Nhà văn Phùng Phương Quý
Người đàn ông ấy khó đoán tuổi, vì xương vóc lão nhỏ, mái tóc đen nhánh (chắc mới nhuộm), lại ăn mặc lịch sự, áo sơ mi màu mận chín bỏ trong quần thô xám, giày đen bóng loáng. Chỉ thiếu chiếc cặp số nữa là lão giống hệt ông cán bộ xã. Lão ngồi xổm trên cục gạch sỉ từng kê làm ông táo, đen nhẻm, vứt ở góc đường vào chợ. Trước mặt lão là chiếc bu gà mới đan, nan cây nứa còn tươi. Hai con gà trống lông màu đỏ đen. Màu đỏ thì rực rỡ, màu đen sắc xanh óng ánh.
Người đàn ông ngồi nhẩn nha hút thuốc, thờ ơ không để ý những bước chân tấp nập qua lại. Ánh mắt lão hình như hướng về nơi nào thật xa xôi.
Chị Thơ ngồi cách cục gạch sỉ khoảng ba mét, hai tay giữ chặt bốn cái chân gà đã được buộc chặt bằng lạt tre. Hai con gà trống to thỉnh thoảng lại giãy giụa, vỗ cánh phành phạch, khi một trong hai con gà màu đỏ tía của người đàn ông vươn cổ gáy te te. Nắng đã lên ngang đầu, ấm áp. Chị Thơ giẫm lên đám chân gà, tay kéo khóa chiếc áo khoác, bộ ngực lớn chật chội muốn bật tung theo. Nực rồi! Nhìn vào màu đỏ tía trong chiếc bu gà của người đàn ông, sự nực nội muốn tăng lên. Hai con gà quá đẹp. Lão ấy mua hay bán nhỉ? Chị nhổm dậy, bước tới.
- Gà đẹp quá! Bác mới mua à?
- Không! Tôi bán cô ạ! Gà chín cựa đấy!
- Hả…?
Chị tự nhiên hạ giọng, hỏi rất nhỏ.
Chăm chú nhìn vào cặp chân gà, chị thấy đúng là có chùm cựa cong vút xếp xiên chéo. Giống gà quý chỉ trong rừng núi Tân Sơn mới có. Loại gà ngày xưa vua Hùng thách cưới chàng Sơn Tinh. Tưởng chỉ có trong huyền thoại, ai ngờ giống gà ấy còn đến bây giờ.
- Bác bán cặp này bao nhiêu?
- Một triệu!
- Bớt cho em hai trăm đi!
- Nhìn cô cũng có cảm tình! Ừ thì bớt cho một trăm.
Cặp gà giống giá chín trăm nghìn, với chị là hời, vì nó hiếm. May mà nãy giờ không ai mua. Không mua vì họ không phát hiện ra của hiếm. Chị hỏi người đàn ông, sao bán gà mà cứ ngồi im như thóc, ai biết mà mua? Lão bảo của quý chẳng cần rao. Ai có duyên thì tìm thấy. Chị cảm thấy vui sướng vì mình là người có duyên với cặp gà này. Trại gà hai trăm con của nhà chị đã có thêm loài gà quý và độc.
- Bác có gà mái loại này không?
- Có chứ!
- Sao không bán kèm gà sống?
- Hà hà! Tôi muốn độc quyền giống chín cựa này!
Chị mỉm cười thật tươi, mắt lẳng lơ nhìn lão.
- Khiếp! Bác ghê thật! Bán cho em cặp mái nữa đi! Nhá?
Đúng là ánh mắt phụ nữ có sức mê hoặc. Người đàn ông chớp chớp đôi mắt sâu, nhìn chằm chằm vào chị. Chị tự tin ưỡn ngực ra. Gái Kỷ Dậu đây! Bốn mươi tám còn xuân chán, lại chưa vướng bận gia đình. Khối tên đàn ông còn mất ăn, mất ngủ vì mơ tưởng tới chị. Nhìn qua cũng biết lão này thuộc diện máu gái. Ôi giời ơi! Biết ngay mà! Hỏi ra mới hay lão cũng tuổi con Gà nhưng hơn chị một giáp. Tuổi Đinh Dậu vất vả nhưng có tài, chịu khó bươi móc thì cuộc sống chẳng đến nỗi nào. Trông lão đi bán gà mà bảnh bao thế kia cơ mà. Lão nói đi ăn lễ tân gia bạn đồng ngũ. Kẹt tiền nên đem bán gà chứ không phải chân chuyên nghiệp.
Lên xe máy đi thăm bạn, lão để lại số điện thoại, hứa sẽ mang cho chị đôi gà mái vào dịp khác.
Chị Thơ vẫn còn trẻ, đẹp. Ai có gọi chị là gái già, nhưng chỉ là cách gọi ghen tị, vì chị không chịu lấy chồng. Năm hai mươi tuổi,vừa tốt nghiệp trường trung cấp thú y, chị không muốn chồng con sớm nên anh bạn học không chờ được, đi cưới cô vợ lớn hơn năm tuổi nhưng con nhà giàu. Chị nhổ toẹt vào thứ tình yêu thực dụng ấy. Ba mươi tuổi, chị yêu một anh cán bộ phòng Nông nghiệp huyện, sắp đám cưới thì mẹ chồng tương lai xem bói nói không hợp tuổi. Gái Kỷ Dậu có tài nhưng đại kị với Quý Mão, có nên duyên thì cũng khổ cả đời. Anh Quý Mão nhất định đòi cưới, dù chết cũng không sợ. Chị giận bà mẹ anh ấy, thời buổi nào rồi mà con mê tín. Thôi chia tay! Đã đại kị thì ở với bà mẹ chồng cũng chẳng sung sướng gì. Cơ hội nhân duyên cứ trầy trật mấy lần, đến nỗi chị mất cả tự tin. Năm bốn mươi, có ông thiếu tá về hưu góa vợ đến dạm hỏi, chị tính lấy quách cho xong. Được nửa tháng quen nhau, thấy ông sĩ quan già “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, chị chạy mất dép. Bây giờ tuổi năm mươi xồng xộc sau đít, chị cam phận gái già, không nghĩ ngợi ao ước gì nữa cho xấu người đi.
Không biết gọi là trại gà hay chuồng gà. Chị quây lưới, dựng hai cái lán nuôi gà choai. Dứt khoát nuôi gà choai, cỡ năm lạng trở lên. Vừa không lo dịch bệnh, vừa mau được bán. Lũ gà lốc nhốc đủ loại màu đen, vàng, hoa mơ, xám trắng… nháo nhác cả lên, cục tác loạn vườn khi nhìn thấy hai tên gà chín cựa mới nhập trại. Trưởng trại là gã trống lai nặng hơn ba ki lô, thấy hai thằng nhãi chín cựa xanh đỏ lòe loẹt thì ghét, vươn cổ gáy ồ ố ô, nghiêng nghiêng cái đầu bước tới đe dọa. Không ngờ một thằng chín cựa cũng oai dũng vỗ cánh, gáy tè té te, rồi lao vút tới, bay lên đá thẳng mặt gã trưởng trại. Nó bay như chim, nhoáng đã vượt ra phía sau, thằng trưởng trại vừa lúng túng quay đầu lại thì nhận tiếp cú song phi dữ dội. Cái mặt đỏ bầm lật sang một bên, miệng thằng trưởng trại kêu quác quác. Thằng chín cựa thứ hai xù lông cổ, cúi thấp đầu rồi cũng bay lên đá túi bụi vào cái mặt nháo nhác. Cả hai thằng ma mới “song kiếm hợp bích” một trận tưng bừng. Lúc đầu chị Thơ định lao vào cứu hai thằng gà giống, nhưng chị đứng sững lại, khoái chí nhìn chúng bay tung bụi, đá vèo vèo. Gã trưởng trại lạch bạch bỏ chạy, chúi đầu vào đống rác, kêu thảm thiết. Thằng chín cựa lớn dang hai cánh chạy đuổi theo một mụ mái nâu. Mụ nâu chạy được mấy bước đã nằm bẹp xuống, chịu cho thằng chín cựa nhảy lên lưng làm tình. Chứng kiến cảnh ấy, chị Thơ thấy rạo rực trong người, thích thú nhớ lại lão bán gà bảnh bao. Gà thế mới là gà chứ!
Chị điện thoại cho lão, nhờ mang thêm cho hai con gà mái giống chín cựa. Lão ỡm ờ.
- Loại này là của độc, không bán không cho, chỉ đổi thôi nhá!
- Ừ! Đổi gì thì đổi! Bác cứ mang cho em một đôi!
Lão xuất hiện vào buổi chiều muộn, trên chiếc xe Cub 82 một thời “oanh liệt”. Chiếc lồng gà bằng nứa được che kín bằng tàu lá chuối, bên trong nghe tiếng cục cục giục giã. Ngoài trại gà bỗng vang lên tiếng gáy lảnh lót, mừng rỡ của hai thằng chín cựa. Chị đang thái chuối cho gà, cũng vụt đứng dậy mừng không kém.
- Ô kìa… bác! Bác sang thật à?
- Lẽ ra tới lâu rồi, nếu không bị mấy cậu cảnh sát giao thông giữ xe!
Chị cười khí khí. Chiếc xe này mà họ cũng giữ làm gì nhỉ? Lão kia nhổ nước bọt.
- Đói mà! Kiếm ăn thôi! Xe tôi hơi bảy mươi, vẫn phải có bằng lái đấy! May vẫn còn số điện thoại của thằng Hưởng trưởng huyện, nhờ nó bảo lính tha cho, không thì mất toi mấy trăm.
- Bác làm gì mà quen trưởng công an huyện?
Chị cảm thấy tò mò về con người bí ẩn kia.
Lão chép miệng.
- Nhốt hai con mái vào, rồi pha cho tôi xin ấm trà. Tí nữa kể cho mà nghe!
Lão vẫn quần áo sơ vin, giày đen nghiêm chỉnh, chống nạnh nhìn khu trại gà.
- Chuồng trại thế này không ổn! Ba dãy chuồng kia phải quay hết về hướng Đông, gà sẽ bớt dịch bệnh. Cái sân kia cũng phải mua lưới B40 ngăn riêng ra, loại nào ra loại ấy, dễ chăm sóc. Bỏ hệ thống máng ăn đi, cho gà ăn trực tiếp dưới đất tốt hơn.
Chị vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Hay thật, lão này rút cục là người thế nào. Chị mời lão vào nhà, vội vàng pha nước.
- Cô cho thêm nắm trà nữa đi! Tôi thích uống đặc!
- Thật vất vả cho bác, của không nặng bằng công. Suýt nữa còn bị công an phạt. Bác xơi nước ạ! Thế… cặp gà mái bao nhiêu tiền ạ? Cho em gửi!
Mắt lão vẻ trách móc. Cái nhà cô này thật quá đáng. Chưa uống xong chén nước đã định đuổi khách rồi.
- Tôi đã nói rồi! Không bán! Đổi!
- Đổi gì được ạ? Chị hồi hộp.
-Thì bữa rượu chẳng hạn…
Bất ngờ chị vui. Tiếng cười lanh canh trong lòng. Rượu thì rượu! Làm thịt con gà đãi lão cũng được chứ gì! Được hai con gà mái giống, lời rồi.
Lão chẳng khách sáo, tháo giày khoanh chân ngồi xuống chiếu, với tay lấy chai rượu.
- Cô uống với tôi một ly chứ?
- Em có biết uống rượu đâu! Chị bật cười khe khẽ.
- Hôm nay phá lệ uống với tôi tí tẹo…
Chị lo cho lão rượu say không về đến nhà. Lão đoán được ý nghĩ ấy, liền giơ tay khua khua trấn an. Tối rồi, ma ám hay sao mà chạy xe sáu chục cây số về nhà. Trước khi vào đây, lão có ghé một nhà nghỉ bình dân hỏi trước. Gía trăm rưỡi một đêm, rẻ bèo. Xong đây, lão ra đó ngủ một giấc, mai về sớm.
- Không sợ bác gái mắng à?
Câu hỏi của chị vô tình xói vào nỗi buồn của người khách bất đắc dĩ. Lão vuốt mái tóc hoa râm ngược ra sau. Bất ngờ tuôn niềm tâm sự. Cô tưởng tôi bê tha lắm ư? Bảy năm xã đội trưởng, ba năm chủ tịch xã nhá. Không có vụ sì-căng-đan với con bé chánh văn phòng ủy ban, giờ này tôi ngồi trên huyện rồi. Chị vội ngồi ngay ngắn lại, hai tay bó gối nhìn hóng vào mặt khách.
Lão Sang, tên ông khách, mới mất chức chủ tịch xã năm ngoái. Người ta chuyển lão xuống làm phó chủ tịch hội nông dân. Chả thèm. Đã mất cho trắng tay luôn. Chỉ hận con bé Liễu bạc tình bạc nghĩa. Gái ba mươi ở giá, nó nói với lão chỉ bí mật xin đứa con thôi, về già còn có chỗ nương tựa. Đẻ được thằng con trai, nó lại xin miếng đất thổ cư làm nhà cho con. Rồi tiền làm nhà gần tỉ bạc, cũng lão cho chứ ai. Khi thằng bé ba tuổi vào mẫu giáo mới lộ ra tờ giấy khai sinh họ tên cha giống hệt họ tên chủ tịch xã. Thế là lộ bét. Thanh tra huyện ủy vào cuộc. Báo chí xâu xé thêm. Lão Sang rơi từ trên ngọn cây xuống, ê chề, nhục nhã. Đã thế lũ con về hùa với mẹ, nhiếc móc bố như đấu địa chủ. Tổ sư cha chúng nó! Lũ gà rừng. Cơ ngơi tòa ngang dãy dọc, xe hơi đời mới, thổ cư ba bốn miếng toàn chỗ tiền tỉ, lão không đem về thì mẹ con nhà nó làm mục xương bao giờ mới có. Chúng nó tẩy chay, đẩy lão về lại ngôi nhà ngói cấp bốn ngày xưa. Về thì về. Lão giao tất cho đấy, liệu có giữ được cả đời không thì biết.
Lão buồn tình về làm vườn, nuôi gà. Gà bây giờ có nơi làm trại nuôi hàng nghìn con. Cám bã, thuốc men, con giống đau đầu, nhức óc. Lão tính toán kỹ, rồi quấy lưới làm chuồng nuôi gà quý. Giống gà chín cựa ấy đã có mấy ai biết tìm mà nuôi. Như đất vườn nhà chị đây, lão mà thiết kế đầu tư nuôi riêng loại gà này, giàu to. Tết năm ngoái, dân lắm tiền đua nhau tìm mua gà chín cựa đi lễ, biếu, lão chẳng đủ mà bán. Mỗi con gà sống bảy tám trăm nghìn. Tự nhiên chị Thơ thấy thương người đàn ông. Đời thế mà, phù thịnh chứ ai phù suy. Lúc khốn nạn nhất đến vợ con cũng quay lưng. Chị động viên lão bằng một ly rượu.
- Em nói thật! Người tài như bác sống ở đâu chẳng được. Bác giỏi nuôi gà, việc quái gì phải làm ông nọ, ông kia cho khổ! Hay… bác giúp em mấy hôm, thiết kế lại cái trại gà chín cựa…? Em trả công tử tế!
Lão gật gù. Cũng được. Lão xòe bàn tay phải ra, ngón cái bấm đi, bấm lại, tính toán.
- Cô sinh năm Kỷ Dậu, Đại dịch thổ, mạng thổ. Tôi Đinh Dậu cũng Đại dịch thổ, nhưng mạng hỏa. Hợp nhau lắm. Mình cùng làm ăn, chắc chắn thắng lợi.
Cơm rượu xong, lão cáo từ đi ra nhà nghỉ, hẹn sáng mai quay lại. Chị Thơ luống cuống, đỏ nhừ cả mặt, mãi mới đề nghị lão nghỉ lại nhà mình cho tiện. Nhà có hai chiếc giường, lão ngủ nhà ngoài, chị ngủ buồng trong. Chứ bây giờ ra nhà nghỉ, đường xa lại tốn tiền. Khách vừa uống rượu, ra đường lỡ gió máy…
Lão chẳng biết nói gì, bèn ở lại. Hai người ngồi bên ấm trà, bàn chuyện gà qué đến gần nửa đêm mới đi ngủ. Chị Thơ rúc mặt vào chiếc gối, thao thức, trằn trọc. Rồi chị mơ thấy thằng gà chín cựa xòe cánh đuổi cô gà mái tơ. Cô mái tơ cũng chạy quanh mấy vòng, giả bộ kêu quang quác, rồi nằm xệp xuống, chờ thằng chín cựa trèo lên. Chị lại mơ thấy trại gà chín cựa nhà mình đông đàn, dài lũ, xanh đỏ rợp đất. Lão Sang đang hì hục buộc lại hàng rào B40 chắn bên ngoài.
P.P.Q
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét