Trần Thúy Lành
Sinh năm 1980, hội viên Hội VHNT tỉnh Hải Dương, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nam Sách, tỉnh Hải Dương
Ra trường, cô được phân về dạy ở một vùng quê xa lơ xa lắc. Bố mẹ cô ái ngại muốn xin cho cô được dạy ở gần nhà nhưng cô nhất quyết không chịu nghe. Cô khăng khăng: “Sướng khổ con chịu”. Không phải cô sợ tốn kém tiền quà cáp, chạy trọt mà điều quan trọng là cô muốn được sống tự lập.
Hạnh phúc làm sao là cô và Na được dạy cùng trường. Ngồi trên tàu Na cứ cười khúc khích vì Na và cô đã ba lần viết lưu bút cho nhau mà vẫn chưa xa nhau được. Cô không cưới, mắt đăm đắm nhín ra bên ngoài, thành phố trôi tuột về phía sau...
Miền quê mà cô và Na đặt chân đến nghèo xơ nghèo xác khiến cô chững lại, bần thần. Cảm giác hụt hẫng trào lên. Ngôi trường cấp II có ba dãy nhà cấp bốn lụp xụp chứ không khang trang như cô từng hình dung. Khuân hết đồ đạc vào một căn phòng chật hẹp trong dãy nhà tập thể, Na lăn ra giường: “Mệt quá! Tao phải đánh một giấc mới được”. Cô lặng lẽ khép cửa phòng để Na ngủ yên rồi đi ra đường. Cô đi tìm người quen: “Ông cụ Nhân, xóm Trại, làng Thượng”. Người ta chỉ cho cô nhà ông ở bên kia sông. Ông là bạn tri âm tri kỷ của nội cô trong suốt những năm đánh Pháp rồi đánh Mỹ và cho đến tận bây giờ. Dạo xưa thỉnh thoảng ông vẫn lặn lội lên thành phố thăm gia đình cô nhưng mấy năm nay không thấy ông lên. Có lẽ tại ông quá già rồi, gần 70 tuổi chứ ít gì.
Cô ngồi nhờ thuyền nan của một người đánh cá để sang bên kia sông. Nước sông mùa này trong vắt. Màu hoa lục bình tim tím tràn ngập mắt cô. Cô yêu thứ hoa ấy vô cùng. Na biết được thế nào cũng hét lên: “Mày thật là quái gở” hay “Đồ nhà quê!” nhưng cô là dân thành phố chính hiệu đấy chứ. Buồn cười thật.
Nhà ông nằm ngay bên bờ sông, mái lợp rạ thấp lè tè trông giống như một túp lều. Xung quanh yên lặng quá khiến cô không dám bước mạnh. Tiếng lá sột soạt dưới chân cũng đủ làm cô thót tim. Ông ngồi vá lưới, tóc và chòm râu dài bạc trắng như cước đang nghiêng nghiêng. Cô xót xa nghĩ đến cuộc đời cô độc dài dằng dặc của ông.
- Ơ! Thùy! Có phải con Thùy đấy không? Vào đây!
Mắt cô tròn xoe:
- Ông cũng nhận ra con sao?
- Gớm! Chỉ có tụi bây chóng quên thôi chứ ông làm gì không nhớ nổi. Về dạy học à? Khổ đấy! Chẳng biết con có chịu được không? Thôi! Để ông gọi thằng Sao về làm cơm rồi ông con mình cùng ăn nhé!.
Cô rụt rè:
- Sao là ai vậy ông?.
- À! Ừ! Con không biết nhỉ. Lúc 13 tuổi cậu chàng đi thả lưới, lật thuyền. May mà ông vớt được. Gia đình thằng Sao hoàn cảnh lắm. Nó sang ở với ông từ hồi đầu năm, cũng khuây khỏa đi nhiều con ạ!.
Sao cao lớn, da ngăm đen, mái tóc quăn tít nhưng giọng nói rất mượt mà. Lúc nào cũng một điều “cô Thùy” hai điều “cô Thùy”. “Cô Thùy mổ cá giúp tôi với”. “Cô Thùy mổ cá ngược rồi, phải xoay đầu vào trong kia mà”. “Cô Thùy đúng là tiểu thư có khác”... Cô thấy xấu hổ quá, mặt nóng ran. Nếu là Dũng, anh đã giằng lấy con dao và bắt cô đi rửa tay rồi. Nhưng Sao thì khác. Anh chỉ đứng nhìn và hướng dẫn cô làm. Sao bảo: “Cô Thùy tự làm cho quen đi. Sống một mình mà không biết làm những việc tối thiểu như thế này thì khổ lắm”. Nếu người nói câu ấy không phải là Sao thì lòng cô đã tràn đầy tự ái rồi. Đằng này cô lại thấy vui vui và thầm biết ơn anh vô cùng. Có khi tối nay cô sẽ viết thư khoe với Dũng: “Em đã biết mổ cá rồi đấy!”. Nhưng cô lại phá tan cái dự định ấy đi: “Các anh bộ đội biên phòng mà đọc được chắc là chết ngất mất. Ai đời con gái ngoài 20 tuổi mới biết mổ cá. Kinh khủng thật”.
Sao chèo đò chở cô về, xách theo một bịch đu đủ chín: “Để hai cô ăn dần”. Na trố mắt nhìn rồi cứ tủm tỉm cười cười nhưng không nói: “Lúc nào rảnh cô Thùy đi thả lưới với tôi nhé. Hay sang xem ông bẫy chim cũng được, hay lắm!” - Giọng Sao vang vang trầm ấm khiến nỗi trống vắng trong lòng cô vơi đi bao nhiêu.
Cô cắm mấy bông lục bình vào chiếc lọ sành đặt trên cửa sổ. Đợi Sao về khỏi, Na hét lên:
- Đồ chập mạch! Ai lại đi cắm thứ hoa xấu hoắc thế kia. Vứt đi thôi!.
- Đừng! Hãy tôn trọng sở thích của tao, Na ạ! - Giọng cô buồn buồn và thật thà quá khiến Na nhăn mặt rồi im bặt.
Đêm, cô không sao ngủ được, mắt chòng chọc nhìn lên nóc nhà. Na bắt đầu thút thít khóc. Cô lại răn đe như mọi lần:
- Nín! Mày có muốn tao kể với anh Dũng nhà tao không. Anh Dũng biết coi như cả đơn vị của anh ấy biết đấy !.
Na véo mà cô:
- Mày thì! Tao cười đây rồi. Hì...
Na là thế, đơn giản và dễ hiểu hơn cô nhiều. Tóc Na cắt ngắn cũn chứ không để dài, tết hai bên cầu kỳ như cô. Na có thể hát bất cứ bài hát nào còn cô chỉ hát những bài mình thích. Na vẫn vừa khóc vừa cười hềnh hệch được chứ cô thì không. Chưa bao giờ Na thấy cô rơi nước mắt. Na phục sự chịu đựng kỳ diệu ấy của cô. “Ngủ đi! Mai dậy sớm ra trường khai giảng”. Na nói vậy rồi ngủ ngon lành. Cô thèm được như Na quá.
***
Mùa đông, trời luôn luôn xám xịt. Mưa phùn rả rích cộng với những trận gió bấc làm cho cái rét như hiện hình, luồn vào tận xương tủy. Cô lười ra khỏi phòng nên Sao năng chèo đò sang đón cô hơn. Na luôn viện cớ để không bao giờ phải đi cùng hai người. Na cũng quen được nhiều người nhưng chẳng thân với ai, suốt ngày chỉ lo chấm bài và chúi đầu vào đọc báo. Tự dưng cô thấy thương Na quá.
Mùa này ông không còn bẫy chim được nữa. Những con chim sẻ tích từ mùa thu được ông đem ra làm thịt cặp chả. Cá cũng không đánh được nhiều nên chẳng có việc gì làm. Những buổi chiều không phải lên lớp, cô thường giúp Sao gỡ lưới và cả hai ngồi nghe ông kể chuyện. Từ chuyện đánh Pháp đến chuyện đánh Mỹ, chuyện nào cũng như một huyền thoại. Ông kể cảnh vợ và người con gái duy nhất của ông chết thảm vì bom như thế nào khiến cô rùng mình, mắt cay xè nhưng không khóc. Chuyện ông đánh nhau trong rừng sâu, vắt bâu đầy chân, dày chi chít như những mắt na... Ông kể mãi mà vẫn không hết chuyện. Mắt ông thường lấp lánh niềm vui khi cảm thấy mình như được sống lại cái thời đầy hào hùng ấy. Có điều những nỗi đau từ sự mất mát vẫn còn hằn trên những nếp nhăn, rúm ró. Với cô, cảm giác vui buồn lẫn lộn. Cô không biết khi nào thì vui, khi nào thì buồn. Chỉ bình yên một cách kỳ lạ. Cô muốn tìm về qúa khứ để hiểu thêm những gì đã qua, nhớ và trân trọng những gì thiêng liêng nhất. Sao cũng vậy, anh nói với cô: “Tôi nhớ về quá khứ để mơ ước cho tương lai. Đông không qua thì xuân làm sao tới được”. Cô gật đầu, thấy Sao thực sự có suy nghĩ chín chắn như cái tuổi 23 của anh. Và cô cảm thấy mến Sao vì lẽ đó.
Cô đem những chuyện ông kể kể lại cho lớp học của cô và cả Na nghe nữa. Lũ học trò thường trố mắt nói khẽ với nhau: “Cô giáo mình tài quá, hiến quá, xinh quá...”. Na thì nửa đùa nửa thật: “Mày sướng thật đấy. Cái gì cũng bằng phẳng làm tao phát ghen lên được”. Cô không bằng lòng lắm nhưng phần nào cũng cảm thấy toại nguyện.
Dũng về phép, rẽ vào trường thăm cô đúng dịp cô bị cảm nằm bẹp trong phòng. Anh hốt hoảng:
- Sao em không đi bệnh viện? Trông có vẻ cảm nắng quá.
Cô uể oải:
- Sao anh không về thẳng nhà?.
- Anh vào đón em về nghỉ hè cả thể. Em làm sao thế?.
- Em buồn, chán.
- Sao em viết cho anh lại bảo em rất khỏe, em rất vui, em rất sướng, em rất...
- Thôi! Anh về bảo giúp với bố mẹ em rằng hè này em không về được. Đừng nói em ốm nhé.
- Định đuổi anh đấy à? Nghe cái giọng của em kìa. Bố - mẹ - em! Thế không phải là bố mẹ anh à?
Cô ngồi thừ ra không biết chống chế thế nào. Dũng làm con nuôi bố mẹ cô từ nhỏ. Anh chiều cô nhất nhà và cũng là người hiểu cô nhất.
- Hay là để anh xin cho em về dạy trên thành phố nhé! Ở đây khổ lắm, ốm đau chẳng ai biết đấy là đâu.
Cô chưa kịp lắc đầu thì Na đã ùa vào:
- Anh không thuyết phục nổi con khùng này đâu. Nó định làm dâu ở cái xó khỉ ho cò gáy này đấy mà. Không vì nó em cũng chuồn khỏi đây lâu rồi.
Dũng bàng hoàng, giật giọng:
- Thùy! Có phải anh chàng tên Sao mà em vẫn hay nhắc đến trong thư?
- Thôi! Anh đừng hỏi em nữa.
Dũng lặng lẽ mở ba lô lấy qùa bảo cô chia cho mọi người.
- Còn chiếc khăn cho em, đến mùa đông quàng cho ấm. Anh về, tuần sau xuống đón em.
Cô im lặng, không dám phản ứng gì vì cô sợ, sợ tình cảm mà Dũng dành cho cô. Nhìn vào mắt anh cô biết được điều đó.
Na ngó nghiêng khuôn mặt ủ rũ của cô rồi gào toáng lên: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao dù tiền tiêu không còn lấy một hào”. Đang buồn cô cũng phải phì cười. Na hồn nhiên quá. Với Na, nỗi buồn phải cực buồn, còn niềm vui thường lên đến tột độ. Còn cô, mọi thứ cứ làng nhàng, buồn vui cộng vào chia đôi nên cái gì cũng ở mức trung bình, không hơn không kém.
***
- Tôi đến chào hai cô mai tôi đi bộ đội! - Vẫn là giọng nói ấm áp mượt mà của Sao mà cô nghe tai mình ù đặc.
Loáng thoàng hình như có tiếng Na:
- Vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc?
Cô hít thật mạnh, lấy can đảm để nói một hơi dài:
- Anh làm sao thế? Anh ước được trở thành thủy thủ, được điều khiển tàu biển cơ mà. Sao anh không thi vào trường Hàng hải? Anh có biết rằng ra đảo khổ lắm không. Hãy nghe em, đừng đi.
Vào đời thì phải khổ. Khổ trước sướng sau mà.
- Thế còn ông?
- Tôi nhờ Thùy thình thoảng sang thăm ông. Thế thôi!
Sao đặt vào tay cô một chiếc hộp nhỏ xíu, trong có chiếc vòng tay màu ngọc bích rồi quay đi. Cô theo anh ra tận bờ sông
- Anh Sao! Em...
- Tôi hiểu nhưng vì điều kiện. Gia đình tôi khác gia đình Thùy nhiều quá. Giá như...
Cô nhìn thẳng vào mắt Sao:
- Giá như anh đừng phân biệt.
Cô vùng chạy trở về, đâm sầm vào phòng, nức nở. Na vỗ về: “Khóc đi! Nếu khóc được thì cứ khóc đi Thùy ạ!”. Trái tim cô tường chừng đã đóng băng vậy mà giờ đây tan thành nước. Cô khóc. Những giọt nước mắt tủi hờn cứ trào ra. Mặn chát và khó hiểu.
Dũng từ thành phố xuống đón cô, sừng sờ:
- Sao em phờ phạc thế? Lại thức trắng phải không? Anh không bảo được em nữa rồi à? Phải biết giữ gìn sức khỏe chứ!
Cô tự dối mình:
- Anh về đi! Em thích ở lại đây
- Việc gì em phải khổ sở đến thế? Không về thành phố dạy thì lên biên giới với anh.
- Không! Em không đi đâu hết.
- Đừng tự hành hạ mình như vậy. Bố mẹ có chuyện muốn nói với em.
- Không! Bố mẹ hay là anh? Em không muốn nghe chuyện ấy đâu. Hãy để mọi thứ nguyên vẹn như từ đầu.
- Tùy em! Nhưng anh có quyền hi vọng
Dũng đành quay về, ngửa mặt lên trời mà cười khi nghe lũ học trò xì xèo: “Chồng cô Thùy đấy. Trung úy nhỉ?”.
Na chẳng bao giờ bỏ rơi cô. Na ôm cô thì thào:
- Sao mày không đeo vòng vào tay. Biết đâu mày sẽ thấy thanh thản hơn?
- Không ! Tao sợ vỡ...
- Lúc nào mày cũng muốn mọi thứ nguyện vẹn ư? Khó lắm Thùy ơi!
- Tao ước được như mày quá, Na ạ!
Na quát:
- Đồ điên! Đang xinh đẹp thế này lại đi ước được xấu xí như tao. Đừng phức tạp hóa mọi chuyện. Trông tao đây này! - Na ngửa cổ lên gào thật to: “Em muốn sống bên anh trọn đời” - giọng Ổpêra của Na mới kinh dị làm sao.
- Đấy! Mày có dám gào vô tư như thế không? Không chứ gì? Vậy thì quên mọi chuyện đi.
Cô gật đầu, cầm bút viết thư cho mẹ: “Mẹ ơi! Bây giờ mẹ không thể nhận ra con gái út của mẹ được đâu. Để con tả cho mẹ nghe nhé...”.
***
Rét! Ông rên hừ hừ và ho sù sụ. Những người trong xóm can ngăn: “Cô giáo ơi đừng đến gần. Ông lão bị lao phổi đấy!”. Cô không sợ lây, vẫn ngày ngày lặng lẽ ở bên ông, lòng đau thắt lại. Ông ho dữ dội, ho quặn ruột, ho cả ra máu... và ông ra đi. Nhẹ nhàng. Thanh thản. Cô không kêu gào thảm thiết, cũng không hề khóc, chỉ câm lặng đến khổ sở. Người ta thiêu trụi căn nhà như túp lều của ông “để bệnh khỏi lây lan” khiến cô như rơi vào trạng thái bất lực. Na hết an ủi: “Ông già rồi thì ông phải chết” rồi lại năn nỉ: “Khóc đi Thùy! Tao van mày đấy. Đừng nhìn tao bằng con mắt vô hồn như vậy”. Cô dửng dưng, lấy bút viết nhật ký. Đọc lại. Xé đi. Cô như người mộng du, lang thang dọc bờ sông đầy mưa phùn. Na nhìn theo. Lắc đầu. Khó hiểu.
Vài tuần sau cô trở lại bình thường. Na giục: “Viết gì cho Sao đi. Cô lắc đầu: “Không!”. Na đùa: “Dũng hơn hay Sao hơn nghỉ? Xem nào...”. “Đừng! Tao căm thù sự so sánh”. Im bặt...
Những lúc rảnh rỗi Na thường tha một chồng báo, truyện tranh và truyện cổ tích của lũ học trò về đọc. Đọc chán bèn quay ra nói với cô: “Có khi mình bén duyên ở đất này mất. Lạ thật!”. Cô không gật, cũng không lắc, chỉ quanh quẩn với mấy quyển lưu bút và những lá thư cũ kỹ. Nhưng thỉnh thoàng vào lúc chiều tối cô vẫn ra bờ sông, nhìn khắp bốn bề. Không hiểu cô nhìn sang gò đất trống bên kía, nhìn về thành phố, nhìn ra đảo hay nhìn lên biên giới? Chỉ biết rằng những khi như thế, mắt cô nhuộm tím một màu hoàng hôn, bình lặng và xa xăm...
T.T.L
Truyện cô lúc nào cũng hấp dẫn !
Trả lờiXóa