Cây bút trẻ Tần Khánh
- Ngoại ơi… Con dzìa rồi nè
- Thằng út, bây ra coi đứa nào gọi ngoài sân dzậy?
- Thằng Hậu má ơi, thằng Hậu dzìa…
Cái ống ngoáy trầu dừng hẳn, ngoại chậm rãi bước ra với nụ cười móm mém khi thằng cháu vừa đặt chân lên cái hàng ba.
– Tổ cha bây, đi biền biệt 2, 3 tháng trời nay mới dzìa đó hả?
- Dạ, thưa ngoại con mới dzìa
Cậu út nhanh tay đỡ cái balo trên vai thằng cháu xuống rồi đi nhanh vào trong nhà đặt lên bộ ván, ngoại chậm rãi đi sau và cũng ngồi trên bộ ván tiếp tục công việc chuyên môn – ngoáy trầu. Thấy thằng cháu bày biện trái cây và thắp nhang trên bàn thờ ông ngoại xong vội giục:
- Hai Hậu ra sau nhà rửa mặt mày, tay chân cho mát đi con, cái lu ngoại hứng nước mưa để ở sau nhà đó.
Nó bước vội ra sau nhà, con sông nhỏ nước nặng phù sa lững lờ trôi chở đám lục bình nở đầy hoa tím. Với tay múc ca nước, cái lạnh nhè nhẹ của nước mưa làm nó thấy thật dễ chịu, bao mệt mỏi với bụi bặm của Sài Gòn tuột trôi theo dòng nước, cái mùi bùn ngai ngái gắn liền với tuổi thơ theo gió từ con kênh thoảng qua sao mà thơm đến lạ. Về nhà là thế, không nhà lầu xe hơi, không nhà cao cửa rộng nhưng đó là nơi luôn muốn tìm về.
- Bây ăn uống gì chưa? Bây dzìa không báo trước ngoại đâu biết mà chuẩn bị đồ ăn, còn cơm nguội dưới bếp đó, bây ăn đỡ đi, chiều ngoại nấu cơm.
- Con không đói, lúc nãy trên xe con có ăn rồi ngoại.
- Vậy bây ra võng ngoài hàng ba nằm nghỉ đi cho khỏe, ngoại sai cậu út ra bắt mấy con cá rọng ngoài mương rồi, để ngoại đi hái rau, chiều nấu canh chua cho bây ăn.
- Ngoại cho con đi theo phụ với.
Vườn rau của ngoại thật đã mắt, những cây bạc hà mập mạp, bụi húng quế sum suê, có cả ngò gai, rau răm, rau tần dày lá,… bụi nào cũng tươi tốt, xanh mướt. Mang tiếng đi theo phụ nhưng nó có phụ được gì đâu, chạy qua chạy lại rồi lại đi theo ngoại vô nhà. Nó giành phần lặt rau trong khi ngoại đang làm cá. Nhà nó nghèo, ba mẹ đi làm ăn xa, từ nhỏ nó lớn lên bằng tình yêu thương của ngoại. Ngày trước nó sinh non, ngoại và mẹ tưởng chừng không nuôi lớn được, nó bệnh, ngoại tất tả ngược xuôi từ thầy thuốc nam đến thầy thuốc bắc, đông tây y gì ngoại cũng thử cả, chỉ cốt mong sao nó khỏe mạnh, lớn khôn. Ngày nó khoác balo lên vai “thưa ngoại con đi Sài Gòn”, ngoại không khóc, chỉ dặn dò nó ráng giữ gìn sức khỏe, ráng học cho giỏi, nhưng nó biết mấy ngày sau đó ngoại nhớ nó, khóc đến bỏ ăn bỏ ngủ. Nó thương lắm nên cứ gọi điện về hỏi thăm, cuối tuần nó lại thu xếp về quê thăm, giờ đi làm nên có khi 2, 3 tháng nó mới về, nó biết ngoại nhớ và nó cũng nhớ ngoại lắm. Rửa rau xong nó mang vào bếp, ngoại đang lom khom canh lửa cho nồi cá rô kho tộ, sợi khói mỏng manh không bay ra ngoài mà quẩn quanh bên ngoại, bóng dáng ngoại như hòa vào làn khói, khói còn xao xuyến chưa muốn rời nên đọng lại nơi chái bếp rồi tan vào ánh chiều tà.
Bữa cơm chiều toàn những món nó thích, ngoại gắp đồ ăn cho nó rồi luôn miệng bảo “bây còn trẻ thì ráng ăn đi, mai mốt già như tao, răng rụng hết ăn uống khó khăn lắm”. Nó cười, ngoại cũng cười. Giây phút về nhà, giây phút bên ngoại là những phút giây thật êm đềm, thật hạnh phúc.
Cơm nước no nê, nó ra võng ngoài hàng ba nằm đung đưa tận hưởng cơn gió mát từ con sông sau nhà lồng lộng thổi lên. Ngoại cũng bưng khay trầu ra hàng ba ngồi với nó. Những cơn gió chiều làm những lọn tóc con con nghịch ngợm không chịu nằm yên trong búi tóc của ngoại bay bay. Ngoại của nó có mái tóc thật dài, dài qua cả thắt lưng, mái tóc đó ngoại nuôi từ thời con gái, để rồi sau này có chồng, có con rồi có cháu, mái tóc ấy được ngoại bới gọn gàng và thật đẹp phía sau gáy. Dần dà theo thời gian, búi tóc ấy thưa dần cùng với những sợi tóc bạc ngày càng nhiều thêm, vết hằn quanh mắt cũng dần hiện rõ. Ngoại hỏi, nó trả lời trong khi mắt đang đuổi theo những áng mây đủ hình dáng đang lững thững trôi xuyên qua ánh nắng cuối ngày chiếu xuống. Những câu hỏi xoay quanh chuyện sức khỏe, công việc của nó, xen lẫn những câu hỏi là lời nhắc nhở cẩn thận xe cộ, gió mưa,… những vấn đề mà người bà, người mẹ nào cũng quan tâm và luôn nhắc nhở con cháu. Có người thấy phiền với những lời nhắc nhở đó, nhưng riêng với nó, nó mừng và ghi nhớ từng câu từng tiếng, vì nó biết ngoại nó vẫn còn khỏe và minh mẫn.
Chiều quê thật yên ả nhưng cũng thật buồn (đối với một vài người nhưng không phải nó), không có tiếng còi xe inh ỏi, không có cảnh dòng người chậm chạp nhích từng chút một trên đường, chiều quê chỉ có tiếng gió xào xạc, có những cánh chim vội vã trở về sau ngày kiếm ăn, có câu vọng cổ ngọt ngào vẳng lại từ mái nhà của ai đó. Nó nằm nhìn trời nhìn mây, suy nghĩ miên man khi ngoại nó lui cui làm gì đó trong bếp. Điện thoại nó đổ chuông, là thằng bạn thuở cởi truồng tắm mưa rủ nó qua nhà chơi. Nó xuống thưa ngoại xin phép đi chơi, ngoại mỉm cười móm mém dặn nó đi chơi nhớ về sớm.
Khuya ở quê thật tĩnh mịch, tiếng dế râm ran dưới những vạt cỏ ven đường làm cảnh vật bớt phần vắng lặng. Về đến cổng thấy đèn lớn trong nhà đã tắt, chỉ còn bóng đèn quả nhót từ bàn thờ hắt chút ánh sáng yếu ớt qua khe cửa. Nó mở cửa thật nhẹ, bộ ván bên hông phòng khách mùng chiếu đã sẵn sàng, là ngoại chuẩn bị cho nó. Vén mùng chui vào, kéo mền đắp ngang ngực, nó cứ tưởng ngoại đã ngủ rồi nhưng lại thấy ngoại vén cửa buồng bước ra.
- Ngoại chưa ngủ hả?
- Tuổi già mà con, khó ăn khó ngủ lắm. Tối không làm gì nên vô mùng sớm cho đỡ muỗi chứ 3, 4 giờ sáng mới ngủ được. Con coi tấn mùng cho kĩ, không thôi muỗi vô cắn là bệnh sốt rét đó.
- Dạ, con biết rồi. Ngoại ngủ sớm đi”
Cây xoài cát Hòa Lộc đung đưa trong gió làm ánh nắng lúc ẩn lúc hiện chiếu vào mắt nó qua khe cửa sổ. Nó vung tay ngáp 1 cái thật dài nhìn đồng hồ, 6h30 sáng. Thu xếp mùng mền đem vào buồng, nó vừa đi vừa huýt sáo xuống sau hè rửa mặt. Thấy nó ngoại hỏi sao không ngủ thêm chút nữa, còn sớm mà, nó cười trả lời ngủ đã rồi ngoại.
- Ngoại đang làm gì đó?
- Nay ngoại làm bánh xèo cho bây ăn, đánh răng xong bây ra vườn nhổ cải, hái đọt xoài, đọt cây cách vô để cuốn ăn chung nghen.
- Yes madam
- Thằng quỷ, tao đâu có biết tiếng Tây tiếng U đâu. Ngoại cười, nụ cười móm mém hiền hậu.
“Bây lên đó nhớ giữ gìn sức khỏe, ráng làm ăn, lâu lâu dzìa thăm ngoại nghen con. Ở Sài Gòn xe cộ đông đúc, bây chạy từ từ, chạy sát lề nghen con…” Nó “dạ dạ, con biết rồi, ngoại yên tâm. Ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe nghen, con rảnh con dzìa thăm ngoại”. “Thôi bây lo đi sớm đi không thôi nắng”. Nó khoác balo lên vai, balo nặng trịch nào bánh, nào kẹo, còn có hủ thịt chiên mặn mà nó thích, ngoại luôn yêu thương nó, tình yêu thương không bao giờ vơi mà còn đong đầy theo ngày tháng. Trước khi quay lưng đi, ngoại xoa đầu nó thật nhẹ “nhớ dzìa thăm ngoại nghen con” nó quay bước đi mà sống mũi cay cay, giọt nước mắt chực trào trên hai má.
T.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét