Phía sau mỗi người là câu chuyện đời khác nhau. Tác giả Bùi Đức Ánh cũng có biết bao chuyện đời để bày tỏ với chúng ta, mà lạ những chuyện đời của anh lại vô cùng lắng sâu và thi vị. Dù có buồn thương tiếc nuối đi chăng nữa thì cũng là những nét buồn đẹp đẽ của ngoái nhìn. Đó là những câu chuyện của Tình Yêu được anh kể lại bằng thơ và nuôi lớn lên bằng ký ức!
Đọc lại tên của tập thơ thêm một lần - Áo em màu lụa mỏng - tự dưng ta liên tưởng đến những hình ảnh rất đỗi nhẹ nhàng, thân thiết và cũng thật hư ảo:
Anh gặp một nỗi nhớ
Trong chiếc lá vàng khô
Anh tìm một câu thơ
Áo em màu lụa mỏng
Có phải là chiếc lá sinh sự, tại nó mà lòng của thi nhân không phút nào yên? Hay là chuyện dở dang xưa cũ đã lấy cắp của anh nhiều thời gian, chiếm lĩnh của anh hết thảy những chiều của không gian đề nhìn vào đâu anh cũng thấy bóng dáng tình nhân?
EM như thế nên ANH dù đã bôn ba ngược xuôi hơn nửa cuộc đời rồi vẫn không nguôi hoài nhớ, vẫn bất chợt thổn thức, vẫn chống chọi, vẫn không làm sao quên được cái cảm giác em đã từng hiện diện trong đời anh!
Bão dông cứ tràn qua kí ức
Từng giọt khuya dài nức nở rơi…!
Có lẽ khi làm ra Gió, tạo hóa không biết rằng Người đã gieo xuống cho nhân thế này không biết bao nhiêu là nỗi niềm trần ai. Để khi không còn một chút gì có thể cầm giữ nữa, tác giả chỉ còn mong đợi gió! Nên anh đặt hết ước nguyện vào cái đã đi trớt qua đời mình. Có phải vì vậy chăng mà cơn gió lạnh trong mơ tưởng ấy của anh đã biến thành ấm áp:
Giá có thể níu lại chút hương cũ
Thoảng gió mơ hồ đủ sớt chia nhau
Và có thể, một đám mây của quá khứ cũng mang những hy vọng tươi vui của mùa xuân trở lại cùng anh?
Xếp lại áo ấm đi em
Đám mây bay từ năm trước
Đã về thăm thẳm dáng xuân
Ở hình ảnh này ta hình dung ra một người đàn ông, một chàng nhà thơ cô đơn đang đứng ngơ ngác trước ngõ dĩ vãng, cố tin rằng sẽ nhặt lại được niềm vui bay về từ năm tháng trước. Khi mùa xuân đi qua rồi, người vẫn chờ, chờ mãi cho đến khi mùa hạ tới. Và điều đối diện với người chính là đây:
Những cơn mưa mùa hạ bất chợt
Đường xá vắng tanh
Lòng ai gieo nỗi nhớ trong bóng lá hắt hiu?
Cô quạnh quá, nên từ ngơ ngác người chuyển sang hoang mang. Hồn vía của kẻ đa mang đã bị tình yêu cướp mất rồi, chỉ để lại cho chàng những bất ngờ thảng thốt:
Giật mình vì một lời gọi
Giật mình vì một câu chào
Còi xe hốt hoảng như tình cũ
Lang thang đến cạn dần giấc mơ!
Hay! còi xe hốt hoảng như tình cũ, hay lắm ! BĐAviết thật xuất thần ! Tình, mà nhất tình cũ thì dứt khoát không phải là mướt mát, êm đềm, hoa bướm đâu …Mà là chát chúa tiếng còi xe giành đường kia! Ai đó đưa tay bấm còi, tiếng kêu ré nổi lên ! Tuy vài giây gióng giả thôi nhưng cái âm vang hù dọa của nó đủ sức làm bao trái tim đập loạn xạ rất lâu trong lồng ngực, cả sau khi tiếng hú hét kia đã biến mất trong không khí rồi. Tội ghê! Tôi cho đây là một câu rất hay. Phép so sánh thật tài tình ! Mới biết cái chất thơ nhiều khi tứa ra một cách ảo diệu không ngờ như vậy đó!
Trong bài Bất chợt yên bình, tác giả như tỉnh hồn lại, tiếp tục dắt cảm giác của ta đầy lên. Nhận ra niềm vui có khi cũng đến, nhưng ít ỏi và chầm chậm thôi.
Một tiếng chim như lỡ hẹn
Hót chầm chậm trước hiên nhà
Bao người đã quen lầm lũi
Vẫn còn một nỗi thương hoa!
Cuối cùng, vui thì vui chứ đọng lại vẫn là một nỗi thương! Một nỗi thương cố hữu đã lên tiếng gọi, dù tĩnh lặng không đáp lời, anh dường vẫn nghe thấy tiếng! Thương – Một động từ còn “cao cấp” hơn cả từ Yêu, nó mang tính bác ái và thân thương nhiều hơn bởi vì không cần phải đáp trả! Thương là cho, là vì, là hướng về người khác, không phải lấy làm riêng của mình! Đó cũng là cách lý giải vì sao tác giả nghe được tiếng của hư vô, tiếng của mùa đi thấu buốt:
Tiếng gọi của kỉ niệm không hồi âm
Heo may thổi tràn qua mùa thương nhớ
Ngoài lá ra, gió cũng là duyên cớ để anh tỏ bày. Đi ngang cửa, gió thả ra một tiếng thở, suy ra là từ cánh cửa này đã gợn lên mấy đợt sóng ngầm. Không có chiều cao của dữ dội vĩ đại, mà kéo dài qua liên tiếp, hun hút mọi thời gian. Vậy gió dài bao nhiêu, nào ai biết được. Với anh, gió chính là sợi thước dây bao la đo khoảng cách một cuộc tình:
Có một cơn gió đi ngang cửa
Nhắc đến nhau trong tiếng thở dài.
Ở lối thơ tự do, không vần điệu, BĐA khá chắc tay. Anh đã cuốn người đọc theo với những hình ảnh lạ và ngôn từ phóng khoáng. Nói về người khác thôi, không phải là mình, mà tác giả có những câu rất xót xa:
Người đàn bà của anh
Giấu bài thơ anh viết trong nỗi nhớ
Gọi kí ức về nức nở
Mưa trong lòng em độc hành
Tôi thích kiểu diễn đạt này, Mưa trong lòng em độc hành! Một câu thơ hay, nhiều tầng ý nghĩa mà chưa từng có ai viết như vậy. Mới và hiện đại lắm mặc dù tác giả không cố làm cho mới!
Với BĐA, quê hương và tuổi thơ cũng là một tình yêu máu thịt. Có khi chỉ là một thoáng nhìn đơn giản thôi mà xúc cảm anh để lại nơi câu thơ vô cùng sâu nặng:
Một dòng Trà Khúc trong sương ấy
Chảy mãi trong tôi thuở lên mười
Đôi khi để gìn giữ lại tình yêu quê tha thiết đó, tác giả đã hư cấu ngay trong tưởng tượng của mình, biến nó thành những hình ảnh hư ảo một cách đẹp đẽ, lạ lùng, tưởng như ở thế giới đâu đâu nào… Thử đọc lại những hình lạ, tinh khiết, chơi vơi trong bài Màu cỏ thảo nguyên.
Thảo nguyên vẫn một màu xanh ngơ ngác
Không thấy dấu ngựa về
Mây trắng bỗng bơ vơ
Chiều loang xa những hờn những giận
Không còn ngựa, chỉ còn người đứng lại với nhớ tiếc tuổi thơ ngây:
Ta vắng lặng đồng hoang tuổi nhỏ
Nhắc mùa qua ngọn gió đợi chờ!
Thơ của BĐA có lúc tưởng chừng như có đổi giọng nơi cảnh vật, đường phố:
Phố tiếc một màu cây
…
Kẻ chặt cành chặt lá
Không thấy cánh chim bay
Không nợ nần bóng mây
Riêng ta lòng trĩu nặng!
Nhưng không phải vậy, đó vẫn là một niềm thương phố xá và nhớ tiếc diệp lục. Người buồn cảnh không vui đã đành, huống hồ chi cảnh bị hủy hoại! Mới hiểu, một sự mất mát nhỏ đủ làm lòng thi nhân tổn thương sâu!
Mùa đông là mùa cuối cùng trong thơ BĐA. Anh đã trải hồn qua miền giá lạnh mù sương để tìm cho mình một dịp trở về:
Cổ xe tuần lộc đi trong gió
Xin chở tôi về chốn lao xao
Xin chở em về ngày bỡ ngỡ
Xin chở nhau về tuổi hanh hao!
Trở về được rồi đó, mà là trở về tuổi hanh hao! Tuổi trẻ không còn chờ đợi nữa, có ngược dòng trở về chăng cũng chỉ là nhận ra đời người thay đổi như thời tiết bất thường! Ta thấy thời gian trong thơ BĐA cũng chiều theo nỗi ước nguyện của thi nhân mà co giãn vô chừng!
Có thể trong nửa cuộc đời trước, BĐA đã có những cơ hội bỏ lỡ, những ước mơ không dám theo đuổi, những điều đã không kịp tỏ bày… thì giờ đây tác giả ơi, anh đã không còn chôn giấu bí mật nữa mà có quyền để cho những cảm giác ấy tràn đầy lên trang giấy thi ca.
Khi người ta phải làm quen với sự vắng mặt của Tình Yêu trong cuộc sống, thì người ta cũng sẽ không bao giờ phản kháng anh về một hình ảnh thật bùi ngùi của quy luật cuộc đời:
Áo em một màu nắng xế
Trách gì tóc bạc đời ta
Cảm nhận được thơ của BĐA ý tứ cân bằng với hình tượng biểu cảm. Dồn nén trong thế giới tâm hồn của anh là những ngôn từ bình dị nhưng có tình, sâu sắc mà tha thiết. Dù ở trạng thái vui hay buồn, tĩnh hay động, thơ BĐA cũng gợi lên vô cùng dư âm. Anh giữ lại cho bạn đọc một ý niệm: cho dù phải trả giá như thế nào đi nữa trong tình yêu, trong chúng ta vẫn là nỗi khắc khoải nuối tiếc về một thời đã sống.
Sài Gòn ngày 12-11- 2017
N.T.A.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét