(Đọc tập truyện LÀNG KRONA của Trần Quang Lộc)
Hơn một nửa trong số 14 truyện trong tập “Làng Krona” của nhà văn Trần Quang Lộc, tôi đã đọc ở đâu đó rồi, trước khi nhà văn tặng tôi tập truyện dày 240 trang, cùng tên LÀNG KRONA do NXB Hội Nhà văn cấp phép vào tháng 3/2020. Nhưng lần này, cầm tập sách trên tay, tôi lại có một cảm xúc mới mẻ khác thường so với những lần đọc trước. Gam màu nóng ở trang bìa với sự thiết kế của họa sĩ Lê Duy Khanh làm cho tập sách ấm áp một vẻ liêu trai và đẹp hẳn lên khiến người cầm nó không khỏi xốn xang! Nhưng điều làm cho ta xốn xang hơn là văn phong mang vẻ đẹp trữ tình, đằm sâu của một cây bút già dặn trong việc tái hiện lại những hưng phế của thời cuộc, nhân thế, tình người.
Ký ức về chiến tranh, về làng quê được nhà văn thể hiện trong hầu hết các truyện. Một Phương Châu, cô gái tưởng chừng như bị xóa sổ trong một trận máy bay B52 ném bom rải thảm bỏ lại ước mơ được làm cô giáo, nhưng chỉ bị thương được đưa ra miền Bắc chữa trị và trở lại chiến trường cùng lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau nhiều năm mất liên lạc, bỗng nhiên tác giả gặp lại người bạn chiến đấu năm xưa thành đạt y như một phép lạ! (Dọc đường chiến tranh). Một ngôi nhà hoang với nhiều câu chuyện thêu dệt về rất nhiều loại ma ở cõi âm đã làm cho nhân vật Tôi dù “rất can đảm, nhưng cái gan... chưa to” hồn xiêu phách lạc. “Ma” đã dọa nhân vật Tôi mà làm cho độc giả cũng khiếp sợ đến nhiều năm sau được Hùng Râu tiết lộ bí mật mới thở phào nhẹ nhõm! Ma mị và thực tiễn, giả và thật, niềm tin và mê tín... tất cả góp phần vào sự thành công cho “những hoạt động bí mật của cơ sở Cách mạng diễn ra suôn sẻ mãi cho đến ngày thị trấn được giải phóng”. (Ngôi nhà hoang). Chiến tranh đâu chỉ có súng đạn và chết chóc. Trong gian khổ, nguy hiểm, tình yêu vẫn nảy nở; dù không đến được với nhau nhưng người thầy giáo cùng với cô học trò Tường Vi Đỏ là mối tình đẹp trong chiến tranh (Tường Vi Đỏ). Phải nói đó là những giây phút lãng mạn hiếm hoi trong suốt cuộc kháng chiến.
Nhưng điều làm tôi xốn xang hơn cả là Trần Quang Lộc viết về tình yêu. Dù là thoáng qua hay sâu đậm, ngòi bút của nhà văn vẫn viết theo lối giễu nhại, liêu trai; trộn lẫn giữa thực và ảo làm người đọc lạc trong vùng sương mù tình yêu mà tác giả đã giăng ra. Một “Người đàn bà đêm thị trấn miền cao” vừa “thông minh sắc sảo mà còn có kiến thức uyên bác bao trùm, rất đáng nể!” đã có nhiều nhận xét xác đáng về nhân vật lịch sử được tôn sùng; vừa tưởng như dễ dãi trong tình yêu. Cuối cùng người đọc cũng té ngửa với tác giả khi “Hà Vi đẩy mạnh gã ra, thuận chân bồi thêm một cú đạp. Cú đạp tuy nhẹ nhưng do tư thế ngồi chênh vênh khiến gã ngã bật ra khỏi băng đá...”. Thì ra đó là một giấc mơ. Câu chuyện chỉ là cái đinh để tác giả treo tư tưởng của câu chuyện. (Người đàn bà đêm thị trấn miền cao). Hoặc một “Lão thợ liệm tài hoa” sống tận đáy xã hội, rất đời thường “gắp miếng dồi chó chấm mắm tôm cho vào chén rau đã chuẩn bị sẵn lùa tất vào mồm nhai nhóp nhép”, thế mà cũng có tư cách đáng nể: “Trong cái xóm nhà cháy này chú em là người có tư cách để tui quý trọng. Còn cái đám bầy hầy, tham nhũng vặt như bọn khu vực trưởng, tổ trưởng dân phố giá trị của chúng không đáng ba xu”. Nhân dân có cái nhìn sòng phẳng với cán bộ thoái hóa như thế. Và chúng ta không khỏi cười thầm khi lão Bốn Xị đùa giỡn với tòa án! Khi bị vu oan là hiếp dâm một cô gái trẻ dẫn đến cô mang thai. Ông một mực kêu oan và quyết chỉ khai bằng chứng ngoại phạm trước tòa. Và bằng chứng là “lão Bốn tụt quần xuống tận đầu gối” và nói: “... bộ tam của tui để lại tại chiến trường K năm 1979 thì căn cứ vào đâu mà bảo tui hiếp dâm đến có thai?” khiến “mọi người mắt tròn mắt dẹt” (Người thợ liệm tài hoa).
Nhưng ám ảnh nhất có lẽ là cuộc tình chóng vánh mà sâu đậm của nhân vật Tôi và người ma Đinh Y Muôn của làng Krona. Tác giả đưa ta về không gian và thời gian mà Bồ Tùng Linh đã tạo nên trong Liêu trai chí dị. Với truyện này, ta mượn chính lời tác giả để nói về tác phẩm: “Làng Krona như giấc mộng. Bà Y Dơn, em Y Muôn mãi mãi là người của cõi xa xăm. Năm ngày hòa nhập vào thế giới tâm linh giữa đại ngàn, tôi mới nhận ra cái giá trị đích thực của tình yêu, của cuộc sống và yêu hơn cảnh thiên nhiên thơ mộng, trân quý cái bản chất nhân hậu của bà con dân tộc!/Làng Krona, một khúc ca trữ tình lãng mạn, đậm chất nhân văn.” (Làng Krona). Hoặc cô Thùy đã có chồng nhưng vẫn không quên người tình cũ tên Tâm đã chết được một năm. Chẳng biết thật hay mơ mà “Thùy thấy mình và Tâm cứ cuốn quýt lấy nhau đắm chìm trong cuộc ái ân bất tận”. Và khi Thùy trở về với thực tại thì gặp một thực tại phũ phàng: “Thùy bùi ngùi lấy bàn tay xoa lên mặt tấm ảnh của Tâm một lượt rồi cố vịn tấm bia mộ lảo đảo đứng lên, lặng lẽ rời khu nghĩa trang.” Và “lầm lũi bước đi, đi mãi về phía hoàng hôn”(Phận người).
Mảng truyện lịch sử cũng gây nhiều ấn tượng. Từ người thầy tiết tháo Chu Văn An; đến bậc chân tu Huyền Quang; đến nhà quân sự tài ba lỗi lạc Quang Trung; đến cung nữ Điểm Bích... nhân vật nào dù chỉ điểm thoáng qua cũng hiện lên đầy đủ diện mạo, tính cách mang hơi thở của thời đại.
Phải nói rằng tôi đã đọc nhiều truyện của nhà văn Trần Quang Lộc, mỗi truyện đều có sự tìm tòi cho mỗi phong cách phù hợp, khiến người đọc khỏi nhàm chán và thể hiện được cái nhìn đa diện về đời sống, về lịch sử... bằng giọng văn giễu nhại, liêu trai.
Đồng thời, trong tác phẩm LÀNG KRONA còn nhiều điều hấp dẫn khác, mọi người nên tìm đọc. Riêng tôi, tôi cảm ơn nhà văn Trần Quang Lộc đã tặng sách để tôi có dịp khoe cùng mọi người!
N.V.C
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét