Nhìn những cơn lốc bụi đường pha màu áo đỏ của bác lái xe, tôi lại nhớ về một người anh mà tôi từng biết. Anh tốt nghiệp trường cao đẳng nghề của tỉnh với chuyên ngành lái xe beng - con đường mà anh đã chọn. Nhiều người chọn cho mình những con đường cao quý, sang trọng. Còn anh, anh chọn nó. Anh nói: “Con người đẹp hay không, không phải ở cái lộng lẫy hào hoa của nghề nghiệp sang trọng. Nó đẹp hay không là ở vẻ đẹp tâm hồn, trái tim nhân hậu. Họ có sống và dám đối mặt với sự thật, đó mới là đẹp”. Câu nói của anh như cho tôi nhiều bài học về cách nhìn nhận, phán đoán trên đường đời. Những cơn bụi đường màu đỏ dường như là người bạn chân tình nhất của anh. Anh thấy nó đẹp, một nét đẹp hoang sơ và nguyên vẹn bởi nó vốn dĩ là những hạt bụi còn ẩn mình trên những đồi núi cao, được người ta khai phá trong vẻ đẹp nguyên sơ. Nhưng nào ai biết được vẻ đẹp của bụi. Người đời luôn tìm cách xua đuổi và xa lánh nó. Trong mắt họ, bụi như là một thứ côn trùng độc có thể làm chết con người ta bất cứ lúc nào. Còn riêng anh, từ ngày anh đến với nghề, đến với bụi, anh chẳng còn sợ nó như bao người vẫn nghĩ. Anh đến với nghề bằng tất cả niềm đam mê và khát vọng của mình. Bụi đất đỏ gắn liền với một thời kí ức “màu đất” của anh. Trên con đường từ nhà tới trường, trải qua những con đường quanh co uốn lượn, anh phải vượt qua một thảm cỏ bụi đường phẳng lì mù mịt trong những ngày nắng. Rồi những cơn gió tốc lên, bay hết cả vào mặt, hai con mắt nhắm ghì vì chẳng thể nào mở ra được nữa cả. Hôm nào đi học áo trắng quần xanh chỉnh tề trong bộ đồng phục của trường thì khi về đến nhà cũng chỉ còn là một màu đỏ còn đọng lại trên chiếc áo trắng. Rồi ngán nhất là những ngày mưa đến, con đường màu đất sền sệt. Đường bị chia thành nhiều ranh giới khác nhau, cùng song song trên một dải đường. Đoạn thẳng, đoạn cong, đoạn khô, đoạn ướt. Ngày mưa đi học, anh phải mang theo một cái cây nhỏ bỏ vào giỏ xe hay dắt nó vào dưới yên xe đạp. Mà chẳng phải riêng anh, đứa nào đi trên con đường này cũng cầm theo ít nhất từ hai đến ba cái cây nhỏ. Có lẽ mới nghe người ta sẽ không ngại đặt ra câu hỏi vì sao? Tôi cũng vậy. Và rồi anh giải thích cho tôi nghe, con đường đất đỏ sền sệt, xe đạp đi đến đâu là dính vào bánh xe đến đó giống như người ta thắn kẹo đậu, đường luôn bám theo đậu không thể tách rời thì đất đỏ bám lấy xe như cặp đôi yêu nhau quấn quýt như sam. Hễ đi khoảng năm đến mười phút là cả đám dừng lại cạy đất đỏ ra khỏi bánh xe giống như người ta dùng đũa để quét bột ra khỏi khuôn bún. Vì vậy mà đi học, hôm nào anh và các bạn phải đi sớm hơn cả nửa giờ đồng hồ để trừ hao công đoạn này. Còn vòng về đi ngang qua một cái ao nhỏ bên đầu cầu, nước cũng không sâu lắm. Toàn bộ sách vở họ để trên đường không thì treo vào một gốc cây nào đó.
Tụi con gái thì cẩn thận hơn, bọn nó mang hết trên vai. Còn xe đạp thì cho nó tự lái từ trên đường phi thẳng xuống ao; mặc cho nó thỏa sức tắm rửa, tung mình dưới dòng nước suối đầu nguồn chảy về. Đứa nào làm siêng thì đứng luôn dưới ao, cầm cây cạy đất đỏ và vừa quay luôn bánh xe để cho đất đỏ ra nhanh mà xe lại nhanh sạch. Nhìn bánh xe quay vòng vòng như mô tơ phun nước ra rồi hút nước vào. Một lát như thế là chiếc xe đạp sạch cót. Ngày nào, anh cũng cho xe tắm ao. Ấy thế mà mẹ anh cứ la anh suốt mùa mưa “Mày đi xe đạp kiểu chi mà dây sên sét hết trơn”. Anh cười hì hì “Tại đất đỏ yêu con dữ quá! Biết làm sao được”. Có đôi lần trên con đường đó, anh cũng “ăn bánh canh” lát cả mặt mày, chân đi cà nhắc cũng vì “đo đường”. Ấy thế mà anh nhớ mùi đất- mùi đất đỏ hòa quyện mãi trong tâm hồn anh. Có lẽ con đường màu đất đã gắn với cuộc đời của một kiếp người trên dải đất phẳng lì đầy những chông gai như những cơn lốc bụi mùng mịt. Nhưng rồi sau những cơn lốc cuộc đời đó, họ vẫn vươn mình hướng đến tương lai giữa những sợi nắng lấm tấm pha mờ trong cơn mưa bụi.
L.T.C.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét