Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Con ma ở gốc cây ruối Đôi
Chiều hôm ấy, vàng vàng mặt trời, tôi bí mật đi cùng Tý Tẹo đến nơi mà tôi cần đến.
Cũng may, tôi mới có được chiếc đèn pin do anh Phụng trước khi đi công tác dài ngày để lại cho. Còn chiếc gậy thì là khúc tre tôi vẫn dùng để đi đêm.
Chỗ Tý Tẹo dẫn tôi đến, tưởng ở mãi đâu, ai ngờ lại ở ngay điểm cuối của bờ ao Ngoẹo. Nơi đây có một gò đất cao, trên đó có hai cây ruối cổ thụ, mọc dính vào nhau nên người làng thường gọi là cây ruối Đôi.
Ruối Đôi bao nhiêu tuổi, hầu như không ai biết. Nhiều cụ già nói nó có từ hồi kinh thành Hà Nội thất thủ và ông Hoàng Diệu tuẫn tiết. Tức là tuổi đời gần 200 năm nay.
Trẻ con chúng tôi nghe kể chuyện thì đứa nào cũng tỏ ra rất thích cái cây này. Vì mùa hè nó cho ra rất nhiều quả ruối chín, vàng như những giọt mật ong, một thứ thức ăn, chim sáo mỏ ngà chúng tôi nuôi rất thích. Nhưng nói thế thôi, chứ đã đứa trẻ nào dám bén mảng đến đây đâu. Tất cả chẳng qua chỉ vì đều sợ… ma. Nhiều người nói ở đây, từ xưa đến giờ vẫn tồn tại và đang lủng lẳng trên cành cây, một chiếc tiểu sành cũ kỹ đen sì sì, bên trong đựng một bộ hài cốt, còn nguyên cả đầu lâu và các lóng xương người, không biết có từ hồi nào và là của ai, quê hương bản quán ở đâu. Nghe nói đây là ngôi mộ táng treo của người Tàu, ngày xưa từng sinh sống ở làng này. Bên dưới chiếc tiểu sành là một ngôi miếu nhỏ, bên trong chỉ để vừa một bàn thờ nhỏ bằng đá và một bát hương. Ngôi miếu cũng cổ kính xưa cũ như chiếc tiểu sành.
Gần đây, lại có người nói đó chính là bộ hài cốt của cô con gái con nhà giầu nọ, chết vì yêu anh Cuốc mà không được yêu, sau khi qua đời, ông bố khó tính đem treo lên cây để làm gương cho con cháu đời sau.
Chuyện nào nghe cũng sởn da gà.
Tôi thấy giả thuyết này có vẻ hợp tình hợp lý hơn. Nó gần gũi với hình ảnh xác con chim cuốc tôi đang đi tìm.
Theo lời dân làng thì ngày trước, có con đường nhỏ từ xóm trong chạy qua chỗ cây ruối Đôi. Nhưng về sau do nhiều người sợ ma, không dám đi nữa nên lâu ngày cây cối mọc trùm mất lối đi. Không còn đường đến, khu cây ruối Đôi, vốn đã bí hiểm càng trở nên bí hiểm hơn.
Dân làng lại còn bảo, chả biết đúng hay sai, vào những đêm khuya thanh vắng, người ta thường thấy một con ma là một thiếu nữ xinh đẹp, quần áo trắng, tóc dài, buông xõa chấm gót chân, đầu đội vành khăn, kết toàn bằng hoa bèo tây tím ngắt. Gặp người nào qua đây, con ma cũng khoa chân múa tay, miệng thì khi nói, khi đọc thơ. “Cuốc ơi! Cuốc của em đâu? Anh đi đâu mà bỏ em một mình lâu thế?” hoặc: “Ai sinh con cuốc gọi vào hè- Cái nóng nung người nóng nóng ghê”. Cuốc đẹp trai của em đâu, sao anh bỏ em đi lâu thế.
Rồi con ma cười khành khạch. Người ta bảo nghe ma cười sợ lắm. Sợ hơn cả gặp ma.
Trời bắt đầu tối. Côn trùng rỉ rả ca lên bài ca muôn thuở. Tiếng lá tre, lá nứa rì rào. Đó đây vang lên ộp oạp, tiếng chẫu chuộc gọi nhau mà mọi người thường bảo đó là tiếng cãi nhau “chuộc – chẳng chuộc” của vợ chồng nhà nọ đòi mua lại ngôi nhà anh chồng thua bạc lỡ bán đi. Chim cuốc ở khắp quanh ao cũng bắt đầu khắc khoải kêu lên tiếng kêu quen thuộc.
Vừa bước chân đến đây, Tý Tẹo bắt đầu sợ run lên. Tôi cũng có cảm giác ấy. Hai chúng tôi không ai nói với ai một câu nào. Âm thanh nghe được lúc này chỉ là tiếng bước chân thình thịch, tiếng thở ồ ồ của mỗi người và tiếng gậy chống cồm cộp, tôi gõ đều đặn trên mặt đất.
Tôi bấm chiếc đèn pin. Một luồng ánh sáng chói chang khoan thủng bóng tối.
Tôi tưởng Tý Tẹo sẽ hoan nghênh việc làm của tôi. Nào ngờ chị phản đối, chị bảo rằng làm như thế là đánh thức con ma, không nên.
Tôi đâu ngờ chỉ vì chuyện đó mà Tý Tẹo khi đưa tôi đến gần chỗ cây ruối Đôi, chị đã xám xanh mặt mày, chân tay run như dẽ, ngồi sụp xuống bảo tôi:
- Cậu đàn ông con trai, cứng bóng vía, ma quỷ không dám làm gì, chứ tôi đàn bà con gái yếu ớt, nó sẽ bắt hồn vía đi ngay. Thôi, cậu đến chỗ đó đi, tôi quay về đây.
Vừa nói hết câu, Tý Tẹo đã mò mẫm trở về nhà, để mặc mình tôi ở lại, tâm trạng rối bời.
Thực ra, lúc này tôi cũng rất muốn quay về nhưng nghĩ mình là đàn ông, con trai, sớm nhụt chí thế thì còn ra thể thống gì nữa. Vậy là tôi tiếp tục tiến về phía trước.
Và tôi đã đến được gốc cây ruối Đôi .
Trời đã tối hẳn. Nhờ ánh đèn pin, tôi còn kịp nhìn thấy rõ mồn một ở trên một cành ruối, treo lủng lẳng một cái tiểu sành. Cái tiểu sành đứng im mà tôi thấy như nó đang đung đưa trước gió. Một cơn gió to nổi lên. Cây cối chung quanh kêu rào rào và những khóm tre lại nghiến răng ken két.
Tự trấn tĩnh, tôi dấn thêm một bước nữa. Bỗng từ đâu nghe tiêng phì phì như tiếng gió bễ lò rèn nhà ông Vượng ở đầu chợ. Tôi nhá đèn và theo phản xạ tự nhiên, tôi nhảy giật lùi lại phía sau. Ôi, một con rắn hổ mang bành, to như chiếc đòn xóc gánh lúa, đang nằm chình ình, chắn ngang trước mặt tôi. Tôi vung gậy lên. Nhưng muộn mất rồi. Con rắn đã lẩn nhanh vào bụi rậm.
Chưa hết hồi hộp về sự xuất hiện bất ngờ của con rắn độc thì tim tôi thắt lại, khi thấy từ trên cây ruối, tụt nhanh xuống một bóng người mà bật đèn pin chiếu vào tôi nhận ra ngay đó là một con ma.
Đúng như dân làng miêu tả, con ma là một người con gái, áo vải xô trắng trùm kín từ đầu đến chân, chỉ để lộ ra bên ngoài mớ tóc dài rối bù như tóc phù thủy, bỏ xõa dài từ đầu đến chân.
Con ma chìa hàm răng trắng hếu ra cười khành khạch.
Tôi sợ quá. Thần hồn nát thần tính, rồi cứ thế chạy biến về phía sau. Con ma thấy tôi chạy, cũng chạy đuổi theo. Tôi bủn rủn chân tay và ngã đánh ùm xuống ao Ngoẹo.
Tôi giơ tay bám vào gốc tre và ú ớ, kêu “cứu cứu” không thành tiếng. Vừa lúc đó, ôi, tôi chết giấc đi, khi có một bàn tay từ trên bờ chìa xuống nắm lấy tay tôi kéo mạnh lên.
Hồn vía lên mây, thoáng trong đầu, tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng tôi không chết vì đúng lúc đó, thật bất ngờ, chủ nhân của bàn tay cứu vớt tôi, đã lên tiếng:
- Khổ, đêm hôm khuya khoắt, cậu ra đây làm gì! Nếu hôm nay không có Tý Tẹo về báo cho tôi, cậu chết ở đây ai biết mà tìm.
Ôi! Chị Thắm, sao lúc nào chị cũng đến với tôi đúng lúc thế này!
Tôi leo lên bờ. Toàn thân mệt nhoài, mềm nhũn.
Chị Thắm hỏi tôi:
- Cậu ra đây làm gì vậy?
Tôi không biết trả lời chị thế nào, đành nói loanh quanh:
- Em đi tìm một vật quý hiếm!
- Tôi hỏi vậy thôi, chứ tôi biết tỏng rồi. Tý Tẹo đã nói với tôi. Mà cậu không tin ở lòng con người hay sao?
Tôi không trả lời chị, vì không biết trả lời thế nào. Để thay cho sự vụng về ấy, tôi táy máy bấm rọi đèn pin về ngôi miếu bên dưới cây ruối Đôi.
Con ma vẫn còn đó. Nó vẫn không chịu buông tha tôi. Hình như nó không biết có chị Thắm đang có mặt ở đây. Ví thế mà nó vẫn cứ rũ rượi đầu tóc say mê, nhảy múa, điên cuồng, ma mị.
Chị Thắm với tay bẻ một cành tre rồi nói nhỏ:
- Cậu đái vào đây một bãi cho tôi!
- Làm gì vậy?
- Cứ làm đi, không được hỏi!
Tôi cầm cành tre lẩn ra chỗ khuất. Tôi rặn mãi mà chẳng có được một giọt nào. Người ta bảo sợ đến teo dái… Đến bây giờ tôi mới có dịp kiểm chứng.
Chị Thắm thấy tôi không làm nổi cái việc rất đơn giản của con người, đã giằng phắt lấy cành tre từ tay tôi. Chị bảo tôi “nhắm mắt lại đi” rồi chị tè vào đám lá tre ngay tại chỗ.
Chị cười, chữa ngượng:
- Cậu biết không, ma là chúa sợ nước đái, nhất là nước đái đàn bà.
Chị cầm cành lá ướt đẫm nước đái chạy xộc vào chỗ gốc ruối. Tôi đứng ngoài chiếu đèn pin yểm trợ cho chị. Tôi thấy chị quay cuồng với cành tre một lát thì dừng lại.
Tôi không biết con ma đã đầu hàng chị như thế nào và chị đã thuyết phục làm sao mà giờ đây, con ma đã trút bỏ được bộ quần áo vải xô, trở lại một phụ nữ bình thường và hai người đứng bên nhau cười nói vui vẻ.
Tôi vội vã chạy đến. Chị Thắm chỉ tay vào con ma, hỏi tôi:
- Cậu có biết ai đây không?
- Chị Tần! Chị Tần xóm Cầu phải không?
Tôi reo lên rồi nắm chặt lấy bàn tay “lạnh như ma”của chị. (Hết chương 12)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét