NGOÀI KIA TRỜI ĐÃ SÁNG – Truyện ngắn Trần Minh Nguyệt
Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012
Cơn mưa mùa đông dai dẳng bất
tận như không bao giờ dứt, cảnh vật như bị bao phủ dưới một tấm vải
màu xám bạc lạnh lẽo. Thỉnh thoảng những cơn gió nổi lên đập vào cửa sổ, tạt
mưa vào phòng làm ướt nhẹp mọi thứ. Trong căn nhà nhỏ bên cạnh trạm y tế xã Nam Hoàng- một
xã vùng sâu của núi rừng Tây Nguyên bao la trùng điệp- Mai rùng mình, lòng tràn
ngập một nỗi buồn man mác, khó tả, và vương vấn nỗi sợ hãi không tên. Mai luôn
thấy buồn cho số phận mình và không ngớt lo cho ngày mai, cho tương lai đang
còn xa lơ mù mịt giữa chốn rừng núi xa lạ. Cô không biết rồi cuộc đời của mình
sẽ trôi dạt về đâu trên con đò viễn xứ này. Cô mơ ước được về xuôi, được làm
việc mà mình yêu thích, được vui đùa với bạn bè, và mơ ước một tình yêu đôi
lứa. Nhưng những ước mơ đó giờ giống như những bong bóng mưa ngoài kia vỡ òa
trước mắt cô. Nó mong manh quá, lạnh lẽo quá, tan biến nhanh chóng trong
tâm hồn trống trải đã bao năm. Và, trong cõi cô độc ấy- quá khứ của tuổi thơ
bất hạnh lại ùa về trong đầu cô làm tim cô nhói đau.
Mai có một tuổi thơ đầy
sóng gió và nỗi buồn sâu thẳm, hầu như cho tới bây giờ cô vẫn không có được một
ngày vui trọn vẹn nào- nếu có chăng, đó cũng chỉ là những niềm vui gắng gượng
che lấp cho cuộc sống đỡ tẻ nhạt, và tự lừa dối mình mà thôi.
Ai sinh ra đời cũng được
nuông chiều trong vòng tay yêu thương ấp ủ của cha, mẹ. Còn riêng Mai thì
không, cha mẹ cô lần lượt ra đi từ khi cô vừa mới sinh ra. Mai nghe ngoại cô kể
lại rằng: Cha cô trên đường đi nuôi mẹ cô sinh ở bệnh viện, khi về bị chết giữa
đường vì tai nạn giao thông. Mẹ cô nghe được- thương khóc thảm thiết, ngày đêm
không ăn, không ngủ, cộng với sức khỏe yếu vì mới sinh nên bị xuất huyết, chỉ
vài tháng sau cũng đành bỏ cô mà đi theo chồng!
Bà nội Mai không nhìn nhận cô
là cháu vì bà tin rằng cô là khắc tinh của cha mẹ, nên cha mẹ cô mới chết cả
chỉ trong vòng sáu tháng. Lúc đau khổ vì nhớ con- bà đã chỉ mặt Mai mà rủa
rằng: “Chỉ tại mày, mày không phải là con người, mà là quỷ đội lốt người. Sự
sống của mày phải đổi bằng sinh mạng của ba mẹ mày. Sao mày không chết theo cha
mẹ mày đi cho rảnh nợ". Mai chỉ biết ôm mặt khóc- đau xót nghĩ, có phải tự
cô cho mình sinh mạng đâu, tuổi cô xung khắc với cha mẹ là tại duyên mệnh xa
xôi nào chứ cô nào có biết gì, có lỗi gì đâu? Nhưng nghe bà nội oán trách nhiều
lần, cũng có nhiều khi Mai quay lại nghi ngờ bản thân mình- cô có cảm giác cô
đi đến đâu là xui rủi lại theo đến đấy?
Mai lớn lên trong vòng
tay chăm sóc của bà ngoại. Bà không chịu nổi sau cái chết của mẹ Mai- đứa con
gái duy nhất của bà, bà không thiết sống thêm nữa- muốn chết theo con, nhưng
nhìn Mai bé nhỏ, còn đỏ hỏn biết ai nuôi, ai chăm sóc nên bà gắng gượng sống.
Vì thế, bà ít nói, ít cười- bà và Mai sống trong cùng một ngôi nhà mà lặng lẽ
giống như hai chiếc bóng.
Năm Mai học lớp 12, bà
ngoại cô bị ung thư gan giai đoạn cuối. Biết mình không còn sống bao lâu nữa,
mà nhà thì không có tiền, bà đành bán đi ngôi nhà đang ở để lấy tiền nuôi sống
hai bà cháu và lo cho Mai sau khi bà ra đi. Bà cháu cô dọn về ở trong ngôi nhà
tranh nhỏ tận cuối vườn. Mai rất yêu thương bà- không hề muốn nhìn thấy
bà phải nhọc nhằn vì mình nên đã đôi lần cô xin bà cho cô nghỉ học để ở nhà
buôn bán để đở đần và chăm sóc bà- nhưng bà khăng khăng không đồng ý. Bà thường
vuốt tóc Mai và âu yếm nhắc lại câu nói như lời trối trăn :" Ngoại sống
đến bây giờ cũng đã quá đủ rồi cháu à, ngoại chỉ tiếc một điều là chưa lo cho
cháu được đến nơi đến chốn. Nếu ngoại có bề gì, cháu đừng buồn phiền lo nghĩ
chi nhiều nhé, cháu phải hứa với ngoại là cố gắng học, kiếm một cái nghề lương
thiện mà nuôi thân cháu nhé? Ngoại không có nhiều tiền, chỉ còn 20 triệu, ngoại
đã gởi ở Ngân hàng Công Thương hôm bán nhà, cháu rút dần mà ăn học
…."
Mai quỳ bên giường ngoại
vùi đầu vào ngực bà và nói trong nước mắt: " Cháu hứa với ngoại, chuyện gì
cháu cũng hứa với ngoại nhưng ngoại đừng bỏ cháu mà đi sớm, ngoại nhé? Mất
ngoại thì đời cháu còn lại gì nữa đâu?"
Ngoại cô bật lên khóc tức
tưởi. Mai gục đầu lên ngực bà rưng rức. Bà đưa đôi cánh tay gầy khô ôm
lấy đầu Mai – thì thào: " Âm dương đôi ngả, số trời đã định, ngoại có chết
đâu, có bỏ cháu đâu, ngoại đi đoàn tụ với cha, mẹ cháu thôi mà, cháu đừng
buồn…"
Bảy ngày sau đó ngoại
Mai xuôi tay nhắm mắt. Mai thấy lòng chết lặng- người thân yêu duy nhất còn lại
của cô giờ cũng bỏ cô mà đi. Cô nhận ra rằng, từ đây- cuộc dời cô sẽ như một
cây cỏ dại ven đường…
Còn lại một mình
trong căn nhà nhỏ trống trải, cô không chịu nỗi sự lạnh lẽo và cô đơn ngày một
hiện rõ trong từng suy nghĩ của cô. Nhưng- đã hứa với ngoại là sẽ cố gắng
học mà Mai không thể nào tập trung vào sách vở được, cứ nhìn vào sách vở là
hình bóng của bà ngoại lại hiện lên chiếm hết tâm trí cô. Vì thế Mai không thi
đậu được vào đại học- cô chỉ đậu vào trường Trung cấp Y ở Đà Nẵng. Cô nghĩ- âu
đó cũng là số phận mà trời xanh sắp đặt cho cuộc đời của cô rồi. Mai luôn cảm
thấy mình quá bé nhỏ và vô nghĩa trước cõi đất trời mênh mông huyền
nhiệm. Trước ngày Mai lên đường đi Đà Nẵng nhập học, cô đã dành suốt một buổi
chiều ra thăm mộ bà ngoại, và mộ ba, mẹ với hương hoa thành kính. Mai nói
chuyện rất nhiều với bà, với cha mẹ trong những dòng nước mắt đầm đìa. Cô từ
biệt họ- từ biệt những người thân yêu nhất của cô với lòng nhớ thương bịn rịn
bơ phờ! Mai gởi linh cốt bà ngoại vào một ngôi chùa nhỏ trong làng để mong bà
được luôn ấm áp khói hương nhờ hương …
Ba
năm ở trường Y cũng sớm qua mau, Mai tốt nghiệp với tấm bằng loại
giỏi, nhưng Mai thân cô, thế cô không xin được việc ở đâu cả. Cuối cùng Mai xin
được một việc làm ở cái trạm y tế hoang lạnh này đây. Thế là, Mai lại bắt đầu
một cuộc sống cô độc bất hạnh khác. Ban ngày, thỉnh thoảng mới có vài người dân
tộc tới xin thuốc, thường chỉ là thuốc nhức đầu, đau bụng, và một số loại thuốc
thông thường khác mà một người bình thường không cần học như cô cũng có
thể cho được. Cô suốt ngày sống trong yên lặng, vì có muốn nói chuyện Mai cũng
biết nói với ai? Mai thường lân la đến các ngôi nhà sàn quanh xóm để thăm nom,
hỏi han-hay chỉ dạy những điều cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe, chống lại
bệnh tật. Nhưng, nhiều lần-Mai nhận ra rằng, đời sống cơ cực quá của người miền
cao như họ khó lòng mà làm theo được. Họ đang cần cái ăn thôi, cũng chưa đủ-nói
gì đến những nhu cầu khác? Ban ngày cô còn có thể chế ngự được đầu óc và trái
tim của mình, nhưng tới đêm lòng khát khao hạnh phúc, nỗi buồn, nỗi cô đơn
trong lòng trỗi dậy- chúng hành hạ cô đến khổ sở. Lâu ngày, Mai nhận ra, điều
an ủi duy nhất còn lại của cô đó là nước mắt. Đúng vậy, nước mắt. Nước mắt đã
xoa dịu được lòng cô khắc khoải đêm đêm,. Nhưng buồn thay- bây giờ nước mắt của
cô cũng dần cạn khô rồi- Mai không còn khóc được nữa.
Bên ngoài trời vẫn mưa- Mai nhìn chiếc đồng hồ tròn đặt ở bàn- kim giờ đã
lệch sang số 3 rồi mà cô vẫn còn trằn trọc không sao chợp mắt được. Bỗng, tiếng
đập mạnh vào phên cửa vang lên làm cô giật mình, ngồi bật dậy. Hình như có ai
đó đang gọi tên cô? –“ Chị Mai ơi!”- cô vội vàng bước ra mở cửa. Mai sững
sốt, bàng hoàng ngạc khi nhận ra Quyên- người em con chú ruột của cô quần
áo đang ướt sũng, đầu tóc bù xù.
Mai reo lên :
" Quyên! Em lên thăm chị sao?” Mai cầm lấy bàn tay lạnh buốt của
Quyên: “Sao em biết chị ở đây mà tìm? Mà sao em đến đây khuya dữ vậy?”. Quyên
vẫn chưa hết cơn mệt và buồn- đứng trân tráo nhìn Mai, không nói. Mai đưa tay
vén vuốt tóc Quyên: “ Em ăn chút gì nhé?” – Như chợt nhớ ra – Mai
kéo Quyên ngồi vào giường-: “ Em ướt hết rồi, thay tạm bộ đồ của
chị đi !"
Quyên nói lí nhí : " Em đi từ sớm, nhưng vì mưa to quá nên em bị lạc đường
chị à”.
Giọng Quyên bỗng trầm xuống:
- Chị cho em ở đây với chị nhé? Có
được không?- Quyên vừa thay đồ vừa thì thầm như van xin.
Mai mở to đôi mắt
nhìn Quyên, ngạc nhiên – không hiểu. Mai dịu dàng : " Có em ở đây thì chị
vui lắm, nhưng em còn phải đi học mà? Bà nội với chú thím có biết em lên thăm
chị ở đây không?
Quyên cúi mặt, nhìn
xuống đôi bàn tay còn lạnh buốt đật trên đùi mình giọng rất khẽ: " Em nghỉ
học rồi chị à.!”- Tiếng Quyên vang lên như lời tự thú: “ Em dại dột, ăn chơi
đua đòi, nên bây giờ đã có thai sáu tháng rồi chị à!. Ở nhà ai cũng bảo em nên
bỏ đứa con hoang hư hỏng này đi, nhưng em không nỡ làm vậy!” . Quyên thở dài
thường thược: “Nó đã tượng hình trong
em, nó là máu thịt của em- em bỏ nó sao đành hả chị?” Quyên nói như chực khóc:
“ Em vẫn biết, đã nhận ra- đó là một tội lỗi không thể tha thứ!?”.
Mai ôm choàng lên bờ vai
run run của Quyên - âu yếm:" Chị cũng nghĩ như em- không thể nào bóp chết
một sinh mệnh đang hình thành em ạ!” Mai cúi hôn lên tóc Quyên: “ Em cứ ở lại
đây với chị, chỉ sợ ở đây em không chịu nỗi cái khổ và cái buồn mà thôi !"
Quyên ngước lên nhìn Mai-thoáng một
nụ cười mơ hồ: : " Em sẽ làm lại cuộc đời chị à, Chị giúp em chị nhé?” Như
chợt nhớ, Quyên cầm tay Mai giật mạnh: “ À, chị ơi! Ba, má em có gởi thư
thăm chị đây này. Và trước khi lên đây, bà nội bảo em nhắn lại với chị rằng, bà
yếu lắm rồi, lúc nào bà cũng mong chờ chị về thăm bà ."
Cầm lá thư của chú thím trên tay,
Mai cảm thấy ấm áp lạ - vậy là cô cũng có gia đình, còn bà con dòng họ
thân thương luôn nghĩ nhớ về cô- mọi người đã yêu thương cô rồi. Trái tim Mai
đập rộn ràng trong lồng ngực, cô nhìn Quyên một cách trìu mến, biết ơn. Mai mỉm
cười. Một nụ cười đã hơn hai mươi lăm năm vắng bóng trên đôi môi thơ dại này.
Mai ôm hôn lên đôi má Quyên.
Bên ngoài khung cửa
sổ nhỏ nhìn ra con dốc - trời đã sáng.
T.M.N
Cùng tác giả T.M.N
Tags:
Trần Minh Nguyệt,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét