Hôm ấy, trời đang nắng bỗng đột ngột đổ mưa. Ông chạy xe ra chỗ khúc cua đoạn dẫn ra lộ lớn. Nơi hàng ngày bà vẫn ngồi ở đó, buôn bán những thứ trái cây quê mùa. Quanh năm suốt tháng, mùa nào thức ấy, lúc thì dăm trái ổi vườn, bữa vài ký chôm chôm, sầu riêng hạt lép... Những thứ trái cây gắn liền với người dân ở xứ nhiệt đới này. Dù có lúc ông muốn bà ngơi nghỉ, về nhà an dưỡng tuổi già nhưng bà không đồng ý. Bởi mấy chục năm nay bà quen bán ở nơi ấy, đâu phải nói bỏ về là bỏ về ngay được. Chưa kể khách mua hàng của bà bao năm nay vẫn ghé ủng hộ, có người tuốt tận Sài Gòn khi về thành phố cũng ghé sạp hàng của bà mua ít trái cây làm quà cho hàng xóm, bạn bè. Mà bán hàng như bà đâu có nặng nhọc gì đâu mà ông cứ lo hoài không biết. Coi vậy chứ, tuổi của bà bây giờ bán hàng không còn là cái nghề để kiếm kế sinh nhai, kiếm cơm kiếm cháo nuôi con như những thuở nào. Giờ bán hàng với bà là để sẻ chia, để tìm niềm vui tuổi già bằng đủ đầy những câu chuyện từ bao phận người sang hèn ghé sạp hàng của bà ngồi đợi chờ những chuyến xe xuôi ngược.
Hồi đó cũng may nhờ có sạp hàng này mà ông mới cưới được bà, dù lúc ấy trên tay bà còn ẵm ngửa thằng út nhưng ông vẫn một mực đeo đuổi cho kỳ được, mặc cho gia đình ông phản đối. Mà nghĩ lại hồi đó ông cũng lì lợm, bất chấp tất cả để đến với bà, ngày đó nếu không phải vì quý cái tình của ông, bà đã chẳng gật đầu chấp thuận.
Chồng bà mất sau căn bệnh quái ác hành hạ suốt bao tháng ròng. Tiền bạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo những lần chạy chữa thuốc thang. Chỉ đến khi bác sĩ kêu gặp riêng bà thở dài, lắc đầu chịu thua thì bà mới đưa chồng về chờ chết. Chưa kể hồi đó lũ con nheo nhóc, đứa này chưa kịp no thì đứa khác đã đói. Có những bữa mấy má con phải ăn khoai trừ cơm từ sáng tới chiều. Cũng may cô Sáu thương tình, chia cho miếng đất kế bên tiệm hớt tóc của cô để má con bà có chỗ bán buôn qua ngày đoạn tháng, nếu không chắc giờ này không chừng má con bà đã lưu lạc tứ phương chứ đâu còn ở xứ này để ông có người nấu cơm, giặt giũ áo quần. Bà thường kể đi kể lại, tường tận câu chuyện của đời mình để ông thôi không bắt bà bỏ sạp hàng về nhà trông cháu. Ông nghe hoài riết chán, thôi thì đành để bà làm những việc bà muốn, dù trong lòng ông không thích chút xíu nào.
Mấy đứa con của bà coi ông như cha ruột. Có nhiều khi bà tự hỏi liệu chúng có thực sự phải con bà mang nặng đẻ đau, hay chính ông mới chính là cha ruột của chúng. Nói có sách mách có chứng, ai như đứa con gái lớn lấy chồng tuốt luốt trên thành phố, mỗi lần về thăm nhà, nhìn thấy bà chỉ gọn lỏn câu chào má rồi hỏi liền tù tì về ông, nào là dượng có khỏe không, bệnh xương khớp của dượng đỡ nhiều chưa má, thuốc con gửi về dượng xài hết hay còn sao hổng thấy gọi điện cho con để con gửi xe về xài tiếp... Rồi đến lượt thằng Út, lấy vợ cách nhà chưa đầy dăm bảy cây số, nhưng chiều nào cũng phóng xe honda về thăm, cà kê rượu chè rồi nhậu nhẹt đủ kiểu. Nói chi xa xôi, ai đời má đẻ ra nó thì chớ hề nhớ ngày sinh nhật mà cha dượng thì nhớ cả ngày ông được kết nạp Đảng. Coi bộ không chịu nổi, nhiều bữa bà giả bộ bệnh nặng trong người thì may chăng tụi con mới chịu hỏi thăm má tường tận chi tiết.
Đó là câu chuyện của mấy năm về trước, còn hiện tại, hàng ngày ông vẫn ra sạp hàng của bà ngay khúc cua quẹo ở đầu con lộ, chỉ để ngắm nhìn khung cảnh hoang vắng rồi mường tượng về bà, nhớ những lúc bà cân trái cây cho khách, nhiệt tình mời nước cho cả những vị khách ghé sạp hàng đợi xe mà chẳng mua bất cứ thứ gì. Có lần tận mắt ông chứng kiến cảnh bà ngồi nói chuyện to nhỏ với má con nhà nọ, nghe đâu chồng lên thành phố làm mướn, không may bị tai nạn phải cấp cứu trong nhà thương. Nhà thì nghèo, đứa con gái chắc tầm mười bốn mười lăm nhưng cũng phải nghỉ học giữa chừng khăn gói lên thành phố làm mướn kiếm tiền chữa chạy cho ba. Bà nghe xong, móc trong túi mấy đồng bạc lẻ dúi vào tay người phụ nữ kêu cầm lấy đi đường uống nước. Nói là mấy đồng bạc lẻ chứ cũng ngót nửa số tiền cả vốn lẫn lời bà bán hàng bữa đó. Cũng từ hôm ấy ông mới thôi không càm ràm về việc buôn bán của bà, đổi lại ngày ngày ông ra phụ giúp bà dọn hàng, gói đồ cho khách lúc rảnh rỗi. Bà như cũng thầm hiểu ra những việc ông làm nên càng thêm tin vào những điều mà bà đã chọn, kể cả việc quyết định nương tựa vào ông ngày đó, dù sau này cưới nhau về bà mới biết, ông không thể làm cha vì chứng vô sinh di truyền cho ông từ người chú trong gia đình.
***
Ông chỉ nghe những người dân sống gần đó kể lại, tận mắt ông không chứng kiến được câu chuyện xảy đến với bà. Khi ông tới nơi người ta đã đưa bà đi, sạp trái cây chỏng trơ ngả nghiêng xiêu vẹo. Những trái ổi lăn lóc khắp nơi, nắm xôi ông mua cho bà lúc ghé chợ vẫn còn nguyên ở đó. Chiếc xe honda bể nguyên dàn đầu phía trước. Vài đốm máu đỏ li ti đã khô cứng in dưới nền nhà. Ông chỉ nhớ mang máng vậy khi ai đó vô tình nhắc tới bà, nhưng trong lòng thì vô cùng đau đớn.
Bà mất. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức để giữ lại mạng sống. Nhưng số phận đã an bài, ông đành chấp nhận sự thật ấy một cách gượng gạo. Dẫu biết sinh tử đời người là không tránh khỏi, nhưng với ông sự ra đi gấp gáp của bà không phải là định mệnh, mà là sự nhẫn tâm của số phận gieo xuống cho bà, cho ông, cho cả gia đình. Bà còn chưa được một lần an vui tuổi già, chưa được đi đây đó cùng ông, như những người trẻ đi bụi với nhau chẳng cần nghĩ suy về tương lai phía trước.
Ông như người mất hồn những ngày sau đó. Dù hai đứa con không ngừng an ủi vỗ về, nhưng ông vẫn không thôi dằn vặt chính mình, bởi nếu ngày đó ông ở lại với bà như mọi ngày, biết đâu mọi chuyện sẽ không tồi tệ đến vậy.
Sạp hàng đã được ông dựng lại gọn gàng sau tai nạn. Dù chỗ ấy vẫn trống trơn. Sau ngày bà mất đi, chỗ thường ngày các vị khách hay đứng chờ xe cũng chuyển sang một nơi khác, chẳng ai bảo ai, họ tự nhắc nhở nhau như sợ từng chuyến xe qua, từng phận người đến lại gợi nhớ trong ông bao u ám đau buồn. Sợ vết thương trong lòng ông vô tình trỗi dậy khi ai đó nhắc đến tên bà, kể về những kỉ niệm với bà và còn bao câu chuyện cùng lời hứa dở dang mà khi còn sống bà chưa kịp hoàn thành.
Bây giờ là tháng Tư, trong khu vườn đã ngào ngạt những cánh hoa mỏng manh từ rất nhiều cây trái. Hơn bốn năm kể từ ngày bà nằm xuống, heo hút giữa cánh đồng. Đám cỏ ấu tua tủa mọc lên vây kín nấm mồ. Ông ngày ngày vẫn ra nơi ấy, để trò chuyện cho bà đỡ côi cút tủi thân.
Đứa cháu ngoại thi thoảng được nghỉ học lại tranh thủ về thăm. Nó bảo nhớ bà quá đỗi. Nhớ giọng hát mùi mẫn bà hay ngồi ca vọng cổ tối tối, trong ngôi nhà nằm giữa vựa trái cây miệt vườn. Nhưng giờ bà đi rồi, chỉ còn nụ cười hiền từ trong bức di ảnh ông để trên đầu tủ, trong lờ mờ khói nhang. Người ở lại cứ day dứt khôn nguôi, bảo sao người nằm xuống có thể an vui mà mỉm cười nơi chín suối.
Không đầy ba tháng nữa là tới đám giỗ bà. Khi ngoài vườn rộn tiếng chim ca, ong bướm nhắng nhít bay về hút mật trong những cánh hoa để khu vườn thêm chút nhộn nhịp. Ông vẫn ra vườn mỗi sáng, chăm vườn trái cây mà cả bà và ông tâm huyết gầy dựng. Mong cây trái đầy cành sai trĩu để đám giỗ bà thêm trọn vẹn bởi những mong ước của người còn lại dành cho người đã khuất.
Dù bà đã mất, nhưng với ông đó chỉ là mất mát về thể xác của con người. Với ông bà vẫn còn ở đâu đó rất gần, mỉm cười cùng ông, để cùng ông thực hiện những dự định mà khi còn sống ông bà chưa làm được.
Cứ khoảng dăm bữa nửa tháng, đứa con gái trên thành phố lại về thăm ông. Những ngày bà còn sống, phải lâu lắm đứa con gái mới về, phần vì phận gái đi lấy chồng, chuyện nhà cửa con cái không thể bỏ bê. Phần khác cũng vì ngày đó tuổi trẻ suy nghĩ chưa thấu đáo, nên đứa con gái không thể chấp nhận việc bà bước thêm bước nữa cùng ông. Đứa con gái vì vậy mà đi lấy chồng sau những khẩu chiến của hai má con. Ngày đó cũng vì ông không thể mở lời mà nói với con, chỉ có thể chứng minh bằng những quan tâm và hành động. Rồi đứa con gái cũng nhận ra những lỗi lầm thời nông nổi nhưng hai má con cũng ít tâm sự với nhau, thành ra ông phải trở thành cầu nối, riết rồi tình cảm của cô con gái dành cho ông còn lớn gấp bội tình thương của bà. Giờ bà nằm xuống rồi, dù hai má con đã bớt dần những khoảng cách vô hình mà chỉ mình ông mới cảm nhận được, nhưng vẫn còn gì mông lung lắm hoặc có gì đó giữa hai má con mà khi bà còn sống cả hai chưa thể thứ tha làm hòa...
Đứa con trai thì khỏi nói rồi. Nó thương ông không sao kể hết. Có nhiều khi bà tin rằng kiếp trước ông và nó là một gia đình. Bà chỉ như chiếc cầu nối kết tình ruột thịt. Thỉnh thoảng bà cũng hay bông đùa với ông như vậy khiến ông càng tin quyết định bỏ xứ của mình để ở lại nơi này làm bạn cùng bà suốt mấy chục năm qua là đúng đắn. Dẫu cho khi bà còn sống, ông chưa kịp thổ lộ với bà, chưa kịp trải lòng cho bà biết tất cả về ông. Mà thật ngày đó bà có biết gì đâu, chỉ biết ông hay đến sạp trái cây của bà ngồi đợi xe bằng những câu bỡn cợt trêu đùa. Ai ngờ đâu ông thương bà thật tình, càng không thể tin ông có thể rời bỏ được người phụ nữ đã từng rất yêu ông ở quê nhà để đến xứ này, nắm trọn bàn tay bà để cùng bà đi hết quãng đường đời mịt mù tăm tối bằng bao mất mát thanh xuân.
Bà ra đi vội vàng quá. Ông chưa kịp đưa bà về nơi ông từng đau khổ dứt áo ra đi khi biết mình không thể mang đến những đứa con cho người con gái từng yêu ông rất sâu đậm. Người con gái ấy chẳng có tội tình gì, có chăng số phận đã gieo vào lòng ông những mất mát mà ông không muốn những người ông thương phải đau khổ, phải sống chung với những thiếu sót không đáng có của đời người. Ông trốn chạy số phận, chạy trốn người phụ nữ ông đầu ấp tay gối hàng đêm để tìm đến bên bà như cuộc giải thoát số phận nghiệt ngã. Nhưng chính ông cũng không hề hay biết, bà cũng đã từng vấp ngã đau đớn thế nào, đã từng vượt qua mặc cảm của chính mình ra sao để quyết định nương tựa vào ông ngày đó. Nhưng rồi chính ông cũng không thể mang đến cho bà thứ hạnh phúc trọn vẹn như bao người đàn ông khác trên thế giới này.
Rút cuộc bà cũng đi rồi, chỉ còn riêng mình ông với câu chuyện của chính mình mà ông chưa thể thành thật mà thú nhận. Không biết nếu bà biết được sự thật này, sự thật mà ông đã lừa dối bà suốt mấy chục năm qua liệu bà có thể thứ tha và bỏ qua cho ông hay không nữa...
***
Ông đếm đến từng ngày từng tháng để đến ngày giỗ của bà. Ông không biết sự thật ông cất giấu suốt bao năm qua khi nói ra liệu bà có thể bỏ qua cho ông như đã có lúc nằm cạnh nhau, bà từng nói dù ông có thế nào, quá khứ có ra sao thì bà cũng không bận lòng, chỉ cần hiện tại bà có ông, vậy là quá đủ.
Ông định sau đám giỗ sẽ trở về nơi ông trốn chạy số phận nghiệt ngã suốt mấy chục năm qua để xin lỗi người con gái mà ông từng phụ bạc, sẽ kể hết những gì ông cất giấu trong lòng. Ông còn dự định sẽ mở lại sạp hàng trái cây của bà để thay bà bán buôn bao câu chuyện đời người dâu bể. Còn nhiều nhiều những dự định khác mà ông sẽ làm để cho bà có thể an vui dưới suối vàng... Như để chuộc lại lỗi lầm, mà ông đã lừa dối bà suốt mấy chục năm qua. Ông tin, khi thật tâm, ngày mai sẽ là những ngày thật khác...
S.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét