Thằng bé xốc nhẹ khóm mào gà nhung đỏ tía
lên, rưới chút nước từ chiếc xô đỏ phía sau rồi đon đả mời: “Cô mua dùm con vài
cây màu gà nghen!”. Tôi nhìn khóm hoa đỏ như nhung mà nhớ vườn hoa nội trồng
hồi tôi còn bé. Cũng độ tuổi đứa bé bán hoa bây giờ, khi ấy nhà nội trồng nhiều
hoa xen kẽ với các gốc cam trong vườn. Đất vườn nhà tôi cạnh nhà máy nước đá
nên nội trồng cây ăn trái nào cũng còi cọc không lớn nổi. Ngược lại hoa thì đẹp
và tươi. Vạn thọ vàng rực, huệ đất phơn phớt hồng, mào gà thì đỏ thẫm.
Mỗi tháng vào chiều mười ba âm lịch, nội
bứng mào gà, vạn thọ đem vô rửa sạch gốc rồi bó thành hai bó to ngâm vào thùng
nước một đêm, sáng hôm sau tôi thức sớm cùng nội mang hoa ra chợ bán. Chợ quê
vào những ngày rằm và cuối tháng thật đông người. Cả chợ chỉ vỏn vẹn một sạp
chuyên bán hoa mới bày với hoa hồng, hoa cúc lưới, hoa cẩm chướng, huệ tây
trắng, hoa ly… Còn “sạp” hoa của bà cháu tôi là mảnh bao bố được trải xuống
đường, vạn thọ, mào gà được tôi xếp ngay ngắn, cành hoa bên dưới được đặt sát
mé ngoài, lần lượt những bông hoa kế được xếp dài theo kiểu bậc thang, xen kẽ
một hàng mào gà, một hàng vạn thọ nhìn cứ như một tấm thảm hai màu vàng đỏ rất
lạ. Có lẽ nhờ thế mà hoa của hai bà cháu luôn bán được nhiều và hết sớm.
Rải rác dọc theo bến tàu là những cành mai
vàng rực. Chợ quê không bán mai nguyên gốc như thành phố vì mỗi nhà chỉ cần một
cành chưng lên bàn thờ tổ tiên ba ngày Tết. Mai hồi xưa năm cánh còn bây giờ
mai ghép có đến bảy tám cánh, có cây mười hai cánh thật đẹp. Loại mai này
thường nở lâu, có khi đến rằm tháng Giêng còn vàng rực. Thấy hoa mai mà nhớ
ngày rằm tháng Chạp, tôi thường trốn nội đi tuốt lá mai tận xóm trên. Nhà vườn
nhiều mai nên thuê lũ trẻ chúng tôi tuốt lá trả tiền. Quen mặt nên năm nào đến
ngày tuốt lá chủ vườn cũng gọi chúng tôi đến giúp.
Ngoài những “sạp” hoa kiểu bà cháu tôi thì
đa số các “sạp” ở chợ quê đều được bày bán các món bày cúng thiết yếu trong
ngày Tết. Mỗi gia đình cuối năm đều dọn dẹp bàn thờ rồi sắp lên một dĩa “cầu
vừa đủ xài” bao gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với mong muốn sang năm mới được
an khang, đủ ăn đủ mặc. Những trái xoài con con, trái đu đủ bé tẹo, thơm xanh,
dừa xiêm được bày bán nhiều nhất. Ngoài ra có nhiều “sạp” bán mỗi trái sung,
sung sống, hườm hườm, sung chín đỏ nguyên chùm được các chị, các dì mua về bổ
sung vào dĩa “cầu vừa đủ xài” với mong muốn năm mới sung túc ấm no.
Hạt dưa, thèo lèo, kẹo mè đen được
rao rình rang nhất chợ. Ai cũng ghé ngang cân vài lạng rồi cười với nhau: “Tết
mà…” Tôi nhớ hồi nhỏ nội hay làm mứt dừa, mứt bí, mứt chuối sên với gừng thêm
vài hạt đậu phộng rang vàng rồi cho vào lọ để dành đãi khách. Có năm làm nhiều
ăn mãi đến ra Giêng mới vơi lọ mứt. Những ngày trăng sáng, bà cháu pha ấm trà
rồi trải chiếu ra sân ngồi hóng mát. Khi ấy nội hay kể cho tôi nghe những câu
chuyện về ngày xưa, khi ông bà yêu nhau…
Lang thang chợ quê vào những ngày giáp Tết
thật lạ, tôi mân mê mớ hoa mào gà nhung thẫm để lòng mình lạc về ngày Tết cũ
còn có nội, có những gốc cam còi cọc được nội tỉ mẩn trồng vài luống hoa, có
đứa con gái mười ba biết mang hoa xuống chợ vào ngày rằm, ngày giáp Tết. Biết
rao, biết bán như người ta thường khen tặng: “con nhỏ dòm mặt hiền queo mà buôn
bán giỏi dang…”
Chợ quê, tôi ôm bó hoa mào gà về chưng lên
bàn thờ nội, dọn bánh mứt, pha ấm trà rồi thắp hương vái nội về mừng năm mới.
Võ Thụy Như Phương
***********************************************
Bài cùng tác giả V.T.N.P
Cảm ơn anh đã đăng bài viết hihi
Trả lờiXóaAnh cảm ơn em mới phải chứ, bởi em rất nhiệt tình với HQN. Anh đang mong truyện ngẵn của em cộng tác để HQN ngày càng đa dạng về vùng miền,phong cách, và nhiều thế hệ, nghề nghiệp khác nhau. Chúc vui! Mến!
Trả lờiXóa