân quá chừng. Tôi bắt chuyện với Duyên, định nhờ nó một việc, lại thôi. Việc nhờ vả cũng nên tính kỹ, phải bàn với chồng đã, biết nó ở đâu rồi, cũng dễ thôi.
Vào giữa tháng 2, vợ chồng tôi đến gặp Duyên để nhờ vay ít tiền làm vốn liếng. Nhưng chúng tôi đã nhận về sự thất vọng. Duyên vồn vã giả tạo: “Ôi bạn ơi, thông cảm đi, mình rất muốn giúp đỡ bạn. Nhưng đầu năm công ty mình khó khăn quá, vốn liếng đem đi đầu tư cả chưa thu lại được. Bao giờ có mình sẽ giúp”. Hai vợ chồng ra về. Lúc tôi ra ngòai chợ mua mấy thứ, anh đứng ngòai đợi, đám thanh niên đi xe máy, rồ ga trêu ghẹo tôi. Anh xuống xe xuống đường tìm đá liều một phen. Đám thanh niên sợ phóng xe biến thẳng…
Mấy ngày sau, đi đâu đó về anh hốt hoảng khoe:
- Em ơi, anh bán chỉ vàng mẹ cho ngày cưới rồi, vàng đợt này lên giá quá. Tôi tròn mắt, vừa giận vừa thương anh. Tại sao anh lại bán kỷ vật của mẹ đi? Vật kỷ niệm của mẹ thì không bao giờ được bán. Anh biết tôi buồn, an ủi:
- Sau này làm ăn được, anh chuộc về.
Tôi chẳng muốn nhắc đến nữa, dù biết rằng anh đã coi chuyện này quá đơn giản, hay nghĩ tôi là trẻ con: vật đó người ta sẽ bán đi, làm sao mà chuộc. Rồi chẳng hiểu anh lôi từ đâu về một đống vải vóc, nhiều nhất là lụa tơ tằm. Anh nói phải thực hiện chiến lược buôn bán. Anh tìm hiểu kỹ rồi, giá vải lụa ở các làng dệt so với giá các nhà đi buôn xuất khẩu khá chênh lệch. Nếu chịu khó đi thu mua từ các làng dệt lụa, tiền lãi thu được không nhỏ. Hùng ngồi tính đếm từng li từng tí, về công việc, địa điểm hay cách thức mua, cách làm việc với các công ty xuất khẩu. Tôi ngồi nghe anh rót mật vào tai, càng nghe càng hy vọng và thấy sướng. Vợ chồng mình sẽ giàu lên thôi, chúng mình làm từ nhỏ đến lớn, em cứ yên tâm ở anh. Chồng tôi nói. Tôi chỉ biết vâng dạ và nghe lời, tất cả trông vào ý chí làm giàu của chồng.
Ông trời không phụ người có tâm bao giờ, cũng như dân gian nói: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Sự giàu sang và hạnh phúc đôi khi nảy mầm từ những ý chí nhỏ bé.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét