Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Canh canh… canh canh canh… Gió thốc vào tấm cửa kính lâu ngày đã mòn ron nên kính rung rinh gõ canh canh vào khung sắt. Thằng Nhất thò chân ra cái khung đã bong tróc những nốt sần khều cái chốt gài cài lại cửa. Nhưng… chốt đã mòn đến nỗi chỉ có cắm đó cho đủ hình dạng thôi. Gió vẫn thốc. Không phải là tiếng lanh canh nữa, mà đã rập… rập… cửa va vào khung, thằng Nhì sợ bể kiếng nên lấy cái khăn tắm chèn lại. Tôi- thằng Ba đi tìm cọng kẽm cột cánh cửa. Ngoài trời đã bắt đầu bồm bộp những hạt mưa. Thằng Tứ vẫn chưa về. Phòng trọ mười hai mét vuông, có gác lửng. Nếu là sinh viên thì gọn nhẹ hơn, gác nằm hai thằng, tầng dưới hai tên kèm chút sách vở nồi ơ. Nhưng bây giờ chúng tôi đã đi làm, chậc, phụ việc bộ phận điện nước ở một xí nghiệp đang xây dựng trong khi chờ xin việc “đúng chuyên môn” ấy mà. Bốn thằng nằm ém nhẹm trên cái gác lửng, chừa phía dưới để xe cộ, đồ làm. Loanh quanh mãi cũng tìm được khoanh kẽm bằng hai gang tay, nói kẽm cũng chưa đúng, là đoạn dây thắng xe đạp đứt từ nẳm nào được ai đó thuê nhà trước chúng tôi biết “nhìn xa trông rộng” nên nhét vào lỗ gạch phòng khi thế này đây. Bốn năm ngồi mòn mấy cái quần, đi rách mấy đôi giày của quảng đời đại học. Tốt nghiệp rồi chúng tôi không thể về quê bởi ở đó sẽ hiếm có một chỗ nào “dư ra” cho chúng tôi cả. Mà nếu có, thì đào đâu ra một khoảng tiền với dãy số “chín chữ số” để kê vào cho yên một chỗ ngồi? Vậy là thưa với ba mẹ, thị thành nhiều cơ hội lắm, bốn năm qua tụi con còn trụ được huống chi vài tháng để tìm một chỗ làm đúng bằng cấp, đúng chuyên môn? Ba mẹ cứ an tâm mà cuốc cày vun xới bên mấy công đất, đảm bảo không lâu sau con của ba mẹ sẽ vinh quy bái tổ với ngựa xe võng lọng về làng. Thằng Nhất trở mình sau giấc ngủ vùi vì mệt: - Thằng Tứ về chưa mấy cha? - Ngủ thì ngủ cho trọn bộ công quả đi ông nội! Chưa thấy ai ngủ ngon như ông. Mưa gió rầm rầm... Thằng Nhì cằn nhằn. - Nó chờ lãnh lương cho bốn thằng, chắc về trễ tí. Tôi bảo thằng Nhất chẳng phải là có cái gì giỏi nhất, chỉ là nó là đứa con đầu tiên trong bầy con sáu đứa của gia đình nên đặt Nhất cho gọn vậy thôi. Học dở nhất bọn, ngay cả bây giờ còn nợ hai tín chỉ nữa mới được nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng về quê, nó cứ oang oang với họ hàng, cha mẹ rằng con học giỏi nhất lớp, tiền làm thêm của con hai tuần bằng thu nhập vườn tược của ba mẹ ba tháng. Ông già hắn bảo, thu nhập cao vậy sao tháng nào mày cũng đòi gửi tiền như đòi nợ? Dà… đó là ba không biết đó thôi, thị thành chi phí đắt đỏ lắm, ba không tin, hỏi thằng Bé Ba, con bác Sáu Còi đi, tô hủ tiếu ở dưới giá bằng bốn lần ở đây. Chả biết hắn “nổ” cỡ nào mà mấy khi tôi về ông già tôi hay nhiếc, kiểu nhiếc tục tằn của mấy ông già miệt vườn “Mày coi lại mày đi, tướng lù đù như con gà rù vậy. Cũng ăn cũng học như con người ta mà chưa thấy làm nên trò trống gì. Thằng Nhất con chú Tư Ốm kìa, nó làm ở tiệm game hai tuần là đủ sắm nửa chiếc xe “Quây an pha” đó. Ngữ của mày… lù đù lụt đụt, đi thì thôi, về là rúc vô nách mẹ, mai này chỉ có bốc c… mà ăn”. Nói tôi rúc vô nách mẹ có oan quá không? Chứ cái sàn nước chông chênh, mẹ bảo đóng lại giùm, cái chuồng gà bung cửa, mẹ cần đóng lại, kệ nhà bếp bung ốc sứt đinh cũng cần bàn tay con trai. Tôi không làm, thì chờ ai? Mẹ con hủ hỉ bên nhau mà ba nói vậy thì thật là… Mấy lần mẹ hỏi tôi “Có phải thằng Nhất nhà bác Tư làm hai tuần ở tiệm game thì lương đủ sắm nửa cái xe “quây” không con?”. “Dà… chính xác nó ngồi tiệm game hai tuần là nửa chiếc xe “quây” bay chấp chới đó mẹ”. Mẹ ngẩn ngơ ra chiều suy nghĩ. Năm thứ ba đại học, thằng Nhất về hối thúc gia đình bán năm ngàn mét vuông đất lấy tiền cho nó mở tiệm game ở Sài Gòn khiến cả xóm lác mắt. Rôm rả mấy tháng trời để tài “con người ta sao thấy mà ham, vừa đi học vừa đi làm. Ai như con mình ăn rồi báo”. Vậy mà sáu tháng sau, mặt bằng thuê, máy móc thuê, thêm giang hồ đòi bảo kê và tiệm khác cạnh tranh. Chịu không thấu, nó trả mặt bằng “trả hết, trả hết cho người”… nhưng còn năm ngàn mét vuông đất thì không biết bao giờ mới trả lại được cho ba mẹ thì ông già tôi mới “Ờ… ờ… coi dễ ăn nhưng khó nuốt à nghen”. Tôi từng là một trong ba thí sinh có điểm đậu cao nhất trường đại học Luật. Nhưng ông già bảo “Nhà mình ba đời làm nghề nông, quê mình cũng xứ ruộng đồng, mày học luật về cãi với trâu à? Thôi con ơi, cá không ăn muối cá ươn, nghe lời ba giùm đi, học ngành nào dính dáng tới nông dân ấy. Cho bà con mình được nhờ”. Tôi không muốn bị “ươn” nên học ngành theo ý nguyện của cha. Để bây giờ là cả trời hối tiếc, vì quê tôi đã không còn là xứ ruộng đồng, ba tôi muốn làm nông dân cũng không được làm nữa vì cái án “đất quy hoạch” đã treo lơ lửng trên đầu mấy năm nay. Thằng Tứ ào vào phòng, ướt như chuột lột. - Cho ly trà nóng! Lạnh quá mấy ông ơi! Tôi pha trà, mùi ẩm mốc của thứ lá (chẳng biết có phải lá trà không) quyện cùng mùi hóa học mà người ta gọi là “trà dứa” giữa căn phòng ngột ngạt của cơn mưa đầu mùa nồng nực thế này thật chẳng biết tả nó là mùi gì. Thằng Nhì thì lấy quần áo cho Tứ. Bươi mãi mới ra bộ đồ trông đường được. Uống ly trà rồi thay đồ, Tứ nằm vật xuống sàn nhà không chiếu. - Tiền đây! Mỗi bì có tên từng thằng. Nhưng trưởng nhóm lấy một ngày để làm công quỹ công ma gì đó… Nói xong Tứ chìm vào giấc ngủ. Báo hại tôi và Nhì phải ì ạch khiêng Tứ lên gác. Đêm đó Tứ sốt cao. Mấy thằng con trai đã hè nhau dùng hết kiến thức y học của mình để hạ sốt cho Tứ nhưng cơ thể nó vẫn hầm hập và không dậy được. Sáng ra Nhất bảo: - Ông từ lừ đừ hôm nay nghỉ làm, đưa thằng Tứ đi bệnh viện giùm. Cơm trưa nay tự túc. Chiều ai về trước nấu ăn. Có gì thông báo sau! Thằng Nhì cười hì hì vì biết Nhất gọi “nít- nem” của tôi là đố tôi dám từ chối. Thằng Tứ đã tỉnh, người chỉ còn hâm hấp. Bác sĩ bảo chỉ sốt siêu vi, nhưng cơ thể Tứ suy nhược quá, phải nghỉ ngơi bồi dưỡng một thời gian. Lao động nặng nhọc, ăn uống không đủ chất sẽ sinh ra nhiều bệnh quan trọng hơn. - Mày… mày đừng gọi cho ba mẹ tao nghen! Để ổng bả lo nhiều tội nghiệp, tao bệnh mấy bữa thôi mà… Nhà không còn miếng đất nào, ba tao đi chụm lò than, mẹ phụ quán ăn… thì làm sao đủ tiền cho hai đứa em tao đi học? - Ngủ chút đi! Tao không gọi đâu. Nhưng chút nữa phải ăn nhiều mới được. Tôi nghe mắt mình cay cay. Trưa muộn. Thằng Nhì ào vô phòng: - Cho hai đứa bây hộp cơm là coi như tao đủ công quả ngày nay. Có quán mới khai trương. Ngon và rẻ! Tối nay mày coi ngủ luôn trong này với thằng Tứ kẻo nó lạc đàn, chứ tụi tao đi về mệt lắm rồi! Lại một cái “lệnh” trút xuống thân tôi. Xế chiều xem bộ Tứ đã đỡ hẳn. Nhưng tối thì kêu đau bụng dữ dội. Tôi nói, chắc tại hộp cơm buổi trưa “có vấn đề”. Nó bảo không phải đau kiểu ngộ độc thức ăn, đau kiểu gì lạ lắm… Vậy là gọi bác sĩ, sau một phen siêu âm, chiếu, chụp thì nhô ra khúc ruột thừa bị viêm cấp tính, phải phẫu thuật. Ba thằng gom tất cả tiền lương vừa lãnh hôm qua cũng chưa đủ nộp. Nhì “sáng kiến” là… cầm một chiếc xe. Mà lại xe của tôi, vì còn “trông được được”. Tôi cãi, bốn thằng chỉ còn một chiếc, mai này làm sao đi làm? “Ô kê, vậy mày cứ để xe mà đi. Một phút ba mươi giây nữa nó ngỏm là xem như vui rồi. Cứu một người là tổ tiên bảy đời đầy công quả đó”. Nhì quát. Tứ đã ra viện. Gầy càng gầy hơn, ốm giờ càng xanh mét như tàu là chuối non. Sức vóc này thì không thể đào đất bỏ ống nước hay leo tầng tầng lầu mà bỏ dây sàn được. Phải ở nhà nấu cơm thôi - Tụi bây… cho tao đi làm với… thằng nào cũng như nhau mà bắt tụi bây nuôi tao thật là… kỳ quá. - Thôi đi ông nội! Đi để báo tụi con thêm chứ ích lợi gì? Ở nhà nấu cơm giùm là đủ công quả rồi. Công quả, công quả. Nói câu nào thằng Nhì cũng “chêm” từ “công quả”. Bởi má của nó rất hay làm công quả, chùa chiền nào bà cũng đi, từ quét lá tới sửa sang, đổ bê tông, bưng cơm rót nước, giặt giũ… cho người già bệnh tật. Bà đi riết, bỏ mấy cha con nó cù bấc cù bơ. Thằng em út bỏ học từ lớp 5 mà bả cũng không biết. Ông già nó cằn nhằn, bà già nó nói “Tui sinh cho ông ba đứa con là đủ công quả kiếp này rồi. Giờ đừng cản tui, tui phải đi chùa để có công quả cho… kiếp sau”. Chẳng biết bà già nó được mấy tạ công quả rồi, chỉ thấy bỏ nhà riết, con em mười sáu tuổi của nó bị người ta dụ đi mất, tàn cả đời con gái. Nó ghét cụm từ đó tận xương tủy, nhưng vẫn nói, bảo là “nói kháy” cuộc đời chơi. Chiều muộn. Thường là bọn công nhân “hiểu đời” và chưa bìu ríu vợ con như chúng tôi hay về muộn. Vì không kẹt xe, không bị giật dọc, cũng ít tai nạn giao thông. Nhưng hay “vướng” mấy anh cảnh sát. Bởi một tội đơn giản: lấy mũ bảo hộ đội thay mũ bảo hiểm. Cảnh sát tuýt còi, cứ nhịp điệu cũ mà ca “Mấy anh thông cảm, đem hai cái nón bất tiện quá. Xưởng cách nhà trọ có vài trăm mét mà…”. Anh cảnh sát trẻ măng cười “Sợ bất tiện thì chịu khó tốn tiền. Trăm ruỡi cưng”. Xe không giam, người không bắt, chỉ phải móc tiền ra. Mà trăm rưỡi, là cả ngày làm công đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ ít ỏi gì. Vậy mà sáng ra là cứ quên mang nón bảo hiểm. - Ê bé Ba! Bữa nay đi đường đê về nghen! Khỏi qua cổng xí nghiệp, đi vòng một chút mà khỏi mất trăm rưỡi. Nhất nói. Thằng Nhất cầm lái, tôi ngồi sau, chạy một đoạn thằng Nhì nhảy phốc lên ép sát vào. Ba con người, một cái nón bảo hiểm, hai chiếc nón bảo hộ. chênh vênh trên đường đê- cung đường tơ lụa mà thằng Nhất vừa phát hiện ra. Tôi không buồn phản đối, cái xe cầm triệu bạc còn chưa chuộc lại, tiền đâu đóng phạt. Túi đồ nghề với chiếc cuốc chim, cái xẻng nhỏ, vài cái búa… máng trên xe. Gió đồng phần phật, đường đê nhồi lên thụt xuống như đua ngựa. Cán cuốc hay cán búa va vào xe theo nhịp đường cứ lanh canh… lanh canh… theo tiếng đập cánh của gió đang ù ù bên tai.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét