Trần Thúy Lành
Mẹ gọi điện thông báo: “Bác Cả gái dạo này gầy lắm, phải sút đến gần chục ký, mồm miệng thì nhạt nhẽo, chả thiết ăn uống gì. Ai cũng nghi bác ấy bị ung thư. Đầu tuần tới hai bác muốn lên bệnh viện của con để xét nghiệm. Con giúp bác ấy nhé! Đừng để bụng chuyện ngày xưa Nga nhé!” - Trước khi mẹ tắt máy tôi còn nghe rõ tiếng thở dài thườn thượt của mẹ. Không hiểu mẹ thương bác Cả gái hay mẹ xót xa cho những chuyện ngày xưa.
Ngày xưa, bố mẹ tôi cưới nhau vội vã. Cưới được hôm trước, hôm sau bố đã đi Campuchia trong đoàn quân tình nguyện. Mẹ ở nhà với bà nội và chú Ba, cô Út, còn vợ chồng bác Cả thì ở căn nhà ba gian bên cạnh, chung nhau cầu ao và một mảnh vườn rộng. Bao giờ cũng thế, mẹ bắt đầu kể chuyện bằng điệp khúc “ngày xưa” cho chị em tôi nghe, không phải truyện cổ tích mà là những kỷ niệm khó quên hằn trong ký ức của mẹ. Mẹ kể những chuyện không đầu không cuối, nhớ gì kể nấy. Mỗi khi mẹ cất lời “ngày xưa…” là y như rằng bố sẽ hát vổng lên: “Ngày xưa biển không có cát như bây giờ…” khiến mẹ vừa bực vừa bật cười nhưng vẫn tiếp tục:
Ngày xưa, nhà nội nghèo lắm. Nội lại có tính tiết kiệm nên hồi mới về làm dâu, mẹ toàn chịu đói. Chú Ba và cô Út thì đang tuổi ăn tuổi lớn, mẹ ngồi đầu nồi, chưa xới đến lượt mình thì cô chú ấy đã nhao bát lần hai. Mà có phải toàn cơm trắng đâu, bữa nào cũng độn ngô, khoai, sắn. Ngoài giờ lên lớp mẹ còn làm ruộng. Mẹ đấu thầu thêm cái ruộng ở ngoài đê để trồng cà, trồng đậu. Lấy chồng chưa được đầy năm, mẹ đã gầy rạc người đi, da dẻ vốn trắng hồng thì chuyển sang đen nhẻm. Ngoại xót ruột, mỗi lần sang thăm mẹ lại địu theo mấy cân gạo hay túm ngô, lội tắt qua cánh đồng cho nhanh. Nội phát hiện, tự ái, nói ra miệng: “Bà sợ nhà tôi để con gái bà chết đói hay sao mà phải tiếp tế lương thực thế này?”. Ngoại cũng tự ái, cắp nón nguây nguẩy ra về. Thế là ngoại giận mẹ, không thèm sang nữa...
Ngày xưa bác Cả tệ lắm. Mẹ cứ nghĩ thôi thì sống để bụng, chết mang đi nhưng mà nghĩ lại vẫn cứ tức anh ách. Bố chúng mày đi biệt tăm từ ngày cưới mẹ, ba năm sau mới trở về. Bác ấy đẻ sòn sòn bốn năm ba đứa con trai. Còn mẹ, mãi chẳng có tin vui, thế là bác Cả trai đi tung tin khắp làng rằng mẹ bị “điếc”. Đến khi mẹ sinh được hai cô công chúa đáng yêu thì bác ấy bảo mẹ: “Không biết đẻ”. Nhà có công có việc, bác Cả trai toàn bắt bố chúng mày ngồi mâm dưới. Sao đàn ông mà lắm chuyện thế không biết. Vừa gia trưởng lại vừa lạc hậu. Lúc mẹ chửa con Ngân, bụng to vượt mặt vẫn xung phong đi gặt hộ bác ấy. Thế mà khi mẹ ở cữ, cày cho hai sào ruộng bác ấy cũng tính từng công một. Hai nhà chung nhau mảnh vườn, chung nhau cầu ao nhưng bác ấy tranh trồng rau, thả cả hết, chỉ để cho mẹ và nội cái bờ rào trồng mồng tơi. Sau này các con lớn hơn một chút, cứ lê la chơi với các anh bên đó nhưng đến bữa ăn là bác Cả gái đuổi thẳng cổ. Có lần bác ấy mua sắn ngoài chợ về luộc, con Ngân đói quá, thèm nhỏ dãi, cứ bám riết anh Nam. Anh ấy cho một miếng thế mà say trợn mắt lên. Thằng Nam ăn nhiều quá, chắc là phải củ sắn độc nên không cứu được. Mẹ với bác Cả gái đang lên luống khoai ở ngoài đê, chuyện trò rang rang thì chú Ba chạy lên, hớt hơ hớt hải: “Hai chị về ngay. Thằng Nam, cái Ngân say sắn chết rồi”. Mẹ rụng rời chân tay rồi chẳng biết gi nữa. Khi mẹ tỉnh lại thì thấy chị Ngân mày đang nôn thốc nôn tháo mật xanh mật vàng, còn thằng Nam thì không bao giờ tỉnh lại nữa. Khổ thân thắng bé, nó là anh lớn nhất, vừa chịu khó vừa nhanh nhảu và ăn thảo nhất nhà. Năm ấy nó mới 10 tuổi. Bà nội khóc ròng rã hàng tháng trời sau đó. Mắt bà mờ dần từ dạo ấy…
Hôm mẹ trở dạ con Ngân, chả có hạt cơm nào trong bụng. Ngoại thương tình chạy ra chợ mua cho mẹ chiếc bánh chưng. Mẹ vừa cắn một miếng thì ruột gan trào hết cả lên bởi bánh chưng bị thiu. Thế mà mẹ cũng vượt cạn ngon lành. Cái Ngân nặng hai cân sáu, đấy là quấn ba lần tã mới được như thế. Ngày xưa có được ăn no như bây giờ đâu”…
Đón vợ chồng bác Cả ở cổng bệnh viện, tôi không ngờ bác gái lại tiều tụy nhanh thế. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ánh mắt bác đờ đẫn như người mất hồn. Bác Cả trai vồn vã:
- May quá! Nhất con nhì cháu. Có cháu gái làm bác sĩ nên bác cũng yên tâm. Trăm sự nhờ cháu nhé, Nga nhé!
Tôi chẳng thể ngờ được lại có cái ngày bác Cả trai phải cất lời nhờ vả, cầu cạnh mình như vậy bởi trước kia, trong ý nghĩ của bác, hai chị em tôi chỉ là “lũ vịt giời ăn hại”. Không ít lần bác khẳng định: “Đẻ con gái chỉ tổ tốn cơm, rồi chúng chẳng làm nên trò trống gì đâu”.
Tôi lẳng lặng dẫn hai bác vào phòng xét nghiệm. Nhìn vẻ mặt thất thần, khắc khổ của bác Cả trai, tôi không thể tưởng tượng được người đàn ông ấy cách đây hai mươi tám năm về trước lại có thể tàn nhẫn với chính em ruột của mình. Ký ức của con bé bảy tuổi trong tôi ùa về, nhói lên nơi lồng ngực…
Sau khi chú Ba lấy vợ, cô Út lấy chồng, cả hai đều sống ở thành phố, bố mẹ tôi quyết định xin phép nội chuyển lên thị trấn ở để tiện công tác và đầu tư cho chị em tôi học hành đến nơi đến chốn. Dù rất lưu luyến chị Ngân và tôi nhưng nội cũng vui vẻ gật đầu. Nội sang ở với bác Cả vì nội không thích xa cái làng quê mà nội gắn bó hơn bảy mươi năm rồi. Để có tiền xây được căn nhà nhỏ trên phố, bố phải bán căn nhà ở quê. Được bao nhiêu tiền, bác Cả trai một mực chia ba: nội một phần, bác ấy một phần vì bác ấy có hai con trai, chú Ba một phần, còn bố tôi thì tay trắng. Bác nói oang oang trong cuộc họp gia đình: “Chú Hai đẻ toàn vịt giời nên không chia đất cho chú ấy. Cái gia đình này bao nhiêu đời nay chỉ chia đất cho con trai thôi”. Mẹ tôi ngồi thu lu ở góc giường, khóc tấm tức. Bố đỏ bừng mặt, quay lại quát mẹ: “Thôi đi! Việc gì phải khóc”. Nội ngẫm nghĩ một lát rồi lên tiếng: “Phần của u, u cho vợ chồng thằng Hai để nó thêm vào xây nhà”. Bác Cả trai trợn mắt lên: “Không được! U làm thế là không được. U sang ở với chúng con. Chúng con phụng dưỡng u cho đến lúc u về già thì phần của u phải là của chúng con. U mà cho chú Hai thì u lên phố mà ở với vợ chồng chú ấy”. Bà nội nước mắt lưng tròng, chắp tay vái bác Cả: “Tôi lạy anh! Tôi van anh! Lọt sàng xuống lia, đi đâu mà thiệt. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Anh chị có nhà có cửa đàng hoàng rồi, bán cái nhà này được bao nhiêu cho thằng Hai mượn hết để nó xây nhà, lấy chỗ chui ra chui vào. Vài năm nữa vợ chồng nó làm ăn được nó sẽ trả hết, được chưa? Còn tôi, tôi chẳng cần đứa nào phụng dưỡng hết. Tôi mà đau ốm thì tôi chỉ làm một liều thuốc chuột là xong”. Trước thái độ của nội, bác Cả dịu giọng nhưng cương quyết: “Cho chú ấy vay nhưng phải tính lãi bằng ngân hàng”. Buổi tối hôm ấy, chị Ngân ôm tôi đứng nép trong góc buồng nhòm ra. Khi cuộc họp của người lớn kết thúc, nước mắt chị đã đầm đìa trên má. Còn tôi, tuyệt nhiên không khóc nhưng những lời nói của bác Cả trai hôm ấy sau này lại thỉnh thoảng dội về trong trí nhớ khiến tôi có ý nghĩ: “Mình phải cho bác ấy biết tay”.
Cầm kết quả xét nghiệm của bác Cả gái trên tay, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bác gái bị bướu cổ chứ không phải bị ung thư như mọi người dự đoán. Bác Cả trai dồn dập hỏi: “Thật không? Có đúng vậy không? May quá, thế mà ở nhà cứ mua thuốc linh tinh, càng uống càng mệt mỏi, chán ăn, sợ chết nên càng suy nhược cơ thể”. Bác Cả gái mỉm cười: “Cảm ơn cháu. May mà mẹ cháu khuyên bác đến đây. Thực tình bác cũng ngại lắm. Hai bác chẳng giúp được cháu cái gì giờ lại làm phiền”. Tôi gạt đi: “Bác đừng khách sáo thế”. Nhìn bác Cả gái xanh xao, gầy guộc, tôi bỗng thấy động lòng.
Ngày xưa bác Cả gái sống bo bo, sòng phẳng rạch ròi. Dù thời buổi khó khăn nhưng là nông dân như vợ chồng bác thì cũng không đói bằng công nhân viên chức nhà nước như bố mẹ tôi. Cái thời tem phiếu, sổ gạo vẫn còn là một nỗi ám ảnh trong tâm trí mẹ con tôi. Cả tháng trời mẹ mới mang về cân thịt lợn toàn mỡ là mỡ. Mẹ rán lên, nước mỡ ra nước mỡ, tóp ra tóp. Chị em tôi thả tóp mỡ vào bát nước mắm, ăn như chưa bao giờ được ăn khiến mẹ trào nước mắt. Từ ngày mắt nội mờ, tay chân nội yếu thì ruộng của nội bác Cả giành cấy hết. Những ngày cuối tháng, mẹ thường sai tôi vác rá sang bác Cả vay gạo. Mới nhìn thấy tôi cầm cái rá, lấp ló đầu sân, bác Cả gái đã nguýt dài: “Lại vay gạo hả, trả gấp rưỡi nhé, về bảo mẹ thế”. Và lần nào mẹ tôi cũng phải trả bác gấp rưỡi như lời bác giao ước.
Ngày xưa, hồi mẹ chửa con Nga, sáng chẳng có gì cho vào bụng ngoài mấy củ khoai lang. Mẹ lại bị nghén, sợ nhất ăn khoai lang, hễ ăn vào là cho ra hết. Có bận mẹ đang say sưa giảng bài thì ngất xỉu trên bục giảng. Thảo nào, khi chuyển nhà lên thị trấn, nhiều hôm phải ăn khoai lang trừ bữa, con bé thà nhịn luôn. Bây giờ nó cũng ghét khoai lang thế.
Từ ngày nhà mình lên phố ở, cuối tuần nào bố mẹ cũng sắp xếp công việc để cho các con về thăm nội. Khi về thì nội vui, nội cười nhưng hễ chuẩn bị đi là nội lại khóc làm mẹ áy náy lắm. Mẹ đón nội lên nhà mình chơi mà nội nhất định không đi. Ở cùng vợ chồng bác Cả nhưng nội vẫn phải ăn riêng, một mình thui thủi với niêu cơm ở góc nhà. Chỉ vì nội từng bị bệnh lao nên bác Cả gái sợ ăn chung mâm thì nội sẽ lây bệnh cho cả nhà. Trời ơi, mẹ ứa nước mắt. Nếu mà lây được thì ba mẹ con mình bị lây trước rồi. Nội toàn nhai cơm nguội với muối trắng cho chị em chúng mày đấy.
Nhà mình lên phố ở chưa được bao lâu thì nghe tin sét đánh ngang tai. Thằng Đông con bác Cả bị ngã xuống ao chết đuối. Chính cái ao của nhà bác ấy. Chính bác Cả trai phát hiện, vớt nó lên, vác ngược chạy khắp làng. Thế mà bác ấy không cứu được con mình. Người ta bảo giá mà hàng xóm vớt được thì may ra nó mới sống. Khổ thân thằng bé, nó biết bơi nhưng chắc bị chuột rút. Từ đó vợ chồng bác Cả dần thay đổi tâm tính, không còn nghĩ đến chuyện tranh giành hơn thiệt nữa. Thằng Bắc được nội và hai bác cưng chiều hết mực, thành ra làm hư nó. Nó tưởng nó là trung tâm của cả nhà nên càng lớn nó càng lười học. Chưa học xong cấp ba nó đã bỏ học, ăn chơi, đàn đúm. Không biết bao nhiêu lần bác Cả gái phải trả nợ đậy cho nó vì cái tội bài bạc thâu đêm mà nó sa vào như một con nghiện không thể nào dứt ra được. Chỉ đến khi nội hấp hối, bao nhiêu lời trăng trối nội dành cho thằng Bắc hết. Nó khóc tu tu trước mặt cả nhà và quỳ xuống bên giường nội. Nó hứa với nội rằng nó sẽ thay đổi, rằng nó sẽ làm nội vui lòng, rằng nó sẽ sống xứng đáng là cháu đích tôn của nội. Bây giờ nó nên người, làm công nhân cơ khí, không dư giả thì cũng tự lo được cho vợ con, có lẽ là vì ước nguyện cuối cùng của nội: “Bắc ơi! Con phải sống cho cả anh con, em con. Nội không ở bên con được nữa rồi…”.
Tôi xin nghỉ phép, cho con gái nhỏ về quê chơi với ông bà ngoại, tiện thể tôi mua thuốc về điều trị cho bác Cả gái. Sau một tuần trông bác gái đã có da có thịt, dung mạo tươi tỉnh hẳn lên. Bác Cả trai cứ xuýt xoa:
- Cháu giỏi quá! Cháu tốt quá!
Mẹ ngạc nhiên:
- Con quên hết chuyện ngày xưa thật rồi à? Các cụ nói cũng phải thôi: đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại. Mẹ thấy hai bác ấy cũng khác xưa nhiều lắm. Cuộc sống khổ cực quá khiến con người ta tranh giành, bon chen, hơn thiệt nhưng tranh giành mà làm gì. Chết có mang đi được đâu. Từ khi nghỉ hưu, mẹ mới thấm thía lẽ nhân quả ở đời. Thôi! Cố gắng mà sống vô tư con ạ. Như chị Ngân mày đấy, sống bên Tây suy nghĩ thoáng thật. Biết bác Cả gái ốm nặng, nó không về được nên gửi biếu bác cả ngàn đô kia kìa.
Tôi ngồi nhổ cho mẹ những sợi tóc bạc trắng trong buổi chiều tà. Vệt nắng cuối ngày chiếu rọi nơi bậc tam cấp. Một làn gió nhẹ thoảng qua, mẹ nói bâng quơ: “Tất cả chỉ còn là ký ức thôi. Chuyện gì đã qua thì hãy để nó qua con ạ…”
T.T.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét