Nhà nó sát bên đường quốc lộ, bước chân qua bên kia là phố, trước mặt nhà là trung tâm điều dưỡng người có công cách mạng. Khuôn viên của khu điều dưỡng giống như một công viên, thoáng mát, rộng rãi, hàng dừa cao che nghiêng bóng mát, khung cảnh bình yên đến nao lòng. Các khu nhà san sát nhau, ngói đỏ thấp thoáng sau những hàng cây, khoảng sân rộng rãi với hàng cây xanh tốt trải đầy nắng và hoa, hoa bằng lăng tím một góc trời, hoa cỏ đậu ánh vàng trong nắng, dừa vi vu trong gió. Trên xích đu khuôn mặt hiền từ, già nua các ông, các bà lại thì thầm trò chuyện, nụ cười lấp lánh niềm vui, chẳng có gì khi nhìn thấy…
Cứ mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật lũ trẻ trong xóm lại xúm xít rồi rủ nhau vào trong đó đi dạo, đạp xe đạp. Tiếng nói cười ríu rít của chúng khuấy động cả không gian. Các cụ nhìn chúng cho vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con cháu. Lũ bạn của nó thì nói nhà nó ở vị trí đắc địa, gần phố mà không xô bồ, ngồi nhìn qua bên kia mới thấy đời đẹp thế. Mỗi lần bạn bè của chồng gặp nhau lại luận bàn theo một kiểu, cứ thế cuộc trò chuyện rồi lai rai đến tận cuối ngày. Nó chỉ ngồi nghe chứ chẳng nói gì, cặm cụi với suy nghĩ của chính mình. Bạn bè của chồng nó khuyên nên mở một cửa hàng nho nhỏ bán hàng lưu niệm để tăng thêm thu nhập chứ lương của hai vợ chồng có thiếu đủ chi mô… Mỗi lần như vậy, chồng nó cứ ậm ừ chẳng biết trả lời ra sao. Khi bạn về rồi nó nhìn chồng ngồi thẫn thờ hàng giờ, chuyện cơm nước cũng không màng đến. Chồng nó nhìn hàng dừa xanh reo vui trong gió, những quà dừa lúc lỉu như đàn lợn con, ánh nhìn xa xăm. Đêm đêm, dưới ánh đèn điện cây khoác lên mình bộ cánh mới, những chùm hoa ven đường rực rỡ, nở bung dịu dàng, mềm mại, hương nồng nàn. Chồng nó đắm chìm trong suy nghĩ miên man. Cuộc đời như hành trình dài...
“Bánh chưng, chả đây… Chưng chả nóng đây!”, “Bắp đây… Bắp nóng hổi đây!”. Nó nghe những âm thanh ồn ã nối tiếp nhau vang lên từ cái loa có gắn sẵn trên chiếc xe máy của những người mưu sinh về đêm. Chồng nó thường đi nhậu cùng với đồng nghiệp sau giờ hành chính, về đến nhà rồi lăn đùng ra ngủ, chẳng quan tâm đến việc gì cả. Từ khi nào, chồng nó lại có thói quen ngồi đếm nhịp thời gian và nghe âm thanh ấy. Âm thanh quen đến nỗi nhiều người cho rằng đó là một phần nhộn nhịp của đêm. Nó thì thường xuyên nghe, cảm nhận và chia sẻ. Đang tìm cảm hứng để viết, loay hoay chưa biết sao thì tiếng rao ấy lại xuất hiện phá tan cái tĩnh lặng của ngôi nhà. Chồng nó lại bức bối, lại vò đầu, mắt nhìn ra ngoài đường trừng trừng như hăm dọa. Nó quay lại cười, lắc đầu không nói gì. Sáng hôm sau mới nói với chồng “Tự dưng hồi hôm sao thế, ở nhà chồn chân à!”. Chồng trố mắt nhìn “Tại ngột ngạt, bứt rứt, trời nóng như đang thiêu như đốt, mệt mỏi mà lại…”. Chồng bỏ dỡ câu nói và xách cặp đi ra. Nó lại cười, lắc đầu.
Một hôm, sau khi tìm kiếm cho mình một đề tài để viết. Nó nhìn sang thấy chồng cứ đi đi lại lại không yên, chắc nhấp nhổm vì tiếng rao ấy sẽ vang lên, nó nhìn chồng lại cười. Đúng như dự đoán, “Bánh chưng, chả đây… Chưng chả nóng đây!”, “Bắp đây… Bắp nóng hổi đây!”. Nó chạy ra mua giúp mấy cái bánh chưng, hai trái bắp tranh thủ nói nhở với người bán “Chồng em mấy bữa ni khó ở trong người, đang buồn bực một chút vì thời tiết… chú mở loa nhỏ chút thôi nghen…”. Người bán khẽ gật đầu, khuôn mặt đen đúa, nụ cười hiền như đất. Nó mang vào mấy cái bánh, đặt lên bàn “Anh ăn đi cho nóng, bánh ngon đó. Kể cũng tội vì cuộc sống mới phải đi bán đêm khuya khoắt như ri chứ có sướng gì. Mùa này còn đỡ chứ mùa mưa gió còn khổ gấp bội phần…”. Chồng nó nhìn “Ơ hay, anh có nói chi mô, em lạ thiệt”. Chồng miễn cưỡng cầm cái bánh chưng, bóc lớp vỏ chuối cắn một miếng. Chiếc bánh béo, thơm như tan vào trong miệng. Quả thật bánh ngon, hương vị quyến rũ như lời vợ quảng cáo. Nhưng có lẽ cay cú với tiếng rao hay vì lời nói của vợ mà chồng vừa ăn vừa lầm bầm “Bánh ni mà ngon cái chi”. Nó không nói gì, lẳng lặng với công việc của mình. Cuối cùng chồng cũng ăn hết cái bánh. Xong, lại ra đứng trước hiên nhà, trời cuối thu gió mơn man khắp da thịt. Cây nguyệt quế phả hương thơm dìu nhẹ. Bên kia gần cổng khu điều dưỡng, chiếc xe máy tềnh tàng đang được dựng ngay đó. Người bán đang sắp xếp lại những chiếc bánh, ông mặc bộ đồ công nhân cũ, dáng người khắc khổ. Nhìn thấy chồng nhìn sang, ông cúi thấp mình, cái lưng dường như cong hơn. Chồng nhìn chăm chăm, định làm gì lại thôi.
“Bánh chưng, chả đây… Chưng chả nóng đây!”, “Bắp đây… Bắp nóng hổi đây!” Âm lượng nhỏ hơn so với hằng ngày, có cái gì đó ray rứt…
Mấy hôm sau nó lại chở con về thăm ngoại. Buổi tối chồng lại ra hiên hóng gió, lại có chút chông chênh, làm gì cũng không tập trung. Tại nhớ ba mẹ con nó hay lại nhớ tiếng rao? Trên cung đường quen thuộc tiếng rao lại vang lên như quy luật của tự nhiên, vừa bứt rứt lại hồi hộp chờ đợi. Chồng lại đi ra đi vào.
Thật tình khó chịu làm sao, mà cớ sao cứ đến đoạn ni là âm lượng nhỏ hơn mà người bán lại dừng lâu hơn. Những người trong trung tâm dường như ra mua thì ít mà trò chuyện cùng người bán thì nhiều. Tiếng rao theo gió len vào trong xóm nhỏ như âm thanh không thể thiếu trong cuộc sống.
Có hôm mấy tay dân phòng đi tuần dừng xe lại. Chẳng cần xã giao gì, dằn giọng “Ông ở mô đến đây mà ra rả cái mồm suốt đêm thế!?”. “Dạ!... Tôi bán ở đây lâu rồi ạ!”. Người bán bánh nhỏ nhẹ “Dạ! Các bác thức khuya đói bụng.”. “Đói… đói… cái chi. Ông biết là ồn ào lắm không? Để người ta ngủ chớ.”. “Dạ! Em sẽ mở loa nhỏ hơn chút nữa. Mấy chú thông cảm!”. “Thông cảm… thông cảm cái con khỉ mốc…”. “Dạ! Dạ. Cũng là bất đắc dĩ thôi mấy chú ạ!”. Chắc người bán năn nỉ, ỉ ôi quá nên mấy tay ấy bỏ đi mà không quên dứ dứ cây ba ton về phía ấy. Chồng nó đứng trước hiên nhà trố mắt nhìn, nhìn người bán bánh xa dần… xa dần, nhoà vào trong màn đêm.
Sau cái đêm ấy chồng nó lại ghi ghi chép chép cái gì đó tận đến khuya mới đi ngủ. Một đêm, thấy chồng thức quá khuya nó lo lắng “Anh nghỉ tay uống ly sữa nóng nè. Mà viết cái chi vậy anh?” “Cũng thử như em có được không, biết đâu được… Sao ngày hôm nay không bị quấy rầy đến… Mà em không biết, chứ hôm nay anh có ý tưởng và làm việc suôn sẻ…”. Chồng nó vừa trả lời mà như vừa nói với chính mình. Nó hắn khẽ buông một tiếng thở dài rồi nói với chồng “Cái chú bán bánh ấy nghe mô quê ở Quảng Ngãi đó anh, cuộc sống cực lắm. Em nghe được từ các bác trong điều dưỡng nói vậy đó. Đôi khi họ không đói nhưng thương hoàn cảnh nên mua ủng hộ…”. Chồng đăm chiêu, mắt không rời khỏi màn hình máy tính. “Mà lạ thật mấy hôm ni chẳng có tiếng rao, nhớ kinh anh hỉ?”. Chồng bỗng giật mình “Hay tại hôm bữa mấy tay dân phòng dọa nên sợ không dám đến”, “ Chắc có lẽ ở đây ít ai mua nên… đi đường khác rồi!”. Chồng không trả lời, chỉ suy tư… “À mà anh tranh thủ ngủ sớm mai lại đi làm”. Chồng gật đầu.
Cũng là bất đắc dĩ… Tự nhiên như đang trong mơ chồng bừng tỉnh. Sao hôm nay lại nhớ như in: dáng người ấy, khuôn mặt ấy, xe bánh ấy và cả tiếng rao. Thế nhưng không biết trời xui đất khiến thế nào mà người bán đó lại trọ tại nhà trọ của đồng nghiệp. Khi đang cắm cúi bên máy tính, cái K ào đến như cơn gió, rồi bắt đầu kể. Ở xóm trọ có người đàn ông đến từ Quảng Ngãi, tối đến lại đi bán bánh chưng, chả, bắp. Nghe tới đó chồng hơi chột dạ “Sao giống người đàn ông hay đi qua con đường nhà mình thế nhỉ!”. “Thật tội mấy anh chị ạ! Chú ấy thuê trọ ở nhà tui cũng đã khá lâu. Vợ mất sớm, đi bán bánh nuôi hai đứa con khôn lớn, hiện chừ đang học đại học tại Đà Nẵng. Từ sau cái bữa mấy tay dân phòng không cho bán bánh ở trước cổng khu điều dưỡng, chú ấy đi bán rao dọc phố. Tối hôm qua không may gặp mấy thằng choai choai say bia, say rượu đua xe đâm trúng, được mọi người đưa đến bệnh viện. Tính mạng thì cứu sống, nhưng gãy xương sườn… người trầy trụa tùm lum hết, may mắn là chú có đội mũ bảo hiểm, không thì…”. “Rứa thì chừ tính răng?”, “Hay kêu gọi giúp đỡ chú ấy đi, bên Đoàn lên chương tình thiện nguyện giúp đời đi bà con ơi!” Thằng H nhỏ tuổi nhất lên tiếng trước. “Ừ được đấy chứ?”. Chồng nó ngập ngừng “Thế… bao giờ đi?”. Cái K rơm rớm nước mắt “Mai đi đi, chừ chú còn nằm trong khoa hồi sức cấp cứu, mai mới chẩn đoán rồi mổ”. Thế là cả hội túm tụm lại bàn bạc. Chồng nó lại đăm chiêu.
Trở về nhà, chồng không dám kể cho nó nghe. Chồng ngồi lặng lẽ trước hiên nhà, dõi mắt nhìn cây bàng thay lá. Nó thấy lạ lắm nên hỏi “Anh mệt à hay công việc gặp trục trặc”. “Không có chi đâu em?”. Ánh mắt chồng buồn, ám ảnh, dằn xé tâm can. Chồng xót xa, ân hận, mình đôi khi là người vô tâm đến mức vô tình... Tiếng rao ấy lại văng vẳng bên tai. Giật mình với hiện tại, bỗng nhớ tiếng rao hằng đêm ấy. Nhớ như nhớ tiếng nói của mẹ ngày xưa, nhớ như lời răn dạy, chỉ bảo của ba… Hình ảnh một thời mà chồng đã trải qua…
Ngoài trời bỗng dưng mưa như trút nước, cây bàng rã rời trong gió. Dưới gốc cây những lá cây còn sót rơi tả tơi, bầm đỏ rụng đầy. Chập chờn trước mắt chồng hình bóng người bán bánh bao và tiếng rao tha thiết “Bánh chưng, chả đây… Chưng chả nóng đây!”, “Bắp đây… Bắp nóng hổi đây!” xa dần, xa dần. Nhẹ nhàng đến bên nó, chồng khẽ bảo “Ngày mai anh chở em ra thăm chú nghe!”. “Chú mô vậy anh?”. Vợ ngạc nhiên hỏi. “À, mai tụi anh ra thăm chú… bán bánh chưng… hay qua cung đường nhà mình nè!” “Mà sao thế anh!”. Chồng kể lại cho nó chuyện không may xảy đến với chú. Nó rưng rưng khóe mắt “Ôi trời! Để em vào báo với các bà tiếng, mấy hôm nay cứ ngóng cổ hoài… tội nghiệp chú”.
Trong mơ, tiếng rao ấy lại len lỏi trong giấc ngủ của chồng. Nó ngắm khuôn mặt chồng mà thấy được sự đổi thay… “Bánh chưng, chả đây… Chưng chả nóng đây!”, “Bắp đây… Bắp nóng hổi đây!”.
P.T.M.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét