CUỘC TÌNH NGHIỆT NGÃ (Chương 11) - Tiểu thuyết Nguyễn Khoa Đăng
Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017
Thực ra chủ nhật này Diệp Mỹ không phải dẫn khách du lịch đi đâu cả. Cô không về thăm mẹ chỉ vì muốn được ở lại cơ quan để đóng cửa phòng lại, vùi đầu vào gối mà “khóc cho đã” như cô thường nói với bạn bè. Hôm nay là ngày Hào đã về đến đây sau nửa năm trời hai đứa xa nhau. Nếu như mọi ngày, khoảng cách giữa cô và Hào là hàng ngàn cây số, là hàng trăm ngọn núi, hàng chục con sông thì giờ đây chỉ còn là mấy dãy phố, một cây cầu, chỉ mươi phút đạp xe hoặc vài giây máy điện thoại là cô có thể gặp anh được rồi.
Thế mà giờ đây cái tấc gang đó lại là một biển trời xa cách… Càng nghĩ, Diệp Mỹ cang đau xót, càng thấy nước mắt ở đâu cứ chảy ra ướt đầm cả mặt gối. Nhất là từ hôm qua tới nay, sau khi Mỹ sai thằng Định đem một bao bì lớn toàn thư với ảnh kỷ niệm để trả lại cho Hào thì Mỹ thấy lòng mình trống một khoảng tưởng không có gì bù đắp được. Thế là từ nay cô không có Hào, từ nay cô sẽ không còn cái bâng khuâng của những buổi chiều nhớ nhung xa vắng, không còn cái thú hồi hộp mỗi buổi sớm mai ngồi trong văn phòng cơ quan nhìn ra thấy ông bưu điện đạp cái xe là-cà-tèng có hai chiếc túi bằng vải bạt mắc sau pooc-ba-ga đến đưa thư báo mà cô thầm đoán rằng trong cái chồng thư xanh xanh đỏ đỏ kia sẽ có một lá thư của Hào gửi từ Hà Nội cho cô. Ôi! Không có tình yêu làm sao con người ta sống nổi… Cô nghĩ thế và cô lại khóc… Cô nhớ lại mấy tháng trước, Hào có một lần về phép. Anh về đột xuất và cô thì lại bận dẫn khách đi xa nên hai người không gặp được nhau. Nhưng cũng từ lần ấy, một nỗi buồn cứ như vết dầu loang mãi trong quan hệ giữa hai người. Nhiều người nói với cô lần ấy Hào về là để tìm hiểu Lệ Thủy. Ông Trắc cũng đã bắn đến tai Mỹ cái ý ấy. Nhưng Mỹ không tin chuyện kia là có thật… Song cách đây vài hôm khi ba cô nói thẳng với cô rằng ông Nguyễn Trắc có nói với ông là dứt khoát ông sẽ hỏi Lệ Thủy cho Hào, rằng “Diệp Mỹ hãy tha thứ cho cháu ông” thì vì tự ái cô lại tin vào điều đó. Rồi đến khi Diệp Mỹ thấy ông Trắc mưu mẹo xếp đặt cho Lệ Thủy lên tận sân bay đón Hào thì cô hoàn toàn tin điều bất hạnh trên là sự thật. Vì thế cô quyết định cắt đứt với Hào. Cắt để lòng đau như… cắt. Cô tưởng thế lòng sẽ nhẹ đi, ai ngờ nó lại ngày một nặng nề thêm. Rồi dần dà một ý nghĩ khác lại len lỏi đến. Hay là cô nghi oan cho anh? Và cái chuyện kia chỉ là sự bày đặt của ông chú? Vậy thì đúng là cô quá đáng rồi, tự tay cô đã đập vỡ hạnh phúc của cô. Bây giờ cô phải sửa chữa ngay sự bồng bột đó. Nhưng sửa chữa bằng cách nào? Chả nhẽ chạy ngay đến nhà Hào xin lại bức thư. Không! Không thể như thế được. Thành ra từ hôm qua tới giờ cô rất hối hận. Chỉ nằm khóc một mình và ước mong một điều mà ngay cô cũng thấy khó có được: Ấy là việc Hào thân hành đến thăm cô và giải tỏa những mắc míu cho cô.
Biết là khó nhưng cô vẫn cầu mong Hào đến, đó là tâm trạng của cô suốt ngày chủ nhật này. Từ đó mỗi lần có tiếng điện thoại gọi, cô đều nghĩ đó là của Hào. Nhưng rồi đã hai lần điện thoại làm cô thất vọng.
Lần thứ nhất là anh chàng Sang, lái xe của công ty nhắn với cô rằng cái khoản ấy ở đảo đã đưa về, khoảng 5 giờ chiều nay anh ta sẽ đem xe lại đón cô đi ra điểm hẹn. Anh ta còn nhắc cô phải ăn mặc cho thật xịn vào và phải đi đứng làm sao cho thực sự ra một cặp tình nhân để khỏi bị nghi vấn.
Cô đã khước từ lời yêu cầu đó với một lý do đơn giản là cô mệt.
Lần thứ hai là của thằng cha Cáo mà đồng bọn thường gọi là Cáo già. Y hỏi cô đến khi nào thì có đoàn xe lên biên giới… Cô có nói cho nó nghe rõ ngày giờ. Rồi nó còn hẹn cô đến chỗ nó vào lúc 8 giờ tối của đêm hôm trước ngày đi. Việc này cô đã nhận lời vì nó không xảy ra trong ngày hôm nay.
Lần thứ ba thì đích thật là điều cô trông đợi. Hào đã gọi điện thoại cho cô. Cô nghe rõ hơi thở của anh trong máy. Cô nghe mà như muốn reo to lên. Trời ơi, thế ra anh không giận cô, vẫn còn yêu cô. Chả vậy mà tiếng anh nghe lắp bắp, đứt đoạn như không thành lời. Anh cũng hỏi thăm sức khỏe và công việc của cô. Trời, tim cô muốn thắt lại. Nước mắt ở đâu cứ chảy ra dàn dụa khiến mấy đứa cùng phòng phải cười rũ ra “Ghét nhau cho lắm rồi mà thương nhiều”.
Anh hẹn với cô sẽ đến thăm cô vào 7 giờ tối nay và xin được cùng cô dạo ngoài bãi biển. Cô nhận lời và bây giờ là lúc cô nóng lòng đợi anh tới. Ôi, thời gian chờ đợi nó mới dài, mới nặng nề làm sao. Hết vào lại ra, hết ra lại vào mà vẫn không thấy chút nào yên tâm cả. Bỏ sách ra đọc nhưng đọc không nổi. Đem quần áo ra ủi thì mới vừa cắm phích điện lên đã thấy ngại không muốn làm. Mỹ nghĩ đến việc trang điểm. Từ khi chuyển đến ngành du lịch đến giờ công việc bắt cô phải quan tâm đến chuyện này. Lúc đầu cô thấy ghét, thấy ngại nhưng dần dần thấy quen và thấy thích. Nhất là mỗi khi cô phải đi với đoàn nước ngoài hoặc Việt kiều về nước. Họ ăn mặc lịch sự, phấn son đàng hoàng mà chả lẽ mình cứ nhem nhuốc mãi! Rồi lại thêm từ khi cô dính vào cái dịch vụ riêng ấy, không trang điểm không được. Mỹ đã cầm lấy hộp phấn nhưng lại bỏ xuống vì chợt nhớ ra Hào không phải là người ưa những thứ này. Anh rất thích cô cứ để nguyên cái đẹp thực chất, cái đẹp mộc mạc của cô… Thôi, thì sửa sang sơ sơ vậy. Mỹ vừa đưa thỏi son tô nhẹ lên môi thì ngoài hành lang có tiếng con Lý, làm cùng phòng hướng dẫn với Mỹ, nói oang oang:
- Chào anh Hào! Quà Hà Nội em đâu! Mà này làm sao mới về đã làm người ta khóc hết nước mắt vậy? Bây giờ tới nhận tội đó phải không? Con Diệp Mỹ dặn em là nó không tiếp đâu!
Diệp Mỹ thấy tim mình như nghẹn lại. Cô hồi hộp ra đứng bên cánh cửa.
Hào vào. Phút gặp nhau của những người đang giận nhau là phút buồn cười nhất. Hai cặp mắt không dám nhìn vào nhau. Hai cái miệng cứ múm mín nửa muốn nói, nửa không. Những cánh tay thấy thừa và những bàn tay đâm ra vụng về, lóng ngóng.
Hào biết lúc này anh phải là người chủ động để phá cái thế ngặt nghèo này đi:
- Em giận anh lắm phải không?
Anh đặt tay lên vai cô. Còn cô không đáp lại mà… Cử chỉ đầu tiên là khóc… Cô cũng chẳng cần lau đi những giọt nước mắt ấy, cứ để mặc cho nó chảy dòng dòng ra hai bên má.
Một lúc sau thì hai người đã đứng bên bờ biển, nơi có bờ kè đá chạy theo hình cánh cung. Lúc đầu hai người ngồi trên cái kè đá ấy nhưng sau sóng đánh mạnh quá làm hất lên mặt, lên quần áo những giọt nước lạnh nên phải chuyển nhích về phía trong nơi có một bãi cỏ xanh đang lên mơn mởn.
Phía trước mặt họ là biển mà lúc này họ nhận ra được là nhờ tiếng sóng ì ầm, ở những ngọn đèn đánh cá đêm thấp thoáng ẩn hiện, ở hơi nước mằn mặn lẫn trong gió. Còn ngoài ra chỉ một màu đen kịt. Trong khi đó thì sau lưng họ lại là biển ánh sáng của một thành phố đang ở vào giữa lúc mọi hoạt động của nó trở nên sôi nổi nhất.
Hào tháo dép, một chiếc để lại cho anh, còn chiếc kia đưa cho Diệp Mỹ ngồi.
Diệp Mỹ lặng lẽ đặt chiếc dép ngồi xa Hào một quãng mà cô cho là cần thiết. Rồi từ đấy, nỗi giận ban chiều mà khi Hào tới tưởng đã làm tan đi được giờ trở lại với cô, khiến cô muốn bỏ anh về thẳng lúc này. Giữa lúc đó cô nghe Hào cất tiếng hỏi:
- Em giận anh lắm phải không?
Anh vừa ngồi nhích gần lại, vừa định đặt tay len vai cô thì đã bị cô hất mạnh ra.
- Em giận anh lắm phải không?
Anh lại hỏi cô lần nữa. Giá mà anh đừng hỏi thì thôi, có thể làm cô nguôi đi được. Đằng này câu hỏi lại càng làm dấy lên trong cô một nỗi đau mà cô tưởng đã tạm êm dịu.
- Ai dám giận anh.
Khó khăn lắm cô mới nói được mấy câu đó. Rồi cô lại không nói nữa. Chả lẽ cứ dùng dằng như này mãi sao. Hào thấy cần phải nói rõ ra những điều mà anh đoán là vì nó mà cô giận anh. Anh nói về chuyến về phép lần trước, về chuyến đi đón anh kỳ này của Lệ Thủy, anh cũng nói hết những mưu đồ sắp xếp của ông chú anh.
Như vậy Hào đã nói trúng những ý nghĩ lật đi lật lại của Mỹ. Vậy đúng là anh không có lỗi trong chuyện này… Tâm hồn các cô gái trẻ cũng thật lạ lùng. Dễ ngờ vực nhưng cũng dễ tin tưởng. Dễ giận nhưng cũng dễ lành.
Thế là chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi, khi ngọn đèn đánh cá sáng nhất trong những ngọn đèn ngoài khơi xa, vẫn còn như đứng nguyên ở vị trí cũ mặc dù nó có di chuyển, thì khoảng cách ngồi giữa đôi trai gái đã nhích lại gần từ lúc nào không rõ.
- Kìa, anh, có một ông sao vừa đổi ngôi…
Hào ngẩng lên nhìn thì ngôi sao đó đã rơi xuống chân trời từ lúc nào…
- Em sợ ông chú anh lắm!
- Không! Không có gì mà em phải sợ cả…
Hào thấy ở môi mình mằn mặn. Chả biết đó là vị mặn của gió biển hay của nước mắt Diệp Mỹ.
- Thôi, về đi anh, mười giờ rồi…
Hào nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay của Diệp Mỹ…
Những đốm sáng nhấp nháy như những con mắt. Hai người đứng dậy ra về. Hào cũng không ngờ rằng sau này những đốm sáng ấy lúc nào cũng là những con mắt nhấp nháy nhìn anh.
Họ chia tay nhau.
Diệp Mỹ trở về phòng. Lòng còn đang ngổn ngang trăm mối thì ở ngoài đã có người gõ cửa xin gặp. Ra mở cửa, thấy người đó, cô đã muốn lẩn tránh nhưng không sao thoát. Đó là người con trai khoảng trên dưới ba chục tuổi, tên là Vũ, hiện làm cán bộ tổ chức của Công ty du lịch. Trước mắt các cô gái, Vũ là một đại diện cho những người xấu trai mà có lần Mỹ đã nói đùa rằng: Sao các họa sĩ không thuê anh làm mẫu để vẽ tranh biếm họa. Vũ cao khoảng 1m50, người nhỏ như que cời. Đã thế còn bị một chân cao chân thấp nên mỗi lần đi thì một chân đạp đất một chân quét trên mặt đường. Còn mặt mũi anh ta thì không ai muốn nhìn nữa bởi vì nhìn vào anh thì sẽ khó tránh khỏi những lời lẽ xúc phạm đến thiên nhiên, đến cha mẹ anh ta… Song, tất cả những điều đó cũng không có gì phải nói bởi xấu đẹp đâu phải do anh ta quyết định mà cái đáng trách là anh ta không bao giờ tự đánh giá được mình. Người thế vậy mà cứ đòi phải yêu những cô gái thật đẹp. Đó cũng là lý do đến giờ anh ta cũng chưa có vợ. Trong số những gười anh ta đặt mục tiêu tấn công gần đây có Diệp Mỹ, mặc dù Diệp Mỹ đã nhiều lần nói thẳng với anh ta là cô đã có người yêu là Hào nhưng anh ta vẫn không chịu từ bỏ ý định vì đã được “thông báo ngầm” của Nguyễn Trắc là “thằng Hào nó không yêu con nhỏ đó”. Còn mối quan hệ giữa anh ta và ông Trắc là như thế này. Lâu nay ngoài mấy việc giữ gìn mấy tập hồ sơ lý lịch của cán bộ công nhân viên trong công ty, Vũ còn viết thêm tin tức bài vở cho báo Đồng Quê, “là cộng tác viên tích cực” của báo mà đã có lần nhận được giấy khen do ông Trắc ký. Vì thế hễ viết được mẩu tin nào là anh ta lại chạy sang tòa soạn gửi để đăng báo ngay. Anh ta cũng thường mời Nguyễn Trắc đi nhậu sau mỗi lần nhận được tiền nhuận bút. Nguyễn Trắc thân với Hoàng Vũ vì thế.
- Cô Mỹ hôm nay coi bộ xinh đẹp quá ta!
Anh ta nói, miệng đầy hơi rượu…
- Cô đi chơi với bồ về đó phải không?
- Thì việc gì đến anh?
Diệp Mỹ không đừng được phải nói chuyện với anh ta.
- Không việc gì? Có thật thế không, cô Mỹ?
- Thật.
- Thật hả, anh ta càng lè nhè dữ. Vậy thì tôi báo cho cô biết, bên công an kinh tế vừa qua sang làm việc với tôi có báo cho biết gần đây cô có nhiều điều mờ ám trong các chuyến dẫn khách đi du lịch ngoài đảo và trên biên giới đó…
Mỹ bàng hoàng. Thằng cha này nói thế tức là y không thật sự say rượu đâu. Phải đề phòng y. Cô vẫn ra vẻ cứng rắn:
- Anh đừng ăn nói bậy bạ, tôi báo cáo ban giám đốc đó nghe!
Vũ cười, lộ hàm răng ám khói vàng khè:
- Thì cô cứ việc báo cáo!
- Thôi, anh về đi cho tôi nghỉ.
Mỹ đuổi Vũ. Không sao được, anh ta bèn lủi thủi ra về. Ra đóng cửa mà chân tay Mỹ cứ run lên bằn bặt…
Có thể chuyện của mình bị lộ rồi chăng? Cô lo sợ nếu một khi chuyện này đến tai Hào, anh sẽ nghĩ sao về mấy câu thề thốt của cô mới cách đây nửa tiếng đồng hồ ngoài bãi biển.
(Hết chương 11)
Tags:
Nguyễn Khoa Đăng,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét