Trời mưa như trút nước. Những cơn
mưa chợt đến rồi chợt tạnh vào buổi chiều sao mà giống với cái nhịp sống ồn ã
gấp gáp ở thành phố này đến vậy. Tôi và cậu em trai xuống xe ở đầu con hẻm
đường Trần Quang Diệu- một trong những con đường không thay đổi tên sau 75 ở
Sài Gòn- đi sâu vào bên trong để tìm
đúng số nhà cần tìm. Nơi ấy có một con người mà chị em tôi nóng lòng muốn gặp
lại sau bao nhiêu biến cố đã xảy ra.
Không phải tìm lâu, chúng tôi đã đứng
trước một căn nhà tầng khang trang quen thuộc. Tôi bấm chuông, chờ đợi. Một
người đàn ông trạc bốn mươi tuổi ra mở cửa:
- Xin lỗi, anh chị hỏi ai?
- Chào anh, em là Tùng, bạn của
Ngọc đây mà, anh đã quên rồi sao?
Sau giây phút hơi bất ngờ và thoáng chút
cau mày để nhớ lại, anh Kim- tên của người đàn ông ấy- cũng là ông anh cả của
Ngọc đã nhận ra tôi:
- Anh xin lỗi vì lâu ngày quá, lại
cũng không ngờ. Em vô bao giờ, đến thăm Ngọc phải không? Các em vào nhà đi.
Tiếp chúng tôi ở gian phòng khách tầng trên, những người thân của
Ngọc vừa mừng vừa tủi. Có lẽ “ tủi” nhiều hơn. Hai người anh với nét mặt buồn
bã, ít nói về Ngọc mà nhường lời cho người cha. Tôi thật sự không thể hình dung
nổi chỉ trong một thời gian không lâu mà ba của Ngọc lại sa sút tiều tụy đến
thế, thấy rõ nét khắc khổ và già đi rất nhiều. Mẹ của Ngọc cũng vì đau buồn kéo
dài mà sinh bệnh mới qua đời cách đây hai năm. Nhà chỉ có một cô con gái và đặt cho cái tên “Châu Ngọc” là đủ biết cô được yêu chiều đến
thế nào. Vậy mà ...
* *
Chúng tôi đi theo người cha xuống
lại cầu thang tầng trệt rồi đến hành lang
đi ra một căn phòng nhỏ gần toa-lét. Hình như trước đây căn phòng này là
một cái kho chứa đồ của nhà bếp, bây giờ biến thành “phòng biệt giam” có những song sắt hệt như nhà
tù. Người cha hướng mặt về căn phòng đó nói với chúng tôi:
- Đó, Ngọc ở trong phòng này, bác
phải xích lại từ hơn một năm nay rồi.
Khi nhìn vào trong phòng, tôi hết sức ngỡ
ngàng trước sự thay đổi của Ngọc. Vóc dáng mảnh mai ngày nào không còn nữa mà
thay vào đó là một thân hình sổ ra như một người đàn bà mới sinh con. Quần áo
thì xộc xệch, nhàu nhò và một mùi ngai ngái thoảng đưa qua mũi. Nén xúc động,
tôi tiến đến sát bên song sắt ngăn cách căn phòng với bên ngoài, nhìn thẳng vào
khuôn mặt vô cảm của Ngọc, hỏi :
_ Mình và Tân vào thăm Ngọc đây, nhỏ
có nhớ mình là ai không?
Không có một chút tín hiệu nào cho sự
trả lời.
Tôi và cậu em còn cố gắng hỏi thêm vài
câu nữa nhưng chỉ là một sự im lặng vô tri, vô giác.
Không biết làm sao hơn, tôi đành mở túi
xách lấy ra quà bánh và trái cây định trao cho Ngọc thì đến lúc này đôi mắt vô
hồn kia chợt sáng lên và không đợi tôi kịp nói gì cô bạn đã vội thò tay ra
ngoài song sắt kéo vội các thứ về phía mình. Mọi việc xảy ra nhanh đến mức cậu
em tôi chỉ kịp vội quay mặt đi còn tôi thì đứng chết sững trong sự kinh ngạc và
đau xót đến tột cùng.
Trời ơi! Sao bạn tôi lại ra nông nổi
này? Điều gì đã làm cho một con người hay dỗi hờn, rất dễ bị tổn thương, tâm
hồn lại vô cùng nhạy cảm như Ngọc đã trở thành một con người chỉ còn biết sống
hoàn toàn theo bản năng như thế này? Nhìn Ngọc ăn ngấu nghiến, vội vàng như sợ
ai tranh mất tôi như tê liệt mọi cảm
giác và chỉ trong thoáng chốc thôi, tôi đã hình dung bao nỗi thống khổ mà cả
gia đình bạn tôi đã phải gánh chịu. Và giờ đây, lúc xế chiều, ba của Ngọc đáng
lẽ được sống yên vui trong sự chăm sóc của con cháu thì ngày ngày phải lo đưa cơm và còn phải làm
những việc tế nhị, khó khăn nhất đối với một người cha cho sự tồn tại của đứa
con gái yêu đã hoàn toàn mất trí, điên loạn! Hoàn cảnh gia đình lúc này đã sa
sút nên cũng không còn ai có thể làm thay được cả. Vả lại, vì quá xót thương
con mà ông muốn làm vậy cũng nên. Có lẽ đã chứng kiến tất cả sự việc từ đầu nên
ông bảo tôi:
- Nó không còn nhận ra ai nữa
cháu à, đã quên hẳn rồi, không biết, không hiểu gì nữa đâu. Mới đầu bạn bè còn
đến thăm nhưng riết rồi họ cũng nản lòng mà thôi luôn rồi.
- Còn người kia- cái anh chàng
phóng viên nhà báo đó, có đến thăm không hở bác?
- Có đến một lần khi Ngọc vừa
phát bệnh rồi bặt tăm luôn- ba Ngọc nói sau một tiếng thở dài.
Tôi nghe như có một tảng đá đang đè
nặng trong lồng ngực rất khó thở. Hỏi thăm thêm về diễn biến bệnh trạng của
Ngọc một hồi nữa rồi chúng tôi mới xin cáo từ.
* *
Ngọc không đẹp nhưng có nét ưa nhìn,
nhất là đôi môi đầy đặn với nụ cười cởi mở và có duyên ngầm. Chúng tôi quen
thân nhau khi học cùng lớp ở đại học Vạn Hạnh ngày ấy. Bộ ba Thủy Tùng- Châu
Ngọc- Trúc Đào chơi thân nhau với một tình bạn trong sáng, không gợn chút gì
của sự đố kị thường tình vẫn hay xảy ra với bọn con gái. Điểm đặc biệt để mọi
người chú ý đến Ngọc là sự tài hoa của cô ấy. Gia đình Ngọc quê gốc ở Tam Kì-
Quảng Nam, vô Sài Gòn từ lâu nên giọng nói của Ngọc là sự pha trộn âm hưởng của
nhiều vùng nhưng lại rất nhẹ nhàng, êm ái. Tiếng hát của Ngọc đúng là của trời
cho, vút cao trong trẻo, luyến láy một cách ẻo lả rất cuốn hút người nghe. Đã hát hay lại có
ngón đàn tranh tuyệt diệu. Tôi vẫn thường theo bạn về nhà để được ngắm những
ngón tay thon dài mềm mại lướt trên phím đàn, đưa hồn tôi phiêu lãng vào thế
giới của những giai điệu tự tình lãng mạn, nên thơ thời tiền chiến như Tình nghệ sĩ, Tiếng xưa, Thiên thai, Trăng
mờ bên suối*…và còn nhiều nữa.
Không hiểu vì sao mà Ngọc rất
thích bản “Áo anh sứt chỉ đường tà”, nhạc Phạm Duy được phổ từ bài thơ “Màu tím
hoa sim” nổi tiếng của Hữu Loan. Chẳng lẽ đây là một điềm gỡ? Nhưng cô gái xấu
số yểu mệnh trong câu chuyện tình ấy là người được yêu mãi mãi cơ mà. Đây cũng là ca khúc mà Ngọc đã thể hiện xuất
thần trong đêm hội diễn văn nghệ toàn khoa Việt Hán ngày ấy. Tiếng hát đầy sức
truyền cảm, ngón đàn tranh thanh thoát ấy đã làm cậu em tôi mê mẩn và không
biết cái gì đã xui khiến cậu tỉ mẩn vẽ nên bức tranh để tặng cho cô nàng mà cậu
phải gọi bằng chị. Sau đó, không hiểu sao Ngọc cũng tặng cho cậu em tôi chính
cây đàn tranh ấy- một vật gần như bất li thân đối với một người chơi đàn- để
đáp lại lòng ái mộ nồng nhiệt của cậu ta. Tôi nhớ lại tất cả những điều đó để
càng không hiểu vì sao lại ra nông nỗi
này. Hình ảnh cô bạn vồ vập lấy túi quà đã ám ảnh tôi như một nỗi đau đi
sâu vào tiềm thức.
Về lại quê, tôi lục tìm trong “góc
tàng thư” những bức thư, hình ảnh mà chúng tôi đã gởi cho nhau trong những năm
tháng ấy. Tôi đi tìm một lời giải thích cho căn nguyên của vấn đề. Nhất định là
phải có căn nguyên chứ không thể như thế được.
Ngọc rất siêng viết thư cho tôi, có
chuyện gì cũng chia sẻ tâm sự với giọng
kể lúc nào cũng pha chút dí dỏm rất riêng không lẫn với ai được. Có thư Ngọc
khoe “Nhà ta lúc này rất vui, những người
bà con và bạn bè của họ sau hai mươi năm trở về hay đến chơi, nhiều người làm lớn trong thành phố này
nhưng tiếc rằng chỉ toàn là những bậc anh tài trên năm mươi tuổi vợ con đề huề cả rồi, đâu còn chỗ cho ta chen
vào. Tuy vậy cũng phải cảm ơn ông cậu ruột đã bảo lãnh cho ông anh nhà ta sớm
được ra khỏi trại cải tạo…”. Ở một thư khác, Ngọc lại kể: “T còn nhớ anh chàng “nhà sư” đa tình không,
thì ra Thức cạo trọc đầu để trốn lính và “nằm vùng”, bây giờ đang làm chức
to, bọn ta đang lo không biết có ai nói
gì bị ghi vô sổ đen không?(Thức rất cảm mến Ngọc, hay giúp đỡ cô ấy học chữ
Hán)
Sau khi ra
trường, tôi thường kể chuyện vui buồn, những phong tục hay, lạ của đồng bào
thiểu số nơi tôi dạy học (trong đó có chuyện những cô gái Bana yêu ai là tặng
vòng đeo tay cho người đó) và sau lần ấy thư hồi âm của Ngọc đã bắt đầu có sự
xuất hiện của một con người đã làm thay đổi cuộc đời cô – một bóng đen của đời
Ngọc thì đúng hơn.
… “Theo
ý T,
nếu Ngọc là một trong những gái sông Ba ấy thì nên tặng vòng cho ai? Nhớ
cho biết với nghe, cậu Đại nhà ta nhắn với T rằng: “Ngày nào còn “tiểu tư sản”
là ngày ấy còn phong trần đấy, liệu hồn”. T
biết không, hắn dám qua mặt chị hắn bởi lúc này hắn có bạn gái tới nhà
đều đặn, chẳng những một mà hai, ba, bốn v…v…Mỗi người một vẻ, hippy cỡ Thái Hiền, yêu cỡ gái Bana, ta được các em
nhắc nhở với Đại rằng thương chị Ngọc hết sẩy! Cậu em còn rỉ tai ta: “Chị đừng có bồ với ai hết nghe, con
trai khôn lắm, em không muốn chị khổ vì người nào!!!”
T
thử nghĩ xem có ngược đời không. Tuy vậy hắn đã làm khổ Lâm Nhật Minh
hết mấy tô bò viên, kem 4 mùi Phương Lan, kẹo bơ Hà Nội, xì gà Cu-ba, con tim
chân chính của gã…để đổi lại cái mặt đưa đám ma của Ngọc dù gã đã cải tạo ta
hơi nhiều về chủ nghĩa xã hội đại đồng. Trên tay ta còn nguyên những vòng tròn
T ạ, chắc khó lòng lên chức má lắm. Bà
cụ nhà ta bực mình vì cái pho tượng vô tri giác của bả bằng cái bĩu môi: “Để
tao xem tới chừng nào, coi chừng bị trời phạt con ạ…”
Không hiểu sao mà lời thư cứ như
là điềm báo của số phận vậy. Ngọc còn gởi kèm trong thư một bài báo do Lâm Nhật
Minh viết để tôi đọc chơi. Đó là một
anh chàng phóng viên người Hà Nội rất phong nhã mà cô quen biết trong một dịp: “Tổ Quốc văn của trường phát động phong trào
bán báo Đảng mà Ngọc được bình chọn
là cá nhân xuất sắc vì là người bán chạy nhất”. Nhưng cho đến lúc này, theo
như trong thư đã kể tình cảm vẫn chưa biểu hiện rõ ràng nếu không muốn nói là
còn khép kín.
Sau đó, tôi đặc biệt chú ý một bức thư sau ngày lễ Giáng sinh, Ngọc báo
tin vui:
… “Ta
chưa bao giờ có một đêm Noel tuyệt vời như vậy,
vì sao T biết không, là vì “Lọ
Lem ta đã gặp được hoàng tử. Chiếc vòng đeo tay đã tìm được người để tặng rồi đó…”
Như vậy có nghĩa là Ngọc
đang yêu, được yêu và đắm chìm trong cái thiên đường dịu ngọt ấy. Bẵng đi một thời gian không thấy thư của
Ngọc, tôi cũng bị cuốn đi trong bộn bề của đời sống, cứ tưởng cuộc tình ấy sẽ
đơm hoa kết trái bằng một tấm thiệp hồng. Nhưng sự đời đâu ai học được chữ ngờ.
Một ngày nọ có thư của Trúc Đào báo tin: “Ngọc
bỏ học vì bị bồ đá, bạn bè ai đến thăm cũng không tiếp, suốt ngày giam mình trong
phòng không thiết ăn uống gì hết, ngay cả người trong nhà cũng không muốn gặp”.
Vì là bạn thân nên Đào cố công tìm hiểu và được người thân của Ngọc cho
biết là anh chàng nhà báo nọ đã có người yêu và họ sắp làm đám cưới ở Hà Nội.
Nếu chuyện chỉ có vậy thì đâu có gì đặc biệt và lạ lùng. Có lạ chăng là anh ta
đã làm những gì để Ngọc tin tưởng mà trao cả trái tim cho “hoàng tử của lòng
mình”. Có thể anh ta muốn tự khẳng định bản lĩnh của mình, chứng tỏ đang sáng
giá trong mắt cô người yêu kia, hoặc “yêu” tham lam mà không hề nghĩ đến hậu quả
chẳng hạn. Qua lời kể của ba Ngọc, anh ta có đến thăm Ngọc một lần duy nhất sau
khi Ngọc phải bỏ học. Cũng phải thôi, thăm nữa làm gì, không khéo sẽ bị liên
lụy. Do Ngọc không còn lòng dạ nào để làm bất cứ việc gì nên gia đình phải gởi
vào một ngôi chùa quen, những mong không khí thanh tịnh nơi cửa Phật sẽ giúp
cho cô tìm lại sự bình ổn trong tâm trí. Thế nhưng “tâm bệnh” của cô ngày càng
trầm trọng và gia đình lại phải đưa vô nhà thương Biên Hòa điều trị cho đến khi
mọi việc không thể cứu vãn được nữa nên đành phải đem về nhà. Ngọc đã mất trí
hoàn toàn vì một cú sốc nặng .
Phải chăng tâm hồn cô quá mong manh,
nhạy và căng như một sợi dây đàn nên đã đứt phăng sau một đau khổ và tổn thương
quá lớn, quá bất ngờ? Có phải vì quá lí tưởng và kì vọng vào tình yêu mà Ngọc
đã gục ngã trước thực tại phũ phàng? Những câu hỏi cứ lởn vởn mãi trong tôi mà
không có câu trả lời xác đáng? Người duy nhất có thể trả lời cho tôi
thì đã đánh mất phần người- phần hồn thánh thiện trong cô để chỉ còn lại
phần xác như những loài động vật khác, chỉ còn biết đói ăn, khát uống. Sau lần
đi thăm ấy đến mười năm sau tôi trở lại thì Ngọc đã qua đời ở tuổi ba mươi sáu.
Thế là đã được giải thoát khỏi kiếp trầm luân.
Trước bàn thờ Ngọc, tôi trầm ngâm rất
lâu và lầm thầm khấn nguyện:
“Nếu
có kiếp sau thì phải cẩn thận hơn, phải có sức đề kháng nghe nhỏ. Anh ta chỉ là
một hoàng tử giả hiệu thôi mà - cũng giống như một thứ virut – cùng lắm chỉ giết chết tình yêu chân thật của nhỏ đối với
anh ta và cũng sẽ nhanh chóng xóa hết
hình ảnh không đáng nhớ ấy mà thôi. Thời
gian sẽ phôi pha, rồi nhỏ sẽ có cơ hội làm lại từ đầu, chứ sao lại để hủy hoại
cuộc đời mình, để lại đau buồn, phiền lụy cho những người thân yêu như thế, hở
nhỏ? Cầu mong linh hồn bạn được khuây khỏa trong thế giới của tiếng hát, tiếng
đàn kì diệu ngày nào”.
N.Đ.T
*
Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn, Tiếng xưa của Dương Thiệu Tước, Thiên thai của Văn
Cao, Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét