Khi nghĩ đến phụ nữ, người ta hay nói đến những điều gì? Công, dung, ngôn, hạnh? Hay đảm đang, khéo léo, hy sinh? Hay là thân cò lặn lội? Dường như mỗi thứ đều hiện diện một ít trong từng người. Mỗi lần nghĩ tới đó, An lại phải mỉm cười xấu hổ. Vì nếu so với vô số những tiêu chuẩn từ xa xưa cho đến hiện đại thì những điều mình đạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng cô biết, phụ nữ không chỉ có thế. Còn một điều có lẽ ai ai cũng đều có. An cũng có, thậm chí tự hào vì có thừa.
Thế nên đôi khi An không lo lắng nhiều về sự vụng về của mình trong gian bếp. Cô biết nó sẽ không đủ tan thành một gáo nước lạnh để dập tắt ngọn lửa yêu thương trong gia đình nhỏ nầy. Cô chắc chắn tình yêu của Tường đủ lớn để che chắn và rợp mát cả ngôi nhà.
Từ nhỏ An vốn là một cô nàng tiểu thư được nuông chiều nên hơi có phần đểnh đoảng trong công việc gia đình. Những ngày đầu về sống cùng Tường, chuyện bếp núc đối với cô quả không phải là điều dễ dàng. Đôi lúc nhìn những người phụ nữ chăm chút từng bữa cơm, giấc ngủ cho chồng con, thấy mắc ham. Rồi nhìn lại mình, An tự trách mình tệ quá.
Vậy nên An đã cố gắng tập làm quen với tất cả công việc mà trước đây từng là thử thách lớn của mình. Cô hy vọng mình có thể trở thành một người vợ đảm đang trong mắt chồng và mọi người xung quanh. Không phải vì sợ ai trách, mà là vì cô muốn mình có trách nhiệm hơn với vai trò của một người vợ. Đặc biệt sau khi thiên thần nhỏ ra đời, cô đã thay đổi rất nhiều và trưởng thành hơn. Vì An còn có một mong muốn lớn, là trở thành người mẹ trẻ mẫu mực cho thằng nhóc.
Sau hơn một tiếng đồng hồ loay hoay dưới bếp, cuối cùng bữa cơm tối cũng hoàn tất. Dẫu chưa thật chu đáo, nhưng An khá hài lòng với thành quả nhỏ của mình hôm nay. Tự dưng cô lại thèm được có một ánh mắt nào đó từ cửa bếp thập thò nhìn về phía mấy lọn tóc phất phơ của mình. Mà nhà thì có ai nữa đâu, chỉ có cô với thằng nhóc. Bé Siu cứ đi lon ton quanh mẹ, hỏi hết điều nầy đến điều kia, làm cô trả lời muốn chóng mặt. Nhưng cô cũng rất vui, vì bé Siu nay đã nói được nhiều và tỏ ra lanh lợi lắm. Cu cậu càng lớn càng kháu khỉnh, nên không chỉ hai vợ chồng mà người thân và bạn bè đều rất cưng.
Chuẩn bị đâu đấy xong xuôi, An thong thả dọn ra bàn, không quên để sẵn ở đó một chiếc bánh kem trông rất hấp dẫn. An không biết Tường có nhớ hôm nay là ngày gì không, nhưng cô nghĩ có lẽ anh không nhớ. Lúc sáng anh đã nói hôm nay phải đi công tác cả ngày ở các tỉnh lân cận, có lẽ sẽ phải về trễ hơn mọi hôm. Cô đã tự tay làm bữa cơm nầy để chờ anh về. Cô muốn tạo cho chồng một sự bất ngờ. Hôm nay là kỷ niệm bốn năm An và Tường sống chung dưới một mái nhà.
An và Tường tình cờ gặp nhau trong một đợt hội thảo chung của các công ty trong ngành ở khu vực miền Nam. Tường là một trong số đại biểu trình bày tham luận trong ngày hội thảo đầu tiên. Phải công nhận là Tường đẹp. Anh vừa có vẻ đẹp quý phái của một chàng công tử với da trắng, môi hồng, dáng người cao ráo, cũng lại vừa có nét bụi bặm, phong trần của gã con trai trải đời qua cách ăn mặc, đầu tóc và phong cách giao tiếp. Đặc biệt, mỗi khi anh cười, những nét đẹp ấy càng hiện rõ. An phát hiện trong hội trường đã có nhiều cô gái xì xầm to nhỏ, trầm trồ khi Tường lên phát biểu.
Song, cũng trong khi anh phát biểu, niềm ngưỡng mộ của An trôi tuột đi phân nửa. Cô không thể phủ nhận vẻ đẹp của Tường, nhưng cũng không thể thích cái vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm nghị và tỏ vẻ bất cần đời của anh. Thử tìm xung quanh xem có ngọn lửa nào có thể làm ấm lên cho vẻ mặt nầy. Không có. Và cũng không biết phải cần bao nhiêu ngọn lửa mới đủ. Lúc ấy quả thật cô cảm thấy khó ưa tên nầy. An nghĩ có lẽ hắn ta là một gã con cưng nhà giàu có, nên chả xem ai ra gì. Thế nên cô cũng phớt lờ, không quan tâm nhiều.
Trong suốt bốn ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu ở chung trong một khách sạn do Ban tổ chức bố trí. Vậy mà trớ trêu, đến trưa khi cả đoàn về khách sạn nhận phòng thì phòng hắn lại nằm cạnh bên phòng cô. Trong khi gã lạnh lùng chẳng thèm để ý đến ai thì An cứ đứng chết trân, trố mắt ngỡ ngàng. An chỉ biết cười, lắc đầu: “Đúng là ghét của nào trời trao của nấy!”.
Nhưng ngày ấy An nghĩ trời chỉ trao bấy nhiêu, ai ngờ lão già đó còn cợt đùa với An dài dài, để rồi trao luôn nguyên cả con người lạnh lùng ấy cho cô. Mà đó là chuyện sau nầy. Còn lúc bấy giờ khi đám bạn cùng công ty đã tụm lại một phòng, An lại càng có thêm những ấn tượng xấu về Tường. Bạn bè xì xầm rằng gã ta là một tay chơi đào hoa, ong bướm có tiếng. Xung quanh gã không biết bao nhiêu bóng hồng. Khối cô gái chết mê với cái vẻ đẹp hào hoa, lãng tử ấy. Tụi bạn kể hắn hết gặp với cô nầy lại đến cô kia, tháng trước vừa mới chia tay cô tóc dài thì tháng sau đã thấy hẹn hò với cô tóc ngắn. Rồi họ lại còn kể thêm là hắn khó tánh, kiêu căng, đủ thứ tật xấu…
Không biết đám bạn moi được từ đâu hàng đống thông tin về Tường, mà chẳng cái nào hay ho cả. Gì chứ người như vậy thì dù đẹp cỡ nào cũng không lọt vào mắt An được rồi. Phân nửa niềm ngưỡng mộ còn lại trong cô cũng theo mấy lời bàn tán bay mất.
Mà đúng là Tường khó tánh thật. Nhưng không phải khó theo kiểu mọi người nhận định. Mãi sau nầy khi đã trở thành vợ chồng với nhau, An mới thật sự hiểu rõ cái khó tánh của anh là thế nào. Đối với những người mới quen biết, Tường rất kiệm lời, khó gần và thậm chí có phần hơi… chảnh. Điều nầy làm không ít người khó chịu. Nhưng khi đã quen thân với nhau, tiếp xúc nhiều, người ta phát hiện ra bên trong con người khô cằn ấy lại là một con người khác. Con người đó lanh chanh, mồm mép, hay đùa giỡn và rất biết lấy lòng, làm cho người ta vui.
Trong công việc, Tường là người rất nghiêm túc và chỉnh chu. Điều nầy luôn làm An khâm phục. Hễ đã quyết định làm việc gì, anh cũng rất cố gắng để hoàn thiện, không bỏ dở dang giữa chừng, cũng không làm lấy có. Đặc biệt, Tường là người rất quan tâm đến vấn đề giờ giấc. Đi làm việc ở công ty, hẹn gặp đối tác, hẹn hò với An, rất hiếm khi anh trễ, chỉ trừ khi có trục trặc đột xuất. Trong khi đó, An lại thường bị chồng trêu về cái tội ngủ nướng để rồi bị trễ giờ, những lúc ấy anh lại lên giọng ông cụ non: “Thời gian là vàng đấy!”, rồi cười khì khì.
Vậy mà cái gã “người máy giờ giấc” ấy - theo cách gọi của An, hôm nay lại trễ giờ. Bây giờ đã qua bẩy giờ, trễ hơn một giờ so với thời gian ăn cơm thường lệ của gia đình. Ngoài đường thỉnh thoảng lại nghe tiếng xe chạy, tiếng chó sủa, tiếng các nhà bên cạnh mở cổng ken két, làm An trong bếp cứ thấp thỏm tưởng là chồng về.
Ai nói đợi chờ là hạnh phúc chứ? Kẻ giấu mặt mang tên “đợi chờ” đã bào mòn, xua đuổi biết bao niềm vui và hy vọng của cô. Đúng là những đợt công tác ở tỉnh như thế nầy Tường thường về trễ, nhưng rất hiếm khi trễ đến thế nầy. Dẫu là không thường xuyên bù khú, nhưng mỗi lần có tiệc tùng cùng bạn bè anh đều gọi điện thoại về báo cho vợ biết để khỏi chờ cơm. Lần nầy thì tuyệt nhiên không có cú điện thoại nào. Cô lên phòng gọi điện thoại cho chồng, có tín hiệu, nhưng đợi mãi phía bên kia vẫn không nhấc máy.
Đi sớm về trễ có lẽ là đặc thù nghề nghiệp của hai vợ chồng. Từ ngày có bé Siu, An nhận thấy Tường càng vất vả hơn. Anh vốn là một chàng công tử ham vui, bốc đồng. Vậy mà khi cưới An, anh tập làm quen với các công việc gia đình để có thể gánh vác một phần, phụ giúp vợ. Vì Tường biết rằng vợ mình từ nhỏ đã quen nếp sống tiểu thư, nên công việc nội trợ không được đảm đang lắm.
Sau khi có con, mỗi ngày đi làm về anh lại lăng xăng chăm sóc bé. Lúc trước thì Tường pha sữa cho bé bú, giờ Siu đã lớn, đã ăn được nhiều, nên việc đút bé ăn anh giành phần mình. Tường nói rất thích nhìn con ăn, trông cực đáng yêu, đến nỗi… phát ghiền. Mà có lẽ anh ghiền Siu thật, mọi công việc chăm sóc bé anh đều giành với vợ, nào là tắm cho con, thay tả, chơi với bé, ru ngủ… Có lẽ do gần gũi vậy nên Siu rất mến ba, cả ngày cứ “ba ba” suốt, hễ gặp ba ngồi đâu thì chàng ta lại chạy ù đến ngồi vào lòng anh. Vậy biểu Tường không ghiền sao được.
Thật ra ngày ấy An không nghĩ mình sẽ lấy Tường. Vì cô cảm thấy anh không phải mẫu người mình thích. Vừa ghét cái lạnh lùng, khó khăn của Tường, vừa không thích “tiểu sử” đào hoa có tiếng của anh. Nhưng rồi có những khi bất chợt làm An dợm nghĩ: “Gã nầy cũng không đến nỗi tệ”. Đó là lúc Tường tình cờ gặp cô xách cái vali to đùng rồi chạy đến phụ giúp, lại còn nhân đó dắt xe giúp cô luôn thể. Hay là lúc An bỗng dưng bị cảm, chàng trai lạnh lùng ấy lăng xăng tìm thuốc cho cô. Lúc ấy cô nghe một con gió nhỏ ở đâu phả vào mặt nhiều thẹn thùng.
Nhưng không hẳn chỉ vì hành động tý tẹo đó mà cô xiu lòng. Mà còn… Mà thôi, tất cả có lẽ cũng đều do duyên số. Duyên số đẩy đưa thế nào không hiểu, để rồi giờ đây hai người trải qua bốn năm dưới một mái nhà và biết bao ký ức. Ký ức - giống như một tấm voan êm dịu đắp lên vừa khít hai vợ chồng.
Bên cạnh Tường suốt thời gian dài, An hiểu chồng là một người sâu sắc và biết quan tâm. Anh lo lắng cho vợ không chỉ ở nhà, mà cả khi cô đi làm anh cũng thường nhắn tin nhắc nhở chuyện nầy chuyện nọ. Có đôi lúc, những mẩu tin ngắn đơn giản ấy lại cuộn về cho An nhiều cảm động. Đó, thường hay nhắc nhở người ta vậy đó, mà bây giờ đi bặt tăm chẳng thèm “báo cáo”. Đây không phải là cá tánh của Tường, trừ khi có sự cố không may.
An bắt đầu cảm thấy lo. Cục cưng của cô vẫn vô tư chạy lon ton quanh phòng, hết buông món nầy lại chụp món khác. Trái ngược với mẹ nó, đang lo lắng đứng ngồi không yên. Nhìn con, nhìn những món đồ chơi của Siu, nhìn những vật dụng trong phòng, cô lại cảm thấy nhớ Tường. Hầu như mọi thứ trong phòng nầy đều do chính tay anh chọn lựa và mua về cho vợ con. Tường chu đáo như vậy mà trước đây từng bị An kết tội và ghét. Sau nầy nhiều lúc nghĩ lại, cô lại cười thầm một mình.
Bốn năm, thời gian quả là không quá dài so với câu “răng long đầu bạc” như người ta vẫn thường chúc nhau. Nhưng với An, bốn năm quả là đã trải qua nhiều chuyện, vui có buồn có, nhưng đều ghi dấu đậm trong lòng. An và Tường có lẽ là một gia đình đặc biệt. Cả hai đến với nhau mà không tổ chức lễ cưới như bao cặp đôi khác. Ngày ấy cả hai đã chịu rất nhiều chỉ trích của gia đình, họ hàng, bạn bè. Nhưng rồi bốn năm trôi qua, cộng thêm sự chào đời của bé Siu - như một cơn mưa nhỏ vừa đủ râm mát tưới lên cánh đồng vốn khô cằn vì nắng hạn, đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy được hạnh phúc của gia đình nhỏ nầy.
Thấy hai vợ chồng càng lúc càng mặn nồng, gia đình và bạn bè cũng không dị nghị nữa. Mà trách họ sao được, ngay cả An lúc đầu khi nghe Tường nói về chuyện nầy bản thân cũng rất khó chịu. Ai lại làm vợ chồng mà không đám cưới? Đó là trái với truyền thống. Trong khi gia đình hai bên không phải là khó khăn đến nỗi không làm cho con cái mình được một buổi tiệc đàng hoàng. An đã mang đầy hoài nghi về tình cảm của Tường dành cho mình. Nhứt là trước đây cô từng được bạn bè truyền tai rằng Tường đào hoa, ong bướm. Bây giờ anh muốn sống chung với cô mà không đám cưới, liệu có phải cũng là một lần “chơi qua đường”.
Nhưng rồi An cũng chấp nhận. Nhiều người nghĩ cô khờ. Nhưng rõ ràng là lúc ấy (mặc dù chưa thể dẹp hoàn toàn mọi lo lắng về tương lai) An vẫn thấy có một niềm tin rất lớn và vững vàng lắm. Nó giục mình dậy, đẩy mình bước đi, thổi tắt hết những nghi ngờ và sợ sệt trong lòng. Nó không nằm trong lời giải thích hay sự chân thành của Tường. Khi nhìn thấy nó vừa ấm trong ánh mắt anh, An biết đó không phải là niềm tin mù quáng của kẻ đang yêu. Vậy là cô quyết định đánh cược một chuyến, dẫu canh bạc nầy quá lớn, đánh đổi bằng cả đời người.
Không phải không cưới, mà là sẽ cưới, nhưng không phải bây giờ. Nhiều người xem đám cưới như là một sợi dây để chính thức ràng buộc nhau, nhưng không hẳn vậy. Rõ ràng ngoài đời sống bát nháo kia, đâu phải cặp đôi nào đám cưới rồi cũng có thể ăn đời ở kiếp với nhau. An sợ điều đó. Sợ tổ chức một lễ cưới rình rang đề rồi sau đó tất cả những gì đã vun đắp sẽ mục ruỗng, vụn rã ra thành một tờ giấy mỏng in đậm cái con dấu tròn đỏ ngằn ngặt: ly hôn. Cả hai vợ chồng An muốn mình chính thức tổ chức lễ cưới khi đủ vững vàng hơn, trưởng thành hơn trong tình cảm và có trách nhiệm hơn trong cuộc sống hôn nhân.
Không cưới, đôi lúc cũng hay. Khi không chính thức có một lễ cưới, có thể ngầm hiểu là cả hai vẫn trong mối quan hệ tình nhân. Không tách rời nhau nhưng cũng không hoàn toàn “sở hữu” nhau, phụ thuộc nhau. Hai người vẫn thường tự do đi chơi, hẹn hò, mua sắm, đùa giỡn cùng nhau như những cặp đôi khác. An nghĩ, nếu đám cưới với nhau, đã là vợ chồng, đã chắc chắc là của nhau, sở hữu được nhau, có lẽ cả hai sẽ không có những khoảng thời gian lãng mạn như hiện tại. “Quan trọng là đem lại hạnh phúc cho nhau, còn lễ cưới chẳng qua cũng chỉ là một sản phẩm đầy màu sắc của chủ nghĩa hình thức”, Tường nói vậy.
Mỗi khi những suy nghĩ của An vừa chạm khẽ khàng đến cái tên Tường, nỗi lo lắng lại ập vào trước mắt. Đã trễ lắm rồi mà anh vẫn chưa về. Cô vớ lấy một tờ báo gần đó cố đọc để giết thời gian và xua đi những lo lắng đang chờn vờn trong tâm trí mình. Đập vào mắt cô lại là đoạn tin: “Một thanh niên trên đường đi làm về do điều khiển xe gắn máy trong tình trạng say rượu nên đã tông vào nhà dân, hiện còn đang cấp cứu”. An giật bắn người. Nỗi lo lại lấp ló đâu đó rất gần. Có khi nào chồng mình cũng uống rượu say rồi gặp nạn giống câu chuyện trên? Nếu không sao lại về trễ và không nghe điện thoại.
Nỗi lo lớn dần, trở thành nỗi sợ. Cảm giác như nó vừa xé một lớp không khí mỏng tan, chường mặt ra nhìn An. Lại cảm giác như nó đang mang một chiếc áo màu đen trùm kín cả căn nhà. Nó lớn dần làm cô khó thở. Cô uống một ly nước để lấy lại bình tĩnh, tự nhủ rằng sẽ không có chuyện gì đâu. Nhưng trong đầu lại cứ hiện ra hình ảnh Tường đầy máu me nằm cạnh chiếc xe gắn máy tan hoang. Hình ảnh đó làm cô muốn khóc lên quá chừng.
Bỗng cô nghe có âm thanh lạ dưới phòng khách, An vội xuống. Cô nhận ra đó là tiếng guitar dìu dịu hòa với giọng hát trầm ấm quen thuộc: “Bài ca đã viết sao chưa hết lời, vì ta còn đắm say khi em cười, vì ta còn ngất ngây theo mây trời, còn bao nhiêu vần thơ chưa nói”(*). Là bài hát mà cô thích nhứt. Khi đôi chân còn chưa đi hết những bậc thang còn lại, An không kìm được sự bất ngờ khi thấy phòng khách tràn ngập những ánh nến lung linh.
Tường đang đứng một góc nhà hát vang bài ca quen thuộc. Bé Siu vừa chạy vừa cười tíu tít: “Ba về, ba về”. Thì ra Tường không quên ngày hôm nay, trong khi An ngồi nghĩ đông nghĩ tây trên phòng thì anh đã lén về nhà để trang trí bữa tiệc nầy thêm lung linh. Bây giờ thì An đã bật khóc thật, không phải chỉ đơn giản là vì cảm động. Cô đã tin đợi chờ là hạnh phúc, vì khi được chờ đợi, nghĩa là ta biết mình vẫn còn có nhau.
Đối với Tường và An, à còn có cả bé Siu nữa chứ, cuộc sống hiện giờ đã là hạnh phúc, rất hạnh phúc. Hạnh phúc đó tự nhiên, mộc mạc, không cần phải tô vẽ hay bày biện, trang trí. Hạnh phúc đó không cần nhứt thiết phải có lễ cưới rình rang. Hạnh phúc hằng hữu trong từng giây phút hiện tại, trong căn nhà nhỏ nầy, trong từng việc làm vì nhau, trong từng suy nghĩ về nhau.
Khi nghĩ đến phụ nữ, người ta hay nói đến những điều gì? An biết rằng có lẽ mình sẽ không hội đủ những tiêu chí đó. Nhưng cô biết, mình còn có một thứ, không dễ gì đánh đổi được. Cô còn có yêu thương.
Hạnh phúc? Có lẽ chỉ đơn giản là khi ta còn có yêu thương.
V.T (An Giang)
(*) Lời bài hát “Bài ca chưa viết hết lời” của nhạc sĩ Bảo Chấn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét