Khi tôi mở bao gạo để lấy bịch bánh ra thì thấy nó đã vỡ vụn ra từng mảnh nhỏ. Những miếng bánh vỡ mịn thành bột được gói ghém cẩn thận trong một chiếc bịch ni lông trắng. Mùi vị của bánh vẫn thơm nức, một mùi hương nhè nhẹ của quê nhà, của nơi xứ Nẫu đồng quê có hàng dừa thẳng tắp. Đó là những miếng bánh tráng nước dừa đậm đà hương vị của quê hương mà mẹ đã nướng sẵn để gửi vào phố cho con gái. Mẹ luôn dành những điều tốt đẹp nhất, những món quà quê dân dã nhưng đậm hương vị quê nhà.
Từng miếng bánh vẫn còn giòn tan khi được nướng dưới ngọn lửa hồng, chiếc bánh được hơ đều để không bị chai và cháy. Những trái dừa sau nhà, mỗi khi khô và rụng mẹ đều để dành khoảng mấy trái rồi đem tới chỗ làm bánh đưa người ta làm. Khi đó, không chỉ là dừa khô mà còn cả tiêu và hành để cho bánh được thơm và có chút cay sè của dân xứ Nẫu. Những chiếc bánh được làm ra từ lò bánh nhà quê, làm theo yêu cầu của khách hàng. Mẹ đưa dừa, hành, tiêu nhiều nên chiếc bánh sẽ béo thơm hẳn mùi nước dừa và vị tiêu, hành càng làm cho bánh thêm đậm đà. Những chiếc bánh được mẹ để dành để khi nào có dịp gửi ra phố cho con. Mẹ luôn nghĩ rằng ở nơi đất khách: “Chắc con sẽ không có món bánh tráng nước dừa như ở nhà. Nếu có thì cũng không có an toàn và thơm ngon như nhà làm”. Ấy vậy mà bao nhiêu đồ ăn ngon mẹ đều cất giữ cho con.
Chiều hôm ấy, có bác Ba hàng xóm vào phố để thăm con trai, tiện thể mẹ gửi cho bác bịch bánh bỏ trong bao gạo. Mẹ định gửi cả ràng bánh sống nhưng lại nghĩ vô đó làm gì có lửa, có than để mà nướng. Con nướng bếp ga thì bánh sẽ không được ngon mà còn bị cháy, bay mùi ga. Thế là, mẹ nướng vài cái rồi bẻ làm tư để cho vào bịch, cột chặt lại để khỏi bay hơi và giữ cho bánh được giòn hơn. Mẹ bỏ chung vào trong bao gạo để gửi cho con. Những cái bánh tráng nước dừa được gửi vào phố mang theo hương vị quê nhà. Mẹ biết con rất thích ăn bánh tráng nước dừa. Vì lúc bé, mỗi lần nhà có được trái dừa nào con cũng nhắc mẹ làm bánh tráng dừa cho con ăn. Mỗi lần ăn, nó đều tấm tắc khen ngon. Và chẳng bao giờ nó chán món quà quê ấy cả. Nhiều lúc nó tiết kiệm để dành, nó chỉ bẻ một phần nhỏ của miếng bánh để chui vào xó bếp để nướng khi mẹ nấu ăn xong. Nó sợ hết bánh, ăn một lần là lần sau chẳng có để mà ăn. Một cái bánh to như vậy nó có thể ăn đến bốn lần. Lần nào, nó có được miếng bánh tráng dừa trên tay, nó cười rất tươi và rạng rỡ. Ấy vậy, mà tình quê theo nó tận ra phố, mỗi lần nó mua được cái bánh tráng dừa ở phố. Người ta đã nướng sẵn nhưng nó kể: “Bánh tráng dừa ở phố không có vị dừa, không có hành, tiêu gì cả.” Thế là nó lại dặn mẹ: “Bao giờ có dịp mẹ để dành dừa làm bánh cho con”.
Nó cầm miếng bánh tráng dừa đã vỡ vụn lên ăn mà ngấm từng giọt nước mắt. Nó thương mẹ vô cùng. Những món ngon mẹ đều để dành để gửi cho nó. Kể cả mấy miếng bánh đã vỡ vụn như bột nhưng vẫn còn thơm lắm, thơm hẳn mùi vị xứ dừa của tỉnh Nẫu. Nó lấy một ít ra để ăn. Nó nhai như ngọt lịm của tình quê. Những miếng bánh giòn tan, nhai nghe rụm rụm. Vị bánh rất béo của dừa, một chút cay của tiêu và hành làm nó càng thêm nao lòng. Nó ước được trở về nhà ngay lúc này, để nó được chui xuống bếp nướng bánh tráng dừa để mà nhâm nhi trước vị khói của củi lửa trong bóng chiều hoàng hôn của quê nhà.
Thế đấy, một miếng bánh tráng dừa vỡ vụn nhưng đậm đà tình cảm biết bao. Mỗi ngày nó lấy ra một ít để nhâm nhi và rồi một ngày những bột bánh vụn vỡ cũng hết, chỉ còn là một chiếc bì không nhưng sao hương vị ấy vẫn còn mãi đâu đây. Những chiếc bánh tráng dừa trong ký ức lại ùa về trong nó và nó nghe có mùi bánh thiệt, là mùi bánh tráng nước dừa. Nó lần theo hương thơm ấy để chạy thẳng xuống căn gác xếp và thấy cô chủ nhà đang ngồi nướng bánh. Hóa ra đó chỉ là ảo ảnh của nó chứ chẳng phải là chiếc bánh của quê nhà. Nó từ từ bước lên trong bước đi của chiều tà…
L.T.C.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét