TA ĐI TÌM NẮNG ĐẦU ĐÔNG
Huỳnh Thanh Lan
Ta với tay tìm thêm một chút nắng
Nắng hanh hao lẫn chút gió đầu mùa
Chợt xao lòng khi Đông chìm khoảng lặng
Vẳng đâu đây nhè nhẹ tiếng lá khua...
.
Thu xa rồi và mây trời lãng đãng
Tiếc màu vàng trên lá cỏ chiều rơi
Gió xôn xao hỏi vì đâu trăng úa
Để qua rồi Thu tóc xõa buông lơi
.
Thôi ta về cùng Đông chiều nắng nhạt
Nhặt nhạnh thêm dư ảnh lúc giao mùa
Bước chân thầm lắng nghe lời Thu hát
Khúc chia xa nhè nhẹ theo gió đưa
.
Nắng đâu rồi... ta với tay tìm mãi
Hư ảo nào cho ta hái bâng quơ
Màu vàng trên cây tưởng chừng hái được
Rụt tay về ta bỗng hóa ngẩn ngơ!
.
Quay nhìn lại sáu mươi mùa thay lá
Bao vui buồn cũng thấm đẫm trang thơ
Xuân, Hạ, Thu... đưa ta đến bây giờ
Thanh thản nhé! Gió Heo May vẫn đẹp!
TA ĐI TÌM NẮNG ĐẦU ĐÔNG của Huỳnh Thanh Lan là một bài thơ hay. Bằng cảm quan tinh tế của mình, tác giả đã nói được tâm tình của những người ở tuổi “gió heo may”. Ở lứa tuổi lục tuần, cô vẫn nhìn đời, nhìn mình lạc quan, tươi tắn. Bài thơ có chiều sâu của một tư duy tích cực, cái đằm thắm của một tâm hồn tươi trẻ, cái bay bổng của một giọng thơ khỏe khoắn… tất cả làm nên giá trị nhân văn vững bền của bài thơ.
“Gió heo may” hơi lạnh và khô, thổi vào mùa thu, tất nhiên nhà thơ đã từng đón nhận. Mùa thu đẹp, thướt tha đi qua cuộc đời và thiên nhiên tươi đẹp:
Thu xa rồi và mây trời lãng đãng
Tiếc màu vàng trên lá cỏ chiều rơi
Gió xôn xao hỏi vì đâu trăng úa
Để qua rồi Thu tóc xõa buông lơi
Rồi mùa đông lạnh lẽo, xanh xao với gió mưa rét mướt. Dù là buổi đầu đông “Gió xôn xao hỏi vì đâu trăng úa / Để qua rồi Thu tóc xõa buông lơi” nhưng vẫn có chút gì như là tiếc nuối, nên “đi tìm”, và tất nhiên thứ cần tìm là chút “nắng đầu đông”.
Ta với tay tìm thêm một chút nắng
Nắng hanh hao lẫn chút gió đầu mùa
Chợt xao lòng khi Đông chìm khoảng lặng
Vẳng đâu đây nhè nhẹ tiếng lá khua...
Sự trộn lẫn giữa lãng mạn và hiện thực có mặt trong từng khổ thơ, chi phối toàn bộ bài thơ
Thôi ta về cùng Đông chiều nắng nhạt
Nhặt nhạnh thêm dư ảnh lúc giao mùa
Bước chân thầm lắng nghe lời Thu hát
Khúc chia xa nhè nhẹ theo gió đưa
Người làm thơ vốn là người lãng mạn. Không lãng mạn thì làm sao cảm nhận được hiện thực để viết nên những câu thơ bay bổng, đầy hình ảnh ẩn dụ như thế. Đó là sự đan cài, trộn lẫn giữa lãng mạn và hiện thực để tạo nên cái mới lạ, sâu sắc của câu thơ và bài thơ.
Nắng đâu rồi... ta với tay tìm mãi
Hư ảo nào cho ta hái bâng quơ
Màu vàng trên cây tưởng chừng hái được
Rụt tay về ta bỗng hóa ngẩn ngơ!
Những câu thơ tưởng chừng như chỉ phản ánh hiện thực, nhưng bề sâu chứa đựng chất lãng mạn, và đó là chiều sâu của ý thơ. Nắng là hình tượng ẩn dụ đắc nhất, đẹp nhất trong câu thơ: Nắng đâu rồi… Màu vàng trên cây… và cả bài thơ. Thủ pháp trường dụ được sử dụng tinh tế, nhuần nhuyễn để nói về khát vọng kiếm tìm chút nắng ấm hư ảo cho tuổi về chiều bóng xế… Nắng đâu chỉ là nắng, mà là tình người, sâu hơn là tình yêu hiện hình hư ảo, bâng quơ, có đó rồi lại biến đi. Tình yêu của chủ thể trữ tình ở tuổi “sáu mươi mùa thay lá” cứ chập chờn ẩn hiện, có rồi lại không, thấy trái chín muốn hái, nhưng nếu hái được lại sợ. “Rụt tay về ta bỗng hóa ngẩn ngơ!” là một câu thơ hay, nói đúng tâm trạng của “ta” – chủ thể trữ tình, cũng là tác giả. Cứ mơ mộng, nói mơ hồ thế thôi, có “ngẩn ngơ” cũng chỉ mình biết, có sao đâu!
Khổ cuối, kết thúc bài thơ, bình thường thôi, nhưng chứa đựng một cái nhìn lạc quan, một quan niệm sống tích cực:
Quay nhìn lại sáu mươi mùa thay lá
Bao vui buồn cũng thấm đẫm trang thơ
Xuân, Hạ, Thu... đưa ta đến bây giờ
Thanh thản nhé! Gió Heo May vẫn đẹp!!!
Sống thanh thản, bao vui buồn rồi cũng qua đi, cuộc đời ở tuổi xế chiều vẫn đẹp. Chúc mừng Huỳnh Thanh Lan đã nói được, nói hay tâm tình sâu kín của bao người ở tuổi “gió heo may”. “Ta đi tìm nắng đầu đông” - bài thơ ghi dấu một điểm mốc thành công của người phụ nữ yêu thơ, thích làm thơ của vùng đất hai vua!
13.06.2017
N.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét