Nhận được cuộc điện của Nguyệt Ánh mời họp trường, họp lớp khiến Hoa bồi
hồi. Mới đó mà xa trường đã ba mươi sáu năm! Thời gian đủ dài cho người ta quên
đi nhiều thứ, và cũng đủ dài để người ta làm được nhiều việc. Với Hoa, tuy vẫn
chưa quên quá khứ, và cũng chưa kịp làm điều gì cho ra hồn, thế mà thoắt cái đã
già. Không già sao được khi bây giờ đã là bà nội, bà ngoại của mấy đứa nhóc, và
đã nhận thông báo nghỉ hưu của cơ quan. Nhưng nhìn lại mình, Hoa thấy đời mình
vẫn hoàn tay trắng.
Dĩ nhiên là Hoa rất mừng vì sẽ được gặp bạn bè sau chừng ấy năm. Chí ít
là cũng gặp được một số bạn mà nhiều năm qua Hoa chỉ nghe nói về họ. Nhưng Hoa
vẫn ngại, nhất là cô mặc cảm, bởi thấy mình tầm thường, kém cỏi trước bao bạn
bè thành đạt Cả đời lận đận, lúc này Hoa vẫn chỉ là một cô giáo nghèo, góa bụa, con cái cũng chẳng nên ông nên thằng,
làng nhàng với phận mưu sinh!
Sau bao lần tự vấn, cuối cùng Hoa vẫn quyết định đến dự họp lớp. Được
Nguyệt Ánh động viên, Hoa cũng có mặt gần đủ trong những buổi tập hát, chuẩn bị
cho lần hội ngộ. Nói tập hát, thực ra Hoa chỉ đến cho rôm rả, chứ Hoa nào biết
hát hò. Bạn cũ còn lại ở Quy Nhơn, tập họp được gần mười đứa, mà tập hát chỉ có
bảy. Thành ra Hoa cũng thu xếp để đến cho đông vui. Lớp cũ vẫn nhớ bài hát cũ
mà ngày xưa – trong đợt diễn văn nghệ của trường – lớp đã đạt giải Nhất, bài
“Du kích sông Thao”. Thế là tập lại bài hát ấy. Ngoài ra, Phan Lộc, nhạc sĩ của
lớp còn sáng tác một bài mới, chỉ có bốn câu mà hát điệp khúc mấy lần cũng hóa
ra dài, bài hát sẽ được chọn làm bài truyền thống của lớp là “Kỷ niệm ca 12B
Trưng Vương”. Hai cây văn nghệ, một ca sĩ – Nguyệt Ánh – và một nhạc sĩ của lớp xưa – Phan Lộc – làm trụ,
còn bạn cũ thì chủ yếu là “hét” chứ hát hò gì. Nhưng rất vui, và rất máu. Chiều
nào cũng tập, từ năm giờ, khi tan sở, cho đến tám rưỡi, khi điện thoại của đứa
nào cũng í ới reo tiếng chồng gọi, con hỏi bao giờ về, thì mới chịu tan hàng.
Nghe bạn bè hỏi thăm số liên lạc của mấy đứa để gọi về họp lớp, Hoa cũng
cung cấp thông tin về vài người bạn mà Hoa vẫn thường gặp. Đào Tâm ở Hoài Nhơn
đắn đo, cũng ngại vì thấy mình kém cỏi, không thành đạt, sợ bạn bè coi thường.
Nguyệt Ánh thuyết phục mãi, Đào Tâm có hứa sẽ cố gắng, nhưng rồi cuối cùng nhắn
tin bảo bận, không về được. Linh Quy ở Phù Mỹ bảo sẽ sắp xếp. Rồi Đức Phúc, Nhu
Liễu ở Tây Sơn, Phú Liễu ở Hoài Nhơn, Tào Văn Nghệ, Xuân Khuê, Bùi Kim Quy ở
Sài Gòn đều hứa sẽ về. Cảm động nhất là
cô giáo chủ nhiệm cũ, cô Tiên Tấn, nay đã bảy mươi tuổi, hiện ở Sài Gòn cũng
rất nhiệt tình, về cho bằng được để gặp học trò xưa.
Ngày họp trường, lớp cũ quyết định chỉ đến vào buổi chiều, mà không đến
nơi đông đảo, lên lại phòng học xưa, chụp mấy tấm hình lưu niệm ngoài hành
lang, vì phòng ấy giờ đã thành phòng chức năng, hình như là phòng vi tính, nên
đóng cửa. Tập họp mãi cũng chỉ được mười tám người, lớp trưởng Tào V. Nghệ bận
đi nhận bằng khen “Anh hùng Lao động thời kì đổi mới” nên không về được. Đức
Phúc kẹt với tour du lịch mà gia đình đã đặt trước nên cũng xin kiếu, gửi về
lớp cả một bài thơ tạ tội. Vây là cả
trò, cả hai cô giáo là hai mươi. Nhưng vui và cảm động quá. Hoa mừng là nếu
mình không đến, biết bao giờ mới được ngồi lại với nhau mà ôn kỉ niệm. Gặp
nhau, tay bắt mặt mừng, mắt ngân ngấn. Ba mươi sáu năm, một quãng dài, đủ để phủ
lên mái tóc một màu thời gian. Chợt nhớ câu thơ của Hạ Tri Chương đời Đường
“Hương âm vô cải, mấn mao tồi”(*). Nhìn nhau, dù trước mặt là một ông bụng phệ,
hay một bà trung niên trông đã hom hem, thì vẫn cứ nhớ như in cái thuở xưa,
thời áo trắng hồn nhiên, nghịch ngợm và vô tư trong sáng. Ai cũng vui. Hoa thấy
mình quên đi cảm giác ngại ngần, mặc cảm, mà trôi miên man trong hạnh phúc, cảm
xúc cứ đặc quánh, dâng đầy. Những thông tin về bạn cũ được thông báo nửa chính
thức, nửa là rù rì, bên bàn ăn. Nhiều bạn đã theo gia đình định cư ở trời Âu,
như Phạm T. Phương, Nguyễn T. Hương, Thanh Nga, Võ Thị Tâm, Võ T. Hồng, … Có
người bạn đã mất như Trần Hữu Cầu, mà hồi đó cả lớp vẫn trêu đùa là Tony Cầu vì
trông anh chàng rất cải lương như một kép hát. Có một số bặt tin, không ai biết
giờ ra sao. Chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện công việc, cứ gọi là rôm rả
kể, có thể rồi sau đó không nhất thiết phải nhớ, nhưng nhất định cứ phải hỏi,
phải kể. Cuộc hội ngộ rồi cũng phải tới
lúc chia tay, nhưng ai nấy vẫn bịn rịn. Cô giáo cũ xúc động, yêu cầu học sinh
cũ, cố gắng mười năm nữa tổ chức họp lớp để cô còn có dịp mà về. Mọi người rưng
rưng vì tình cảm của cô. Nhưng tận sâu thẳm trong tim từng đứa học trò, lo rằng
ngày ấy liệu ai còn ai mất, liệu cô có về được như lời hứa hôm nay.
Sau lần họp lớp ấy, khoảng hơn hai tuần,
Nguyệt Ánh lại thông báo gặp gỡ, với lí do lớp trưởng lần trước không về, nên
lần này lại nhờ Nguyệt Ánh tập họp, để được gặp gỡ, tạ lỗi với lớp. Tuyển ở Sài
Gòn, gọi điện mãi cho Hoa, bảo muốn về lắm, nhớ các bạn nhiều nhưng không sắp
xếp đươc, tiếc quá. Hoa phải hứa đi hứa lại với Tuyển, sẽ kể chi tiết cuộc gặp
mặt để cô nàng được tường tận. Lần họp thứ hai, chỉ có bạn bè, nên hòa đồng
hơn, không phải giữ gìn như bữa có cô giáo. Bao nhiêu tình cảm lại có dịp tỏ
bày. Lần họp này thiếu một số bạn không
về được như Phú Liễu đi chữa bệnh, Linh Quy bận, hay Đăng Hải công tác ở Bồng
Sơn, không thể về. Nhưng lại có thêm Ngọc Xuân, lớp trưởng Tào V. Nghệ và mấy
vị khách mời, như P.V Nguyện, Văn. T Hồng vốn là “người ấy năm xưa” của Đặng
Hòa, Văn Nghệ… Ai cũng thấy thoải mái, hình như không có ranh giới giàu nghèo,
thành đạt giữa bạn bè cũ. Hoa nghĩ thế. Bạn bè ôn lại kỉ niệm, rồi trao đổi tâm
tình bằng những bài thơ tự sáng tác. Các bạn cũ, nhiều người rất giỏi, và văn
nghệ thì cũng hết mình. Đặc biệt anh chàng cựu lớp trưởng họ Tào, tuy là người
thành đạt nhất, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp Hội khách sạn Việt Nam, là giám đốc
của hai khách sạn lớn nhất Sài Gòn là Rex và Majestic, nhưng trông thật giản
dị, hòa đồng. Anh chàng thật giỏi ứng đối, câu nào nói ra cũng có thể ứng tác
thành thơ, rồi ngâm nga, giọng vẫn truyền cảm, ấm áp như ngày nào. Nhờ có họ
Tào mà buổi gặp gỡ sôi nổi vô cùng.. Dường như vẫn còn lưu luyến, trước khi
chia tay đêm ấy, mọi người lại rủ nhau hôm sau thuê một chiếc xe chở cả nhóm
lên Tây Sơn, ghé thăm dinh cơ của Nhu Liễu và Đức Phúc. Hoa cùng một số người
hiện là giáo viên không thể đi vì còn phải dạy. Đặc biệt trường Hoa hôm sau là
Hội nghị Cán bộ Viên chức nên không thể vắng mặt, đành rất tiếc vì không góp
vui với bạn bè. Xuân Khuê cũng phải bay về Sài Gòn hôm sau, vé đã đặt nên không
hoãn được. Nghe kể lại, buổi đi chơi lên Tây Sơn ấy rất vui. Rất quậy. Hoa
nghĩ, cuộc đời quá ngắn, mới đó mà đã
một đống tuổi trên đầu, liệu còn sống mấy lâu nữa mà không vui đi.
Hai hôm sau buổi đi chơi của các bạn, Nguyệt Ánh lại nhắn tin cho Hoa,
nội dung thông báo rất đáng sợ: Xuân Khuê tai biến, đã nhập viện ở Sài Gòn!
Trời ạ, mới gặp lại Khuê bữa vừa rồi. Mà ba mươi sáu năm mới gặp. Bây giờ lại
nghe tin ấy, không đau lòng sao được. Hoa nhớ bữa tập họp, Hoa ngồi cạnh Khuê.
Anh chàng vẫn đẹp trai, phong độ, có vẻ phong trần tí xíu. Nhớ hồi lớp 12, anh
chàng là trung tâm, là sự kiện để bọn con gái của lớp tăm tia. Nhưng hồi đó, có
cô bạn trong lớp, vì học giỏi, năng động, đẹp gái lại hay cùng Khuê làm công
tác chung của lớp nên đùng một cái họ thành đôi. Bọn con gái trong lớp ngẩn
ngơ. Nhưng rồi đôi uyên ương ấy lại không sống bên nhau trọn đời. Họp lớp, cả
hai vẫn về, và dù đã có một con chung, nhưng giờ thì đường ai nấy đi, họ đã có
gia đình riêng, và đối với nhau như bạn.
Đám bạn ở Quy Nhơn nghe tin Khuê bị đổ bệnh, đứng ngồi không yên, suốt
ngày phôn cho nhau hỏi thăm tin tức. Hoa gọi điện cho Tuyển ở trong ấy, thông
báo để Tuyển đến ngay bệnh viện thăm Khuê. Nhóm bạn định cử vài người vào thăm,
nhưng Nghệ nhắn về cho biết Khuê bị tai biến nhẹ, hiện đã qua cơn nguy hiểm,
dần phục hồi. Ơn Trời! Hoa nghĩ, mấy chục năm qua, có thể không ai biết tin
nhau, mặc cho bao điều biến thiên của cuộc sống. Nhưng giờ đã gặp lại, nghe tin
ai mà chẳng lo lắng. Mấy lần Hoa gọi điện vào máy của Khuê, lần thì gặp con
gái, bảo ba đang ở viện để bác sĩ theo dõi. Lần thì gặp vợ, bảo Khuê đang tập
vật lí trị liệu. Mỗi lần nghe thông tin gì, Hoa lại báo lại cho các bạn. Nguyệt
Ánh trở thành Trung tâm kết nối thông tin liên lạc, trụ sở là nhà cô nàng.
Thỉnh thoảng, đổi địa điểm, nhóm bạn lại rủ nhau đến quán cà phê của vợ chồng
Công Phú vừa gặp gỡ, vừa để ủng hộ cho quán. Tự nhiên, những người bạn cũ, giờ
đã già lại thân nhau, gần gũi với nhau
như thuở nào.
Vài hôm trước, Nguyệt Ánh lại nhắn tin cho Hoa: gửi địa chỉ email cho
Khuê để Khuê liên lạc. Ơn Chúa! Vậy là Khuê đã hồi phục. Hoa mừng đến run lên.
Vội vàng tìm số phone của Khuê để gửi địa chỉ email của mình, với hi vọng là
được đọc những dòng tin báo đã bình phục của Khuê. Không thể tin là Khuê lại
khỏe nhanh như thế. Bây giờ đang nằm dưỡng bệnh, anh chàng nhớ bạn nên liên lạc
với mọi người. Khuê đã gửi cho Hoa rất nhiều câu chuyện thú vị anh chàng sưu
tầm được, để cùng đọc và suy ngẫm. Ngày nào, mở máy, Hoa cũng kiểm tra hộp thư,
để được đọc những dòng tin của Khuê, để được trao đổi về những mẫu chuyện hay.
Những kết nối giữa bạn cũ lại tiếp tục. Có lẽ cuộc đời vẫn đẹp sao sau
bao nhiêu giông bão!
T.T.H
(*)Tạm dịch: Giọng quê nào đổi, bạc
đà hơn râm. Trong bài: Ghi chép ngẫu hứng khi tìm về làng xưa (laiquangnam
dịch).
Rất vui khi đọc bài tâm tình dày đặt cảm xúc này...Thời gian sao chóng qua. Bước đi của nó để lại bao nhiêu là dấu vết, bao nhiêu là kỉ niệm khiến khi gặp nhau không biết đâu là đầu cuối để kể cho nhau nghe.
Trả lờiXóaVà nhóm bốn người "ngụy tặc" của tụi mình hồi ngồi Cao đẳng sư phạm cũng đáng nể mặt đấy chứ!
Hoa ơi, 34 năm dạy học thì làm sao có thể nói Hoa vẫn hoàn tay trắng được. Hoa có rất nhiều đấy! Mình nói thế không phải là cách nói động viên đâu. Bởi theo mình, tiền bạc của cải kể cả danh vọng đều như bọt biển, có đấy rồi tan đấy thôi. Đọc những dòng cảm xúc của Hoa, mình thấy Hoa như đang chia sẻ với bạn bè chữ tình thật dạt dào sâu nặng từ thuở còn ngồi ghế nhà trường phổ thông cho đến bây giờ với bao suy tư, trăn trở...
Trả lờiXóaBài viết này tựa như lời tâm tình của tác giả với cảm xúc dâng trào. Thời áo trắng bao giờ cũng trong trẻo và đầy ắp kỷ niệm. Được gặp nhau khi tóc ngã màu sương thì thật hạnh phúc. Cám ơn tác giả.
Trả lờiXóaĐọc bài viết “Bạn cũ” của chị TTH, em rất xúc động về cái “tình bằng hữu” thấm đẫm trong đời !Làm em nhớ lại quảng thời gian em bị tai biến,liệt nửa người không nói được ,nằm gần 3 năm ở BVYHDT Sài Gòn ,bên cạnh bè bạn, người thân…Chị làm em muốn rơi nước mắt…
Trả lờiXóaChị có cả những cái mà người khác không có vì nó hơi trừu tượng chỉ cảm nhận bằng trái tim thâu ! (cừ)
Những cái ấy nó thả đầy , ẩn hiện trong bài viết của Chị ! Chúc vui !
Bài viết như một lời độc thoại cứ rủ rỉ tâm tình... mà gợi lên nhiều cảm xúc! Bà bạn của tôi cũng sâu nặng tình nghĩa đấy chứ! Thèm được đọc bài viết như Hoa lắm để gợi lại một thời áo trắng!
Trả lờiXóaThực tình, Hoa chỉ ghi lại những cảm xúc đong đầy của dồn nén 36 năm xa bạn bè, trường lớp. Gặp lại nhau, soi vào mắt nhau để thấy mình đấy. Có lẽ những năm tháng còn lại, mình trở nên lẩn thẩn, cứ như muốn sống lại quá khứ, trôi trong kỉ niệm xưa.
Trả lờiXóaChân thành cảm ơn những chia sẻ của các bạn. Chúc tất cả chúng ta sống vui.