Sơn Trần
Thằng Khải uể oải lê từng bước chân trên con đường đất, giữa trưa nắng gắt và bụi mù mịt. Chiếc cặp cũ nách bên hông lặt lè. Nhưng nó vẫn cố bước cho nhanh về nhà, mồ hôi đầm đìa, ướt nhẹp lưng chiếc áo trắng cũ sờn, đang dần chuyển màu, đôi chỗ còn có vài mụn vá nhỏ. Mấy chiếc xe máy vụt qua, bụi đỏ lại tung lên, phả vào mặt nó, bám đầy trên những khóm hoa dại, cây xấu hổ mọc hai bên đường. Có vài đứa bạn học cùng lớp được ba mẹ chở về, ngoảnh đầu lại lè lưỡi trêu chọc hay nói một câu gì đó, chỉ nghe loáng thoáng. Tới gốc cây mù u tỏa bóng, thằng Khải ngồi bệt xuống đất, chiếc cặp ném một bên. Trời trong, gió mát. Những đám mây trắng xốp nối nhau bay qua khung trời cao rộng. Thằng bé tựa đầu vào gốc cây thiu thiu ngủ, chắc nó mệt và đói nữa.
Chị Di, thấy bọn trẻ trong làng đã về từ lâu nhưng chưa thấy con trai mình nên bắt đầu sốt ruột. Chị bỏ thêm củi vào bếp rồi chạy ra đường cái ngó chừng về phía trường học. Con đường trưa vắng bóng người, chạy dài hun hút. Chị lắc đầu, buồn bã. Giá như chị có tiền mua cho con chiếc xe đạp thì nó cũng đỡ cực, đằng này nhà thiếu trước hụt sau, lại phải lo cái ăn từng bữa. Nghĩ ngợi cũng không được lâu, chị phải chạy vào bếp xem nồi cơm đang sôi và trông chừng con heo mới thả chuồng đang đòi ăn kêu eng éc.
Chị Di, mới ngoài ba mươi nhưng trông khắc khổ, mới nhìn người ta thường đoán chị trên bốn mươi rồi. Chị không phải người làng tôi. Chị quê đâu tuốt trong Nam theo anh Niên về làm vợ, làm dâu ở xứ này. Tính chị hiền lành, chân thật, lại hay cười, lễ phép nên ai cũng thương cũng quý. Nhưng sự đời không ai lường trước điều gì cả, hôn sự của chị Di cũng thế. Cứ tưởng ấm êm cùng chồng đi suốt chặng đường dài, sướng khổ có nhau nào ngờ chung sống được một mặt con anh Niên bê tha, rượu chè, gái gú bỏ mặc mẹ con chị. Ban đầu, năm bữa nửa tháng anh lại đi đâu đó vài ba hôm. Chị khuyên anh nhẹ nhàng, ở nhà phụ làm mấy sào lúa, vài công đất màu, chăm con heo, đàn gà, biết thu vén chắc cũng có cái ăn, cái mặc và lo cho con cái học hành chu đáo. Đã không nghe thì thôi, anh lại lớn tiếng quát tháo rằng do chị mà anh phải sống nghèo sống khổ, không bằng thiên hạ. Rằng chị đã ám đời anh. Không có chị chắc lẽ giờ anh cũng nên ông này ông nọ ở trong Nam rồi. Chị Di nghe chồng nói thấy vô lý quá chừng nhưng vốn hiền lành nên im lặng. Mà chị càng không nói thì anh Niên càng cáu tiết, đập phá, chửi bới. Chị muốn bỏ đi, về quê chẳng hạn nhưng rồi thấy con còn nhỏ, nghĩ mình là phận gái đã có chồng không nên làm phiền lòng cha mẹ, lại thêm được hàng xóm bênh vực, động viên che chở nên chị đành chấp nhận sống đời mẹ góa con côi, dù chồng còn sống sờ sờ ra đó. Rồi cách đây năm năm anh Niên lục lọi cỗm mất số vốn chị dành dụm để cất lại ngôi nhà đã dột nát và bỏ đi không về, nghe đâu cặp với cô chủ quán cà phê đèn mờ hơn năm tuổi ở dưới thị xã. Chị Di buồn đau lắm nhưng không nói gì, cứ lầm lũi vào ra, lo cho thằng Khải ăn học và chăm bón mấy sào ruộng, cuốc thêm mảnh đất đồi sau nhà trỉa bắp, trồng mì.
Thằng Khải về đến nhà khi trời vừa đứng bóng. Nó mệt nên ngủ quên. Đến khi một người làng ngang qua, sợ xảy ra chuyện không lành, lay gọi, nó mới choàng tỉnh. Trông con thiểu não bước vô nhà chị Di hốt hoảng hỏi dồn. Thằng Khải nở nụ cười như trấn an mẹ, rằng con ngồi nghỉ ở gốc mù u, tự nhiên ngủ luôn. Chị Di rơm rớm nước mắt, tội nghiệp con. Nó là đứa trẻ ngoan, vâng lời mẹ. Biết gia đình khó khăn nên hiếm khi đòi hỏi. Quần áo, sách vở chị ít khi mua mới cho nó mà tận dụng lại của những người xung quanh có con học lớp trên. Chị cũng tủi thân và xót xa cho con mình lắm nhưng hoàn cảnh như vậy, biết làm sao được. Chị lại an ủi mình, rằng cố gắng làm lụng thế nào ông trời cũng cho khá, tiện tặn rồi sắm cho con cái áo mới, cái xe đạp để đến trường. Mà ông trời thương chị thiệt, đàn bà mà khỏe khoắn, dẻo dai lắm. Chị đi làm suốt, ít khi thấy chị ở nhà. Mới tuần trước chị dành dụm được ít nhiều, mua con heo thả chuồng, nhờ trời khi lớn bán kiếm tiền sắm Tết.
Thấy con bê mâm cơm ra đặt xuống chiếc chiếu ở mé hè, chị Di liền bảo:
- Con múc tô canh chua mang cho bà Thìn giúp mẹ nhé. Nói bà là mẹ cháu mua được cá ngon nấu canh!
Thằng Khải dạ rồi quày quả múc canh ra chiếc tô chuẩn bị sẵn rồi te tái bưng đi. Nhà bà Thìn cách đấy vài nóc nhà, băng rào thì gần nhưng đi cổng chính phải vòng qua mấy nhánh đường nhỏ nữa. Bà Thìn ở một mình từ khi chồng bà mất. Bà có mấy người con, nhưng họ đều ở tỉnh cả, ít khi về. Lúc bà còn khỏe, mấy con bà rước lên phố ở để tiện cho chúng chăm sóc. Bà trông nhà, giữ cháu, nhặt rau, nấu cơm cho hết đứa này đến đứa khác. Nhưng rồi bà bị ngã, tay chân yếu dần, công việc nhà bà không làm được nữa, mấy đứa con dâu bắt đầu chì chiết, nhỏ to. Bà thấy khó chịu đòi về. Bà về quê mấy năm rồi, vào ra thui thủi một mình. Khi mấy tháng, có lần đến nửa năm con cái mới ló mặt về thăm bà. Có đứa hiếu thảo dúi vào tay mẹ ít tiền tiêu vặt, rồi lại đi. Bà Thìn dè sẻn, ít khi tiêu phạm vào số tiền mấy đứa con cho. Bà gói ghém kĩ lưỡng, nhét vào gối hay bỏ vào thùng gạo. Bà bảo khi đau ốm mới cần, giờ bà còn trồng rau, chăn thả vài con gà con vịt được, lo gì đói. Bà ít khi than vãn vì con. Bà bảo rằng chúng nó bận trăm công nghìn việc mà, khi có ai hỏi bà về con rồi cười móm mém. Bà Thìn nay chưa qua tuổi bảy mươi nhưng trông bà ốm và mảnh như cây tre hóp. Lạ nhất là bà rất nhanh nhẹn dù gần nửa năm chân tay phải châm cứu, thuốc thang. Mỗi sớm, sau khi tưới mấy vạt rau trước sân, mở cửa chuồng gà cho chúng ăn, bà hay đi ra cái chợ họp cuối làng mua dăm ba con cá hay vài lạng thịt ăn trong ngày, mai lại đi tiếp. Bà đi vậy cốt để gặp người làng nói chuyện cho đỡ buồn vậy mà. Thường, bà hay rẽ vào nhà chị Di khi thì phong kẹo, lúc túi đường, có hôm cân gạo. Chị Di từ chối, bà nẹt cho, già rồi ăn mấy nổi, để tiền mối mọt à! Bà nói vậy chứ thực ra bà đâu có nhiều tiền để dành dụm, có chăng bà cảm cảnh mẹ con chị Di mà thôi. Chị Di biết ơn bà lắm. Lúc rảnh chị hay qua nhà bà dọn dẹp, quét tước hay giặt giũ. Bà Thìn đứng tần ngần bên giếng nhìn chị Di múc từng gàu nước rửa rau mà không kiềm đươc, chửi vống, tiên sư cái thằng Niên, có mắt như mù, vợ đẹp con ngoan không giữ lại theo phường đĩ hôi! Chị Di nghe thấy, ngẩng mặt lên, mắt chị ầng âc nước. Biết mình lỡ lời, bà Thìn an ủi, thây kệ nó con à, cố gắng sống nuôi thằng Khải khôn lớn. Người ngoài nhìn vào, không biết, cứ nghĩ họ là hai mẹ con.
Thằng Khải quay về, bảo bà Thìn cảm ơn mẹ và bà còn cho con tiền mua sách nữa. Chị Di nhíu mày, sao con lại lấy tiền của bà, bữa sau là không được vậy nữa nghen chưa. Thằng Khải dạ rồi sà xuống mâm cơm, và lấy và để. Trông cái kiểu ăn của con chị Di lắc đầu. Chợt thằng Khải ngẩng mặt lên, vài hạt cơm dính tèm lem khóe miệng, ngây thơ hỏi:
- Mẹ ơi, sao bà Thìn lại ở một mình vậy? Mấy con của bà đâu cả rồi?
Nghe con hỏi, chị Di vội đặt chén cơm xuống mâm, nhìn con trìu mến. Lúc này, chị không biết trả lời như thế nào cho con hiểu. Nó còn bé quá. Chị nhớ lại một đêm mùa đông mưa gió, nhà dột tứ bề, hai mẹ con phải co ro dưới tấm bạt nilon nơi góc giường, thằng Khải trằn trọc mãi. Nhìn đôi mắt của con vừa dáo dác nhìn quanh, vừa lo lắng, sợ hãi, chị như bị cắt từng khúc ruột. Rồi điều chị dự cảm cũng xảy đến khi con hỏi ba đâu, sao lâu không thấy ba về. Mấy đứa bạn con có ba nên nhà không ướt không dột như nhà mình đâu. Nói rồi nó òa khóc nức nở. Chị chỉ biết ôm con dỗ dành trong uất nghẹn.
Chị Di ngập ngừng, à… hôm nay ở trường có chuyện gì vui không kể mẹ nghe coi? Thằng Khải đang húp muổng canh ngon lành, chợt nhìn mẹ. Thằng bé vẫn chưa buông tha dù mẹ nó cố tình lấp liếm. Nó phụng phịu, sao mẹ không trả lời con? Mẹ không nói, con sẽ gặp bà Thìn để hỏi vậy? Chịu không?
Chị Di giật mình, buông chén, nhìn sững vào mặt con. Không lẽ con chị mới mười tuổi mà đã già dặn đến thế ư? Nó muốn biết hoàn cảnh bà Thìn cũng như từng khám phá góc khuất đầy khổ đau của gia đình nó. Từ ngày biết ba ham phú phụ bần nó hầu như không muốn nhắc tên ba nó trước mặt nữa. Có người bảo nó giống ba, nó gạt phắc mà rằng, nó chỉ có mẹ nên giống mẹ thôi. Thiệt tình, chị Di thương con, mong con đứng vững trước số phận thiệt thòi nhưng lại lo sợ thằng bé khôn trước tuổi, nhỡ xảy ra chuyện không hay khi trong lòng nó mặc định ba nó đã gây cho mẹ con nó nhiều đau khổ.
Thằng Khải vẫn còn ấm ức lắm, chị Di bê mâm đứng dậy, bước ra đằng sau. Ngay lúc này đây, chị mong con không làm khó chị nữa. Vì nếu trả lời con rằng, mấy người con bà Thìn ở trên tỉnh, thì nó sẽ hỏi tiếp, sao bà không lên ở với con, sao mấy người đó không nuôi được mẹ họ? Chị rối rắm với nhiều giả định đặt ra trong đầu. Chị đặt mâm xuống mặt sàn cạnh ang nước rồi quay ra, thằng Khải đã đứng ngay trước mặt, tỏ vẻ thách thức, rằng mẹ không cần nói gì đâu con biết cả rồi. Chị Di thở phào nhẹ nhõm, nhưng ngay sau đó chị lại thấy bất an, khi nghĩ tới việc con trai chị nghĩ đến điều tiêu cực. Chẳng hạn những người con của bà Thìn không có hiếu hay bà Thìn ghê gớm đã đuổi các con mình đi? Nghĩ vậy, chị Di ôn tồn:
- Con biết gì, nói mẹ nghe thử?
Thằng Khải lườm mẹ một cái rõ dài rồi thủng thẳng, ra vẻ ta đây biết cả vậy. Thì ra thằng bé nghĩ hoàn cảnh bà Thìn cũng như mẹ nó. Chị Di không nói gì, lặng lẽ khóc. Thằng Khải khôn ngoan đề nghị, hay là mẹ đưa bà Thìn về nhà mình ở cho vui đi mẹ, con thương bà lắm.
Nghe con nói vậy, chị Di càng khóc to hơn. Ôi, thằng bé mới tí tuổi mà biết nghĩ cho người khác nhiều quá. Nó đã nói lên cái điều mà chị canh cánh bên lòng kể từ hôm chị bảo, hay là bà qua bên này ở cùng mẹ con cháu cho vui. Hàng ngày bà chỉ về bên ấy mở cửa, quét dọn, hương khói. Chứ bà già rồi, ở một mình đêm hôm trái gió trở trời nhỡ ra… Bà Thìn cười hiền hậu, cặp mắt kèm nhèm sáng lên lấp lánh, sao được hở bây, dù ở một mình cô quạnh thiệt, nhưng còn mấy đứa con bà nó nghĩ sao, rồi lời qua tiếng lại, mệt lắm. Bây cứ qua chơi là bà vui rồi…
Thằng Khải thấy mẹ khóc, nghĩ sao kì vậy. Mà mẹ nó hay khóc lắm. Nước mắt thiên hạ trên thế gian này đều dành cho mẹ nó thì phải. Nó làu bàu trong miệng điều gì đó không vừa lòng thì phải. Rồi tiện chân, nó đá trái dừa khô mẹ nó nhặt ngoài bờ rào sáng nay lăn lông lốc.
Phía sau nhà chị Di là ngọn đồi thấp, một bên là khu nghĩa địa, một bên dành cho trồng trọt. Nhiều người làng lên ấy dọn đá, đốt cỏ làm nương rẫy. Chị Di cũng tranh thủ cho mình một khoảnh trỉa bắp, trồng mì. Người làng khen chị giỏi. Đàn bà con gái mà siêng năng và khỏe quá. Trai làng nhiều anh còn phải tặc lưỡi chào thua. Chị Di nghe cả, nhưng lại ngậm ngùi, biết làm sao được, không chịu khó chịu cực sao có cái ăn cho hai mẹ con. Chị hay lên xem rẫy vào xế chiều, sau khi lo xong việc đồng áng. Con đường dẫn lên đồi, hai bên cây xương rồng mọc ken dày. Một lối nhỏ do trâu bò đi mãi thành đường. Men theo con đường lổn nhổn đá sỏi ấy, chừng mười phút mới đến được rẫy. Chị Di hay ngồi trên mỏm đá to ven đường để nhìn ngắm làng xóm và bóng chiều đang dần tắt. Tiếng chim, trong những vòm cây cũng cất lên vài tiếng nẫu lòng. Hôm nay, chị cảm thấy lòng trĩu nặng trước thái độ của con. Nó dần lớn khôn và chị cần quan tâm nó nhiều hơn. Nó thiệt thòi quá. Cuộc đời của nó sau này sẽ ra sao khi thiếu vắng tình cảm của người cha từ khi còn nhỏ. Nhiều lần, chị nghĩ rằng, muốn có một người đàn ông thay thế ba nó, để lo lắng, để yêu thương. Nhưng rồi chị lại phản biện điều mình vừa nghĩ, liệu rằng sẽ có ai đó chịu chấp nhận thằng bé và yêu thương nó thật lòng hay không? Chỉ thoáng nghĩ đến điều này, chị đã thấy lạnh người, trán vã mồ hôi. Niềm cô đơn, nỗi lo lắng luôn thường trực trong lòng chị mỗi đêm mất ngủ. Cũng vì thương con, chị không thể mở lòng trước nhiều lời săn đón, mối mai. Trái tim chị vẫn còn sôi nổi, vẫn cồn cào khi trống vắng. Đêm nằm nghe tiếng thạch sùng kêu mà hai hàng nước mắt tuôn dài. Chị đã cố gắng xua đi bằng sự tự trách mình, nhiều khi tự sỉ vả mình tồi tệ.
Trời tối thật nhanh. Chị Di lật đật quơ vội chiếc nón, rồi đi nhanh xuống đường. Anh Việt, xóm trên cũng lên rẫy, từ lâu để ý chị Di, đã nhìn thấy chị ngồi tư lự và cũng đoán ra chuyện. Anh vồn vã, cô Di đang có tâm trạng hay sao mà bỏ nhà lên đây ngồi vậy? Định mắng anh vô duyên, nhưng chị nghĩ lại, anh nói đúng cơ mà nên chị bẽn lẽn lách người qua anh rồi mất hút sau hàng giậu. Anh Việt ngẩn ngơ, ơ kìa…
Anh Việt từng là công nhân của công ty chuyên sản xuất bột gỗ làm giấy ở khu công nghiệp dưới thị xã nhưng anh đã nghỉ cũng gần hai năm vì công ty phá sản. Nhà anh chỉ có mẹ và anh. Nghe đâu, mẹ anh là người không nhan sắc, lại bị tật ở chân nên không được ai ngó ngàng, mai mối. Mẹ anh có anh khi bà đã gần ba mươi tuổi. Người đàn ông mài dao, liềm, kéo hay ghé qua làng khi vụ gặt đến chính là ba anh. Người ta đồn thế, anh nghe, nhưng không để bụng. Cứ tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Anh thương yêu mẹ và anh luôn biết làm mẹ vui. Mẹ ốm, anh lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Anh tìm thầy, thuốc thang cho mẹ. Nhìn mẹ cười, đi lại khỏe khoắn anh như được tiếp thêm niềm vui và sức mạnh. Thành thử, dù đã ngoài ba mươi rồi nhưng anh vẫn còn ở với mẹ. Mấy tháng trước, mẹ anh vô tình gặp chị Di trong buổi chợ đã về bảo với anh rằng, không ấy con tìm hiểu cô Di xóm dưới đi, mẹ coi được lắm. Anh ngạc nhiên rồi nhìn mẹ tin tưởng, vì lâu nay mẹ anh chưa bao giờ nói sai điều gì…
Mẹ anh kể lại. Hôm ấy trời bất ngờ mưa. Chợ đông người nhốn nháo, áo tơi, gồng gánh lật đật tìm chỗ trú. Mẹ anh tay chân như thế di chuyển rất khó khăn nên vấp ngã. Chị Di đang trú mưa ở mái che lều chợ vội chạy ra đỡ bà dậy, còn nhanh tay khoác lên người bà tấm áo mưa nữa. Đến khi vào được lều chợ chen chúc người bà mới mở lời cảm ơn chị Di được. Chị Di bảo, không có gì đâu bác, chuyện vặt mà, ai cũng có thể làm được. Từng lời nói, cử chỉ của chị Di khiến bà có cảm tình ngay và quyết định mối mai cho con trai mình. Đặc biệt, khi biết hoàn cảnh của chị Di, bà không ngần ngại mà thông cảm, sẻ chia. Không sao cả, lỗi là do thằng chồng không tốt, ruồng rẫy vợ con thôi. Chị Di mang tâm tư người đàn bà mới quen về nhà. Chị chưa biết điều gì sẽ xảy ra nhưng cảm thấy ấm lòng lắm. Tuổi chị ngần này vẫn có thể làm lại cuộc đời, vẫn được hưởng niềm hạnh phúc mà tình yêu ban phát? Chị vừa lo lắng, vừa háo hức đón chờ, dù chưa định được mình đang đón chờ điều gì. Nhưng một điều chị đã hình dung được là mỗi lần đi chợ chị điều nhìn quanh tìm người đàn bà tàn tật ở chân có đứa con trai chưa vợ.
Bà Thìn ốm hai hôm nay. Chị Di tìm từng số điện thoại ghi chi chít trên vách nhà. Gọi cho người con trai cả, chị Di chỉ nhận được câu trả lời rằng đang bận họp lát gọi lại. Chị sốt ruột gọi cho cô con gái thứ hai, cô này bảo đi công tác đầu tuần mới về. Bà Thìn trở mình, thôi khỏi con ơi, bọn nó bận lắm, chắc ốm xoàng thôi, mai sẽ khỏi thôi mà. Chị Di nhìn bà lắc đầu và tiếp tục bấm số của người con trai út. Một giọng đàn bà cất lên. Chị Di mừng quýnh, nghĩ là gặp được cô dâu út bà Thìn. Chị cất tiếng, chị ơi…. Sau khi ngừng một lát là một tràng dài nào là vô lịch sự, nhầm máy rồi, chị gì ở đây, tưởng ông nào gọi chứ… Thì ra, chị Di ngớ người và chợt hiểu, vì trước đây chị đã từng gọi cho chồng, kêu anh ấy về vì cha chồng đang hấp hối cũng gặp một giọng đàn bà ngoa ngoắt như vậy. Thấy chị Di ngồi thừ ở bậc cửa, bà Thìn nhổm dậy, chép miệng:
- Rõ khổ, bà đã nói rồi mà, bọn nó bận lắm. À, con ra ngoài vườn hái cho bà nồi lá xông nhé!
Chị Di dạ và gạt nước mắt, cắp rổ ra vườn. Vườn bà Thìn rộng lắm. Nhưng cỏ dại mọc tràn vì ít người chăm sóc, dọn dẹp. Chị Di chỉ cuốc được mấy vồng khoai, mấy liếp ngò, luống cải giúp bà thôi. Mé rào cây ăn trái mọc đầy. Mùa nào thức ấy. Na, bưởi, ổi, mận nhiều lắm. Nhưng khi chín thì chim, dơi lại tranh thủ hơn người. Bà Thìn hay lụm khụm ra vườn nhặt trái rụng, rửa sach để trên chạn bếp, gặp đứa con nít nào thì cho chúng. Vài ba bữa không thấy thằng Khải qua chơi bà lại mang cho nó. Bà coi mẹ con chị Di là người thân trong gia đình lâu rồi. Mà không thân thiết sao được, họ sống với nhau chẳng khác gì một gia đình. Những trưa hè, gió mồm thổi mát, trong khu vườn tỏa bóng, mấy bà cháu, mẹ con tíu tít nhặt cỏ, hay chải tóc cho nhau. Chị Di thường hay bắc chiếc ghế cao ngồi sau lưng bà Thìn. Còn bà thì ngồi trên chiếc đòn kê bằng tre, ngả đầu vào đùi chị Di. Chị Di tỉ mẩn nhổ từng sợi tóc sâu cho bà. Có hôm còn chải đầu, gội đầu cho bà bằng mấy loại lá thơm hái được ở vườn. Trong lúc ấy, thằng Khải nghịch ngợm, leo tót lên chạc ba cấy ối hái trái hay nằm vắt vẻo nhìn trời. Nắng trưa xuyên qua từng nách lá chói chang, lóa mắt. Thằng Khải rất thích ngắm mây. Những đám mây mang hình thù muông thú luôn gợi trong lòng nó những sự mơ tưởng đẹp vô cùng. Kìa là con trâu nhà trời sổng chuồng đang tìm lại bạn. Này là con thỏ trắng ham ăn lạc bạn, bơ vơ giữa đồng cỏ xanh. Kia là con ngựa bất kham tung bờm, xáo trộn cả vùng thảo nguyên bát ngát. Và đây nữa, một chiếc khăn trắng ai khoác hờ, buông lơi, trôi nổi khiến nó giật mình nghĩ đến vành khăn tang ngày ông nội nó qua đời. Thằng Khải hay hỏi mẹ nó, ông nội sẽ về trời hả mẹ. Chị Di lúc ấy đang bận tay bó rau muống vừa cắt ở vườn nên ậm ừ qua quýt. Thế là thằng bé tin, khi chết người ta bay về trời, biến thành mây trắng. Trông thật yên bình. Mọi lẽ khen chê, mọt điều phiền muộn, cả nỗi khổ đau không còn vương vấn.
Chỉ một nhoáng chiếc rổ tre đã đầy, nào là lá chanh, sả, trầu không, lá bưởi, lá khế. Chị Di quay vào đã thấy bà Thìn ngồi tựa hàng hiên, trông bà yếu lắm, hơi thở mệt nhọc. Chị bảo bà muốn ăn cháo thì con nấu cho. Bà lắc đầu than mệt, sao lần này đau dai dẳng thế không biết. Chị Di vừa bỏ lá vào nồi vừa nhìn bà Thìn, lòng đầy ái ngại. Trong cặp mắt già nua kia, có điều gì ẩn ức khó tỏ bày. Một đời làm mẹ, lam lũ chịu thương chịu khó làm lụng nuôi con. Nay con cái đã trưởng thành thì chịu một thân một mình hiu quạnh. Chắc bà buồn lắm nhưng thương con nên giấu đi những giọt nước mắt tủi hơn. Đành vậy, nhưng chị Di vẫn cảm nhận được nỗi ưu phiền trong dáng đi, trong lời dặn dò và cả nụ cười của bà nữa. Chị coi bà như mẹ, muốn ngả đầu vào vai bà nũng nịu, đôi khi để khóc òa. Chị về làm dâu ở cái làng bán sơn địa này đã hơn mười năm. Vui buồn sướng khổ đều đã trải. Cũng chính những trải nghiệm, những ân tình mà chị vun đắp được giúp chị nghĩ rằng không dễ dàng vứt bỏ để ra đi. Người dân quê nơi đây chân chất mộc mạc, lại sống nặng tình nghĩa. Đôi khi chị nghĩ để mà thương, mà thông cảm cho anh Niên. Phải chăng nghèo quá, bức bách quá mà anh không đủ tính táo vượt qua mà đã đầu hàng? Chị không trách giận nhiều mà chỉ mong một ngày nào đó anh tỉnh ngộ quay về để thằng Khải dẫu sao cũng có một người cha. Nhưng khi nghe mẹ nhắc đến điều này, thằng Khải im lặng một lúc lâu rồi vô giường nằm. Tính nó thường vậy, không thích là bỏ đi chứ không nói gì. Chị Di nhìn theo cái dáng gầy, cái lưng hơi khom khom của con mà không khỏi chạnh lòng. Nó giống anh Niên như khuôn đúc. Cả cách ăn uống cũng thế, nhồm nhèm và nhanh chóng.
- Cô Di nay không lên rẫy nữa à. Nghe nói bắp trổ cờ, trái cứng hạt khỉ trên núi kéo về đông lắm!
Anh Việt vào sân lúc nào, chị Di không hay biết. Khi nghe anh nói chị đã giật mình ngoảnh lại. Anh lúng túng, trong tay là cái lồng đèn kéo quân. Anh mua cho thằng Khải. Anh dáo dác tìm kiếm nó. Chị Di biết ý, gọi con. Thằng Khải chạy ra mừng rỡ khi thấy anh Việt. Thằng bé luyến thoắng, cứ tưởng chú đùa, ai ngờ lại thiệt. Mà chú ơi, ngoài đường cái lớn nhiều lân to đẹp lắm, chú nhớ chở con… à… mẹ con đi coi được không?
Anh Việt cười hiền, gật đầu bảo được chứ. Chị Di bối rối thực sự khi bị con trai mình đưa vào thế khó. Chị lãng tránh cái nhìn trìu mến của anh Việt bằng cách bảo, anh ngồi chơi tui lên rẫy đuổi khỉ đây. Nói rồi chị lật đật đi ra ngõ, thằng Khải gọi mẹ mấy lần chị vẫn không thèm quay lại.
Bà Thìn mất đột ngột, không ai biết chính xác giờ bà tắt thở. Khi chị Di xô cửa thì đã thấy bà nằm sóng soài dưới nền nhà. Bếp còn đỏ lửa, mẻ cá khô cháy đen, khét lẹt. Nồi cơm đã chin, đặt trên mâm, có một cái chén, một đôi đũa và một cái muỗng. Có lẽ bà đã bị ngã khi làm một việc gì đó. Chị Di vuốt mắt cho bà rồi đi gọi hàng xóm. Chị bấm điện thoại cho con cái bà Thìn nhưng xế chiều họ mới về tới nơi. Thằng Khải níu áo mẹ, bà Thìn về trời làm mây trắng rồi hả mẹ? Chị ừ con rồi vào bếp đun nước.
Anh Việt cũng tới giúp đám, lăng xăng đủ việc. Mẹ anh cũng tập tễnh lại thăm. Bà lặng im bên chiếc bàn kê vội dưới tán cây hoàng lan mùa xanh lá. Chị Di đến chào bà,nói mấy lời buồn nẫu. Mẹ anh Việt rơm rớm nước mắt, bảo rằng mỗi mình nên hiu quạnh thế con à.
Khi chuẩn bị mọi thứ để khâm liệm, mấy người con lục tung mấy cái hòm gỗ, chăn mền và gối nệm để tìm những thứ của mẹ. Họ đã thấy, bên cạnh quần áo cũ là một gói tiền cuộn tròn và một tờ giấy nhỏ, nhăn nheo. Người ta xô lại đọc, bất ngờ nhìn nhau. Trong tờ giấy ấy, mẹ của họ viết rằng, số tiền mấy anh em họ cho bà không tiêu mà dành dụm để mua một cỗ quan khi bà chết, số còn lại bà dành cho chị Di để làm đám cưới với anh Việt. Tội nghiệp nó, đàn bà như nó, đẹp người mà bạc phước. Chị Di nghe đến đây, khóc nấc, chạy đến phủ phục bên cạnh giường. Thằng Khải vô tư, thản nhiên giật tà áo mẹ bảo hôm trước bà Thìn xin con tờ giấy rồi bảo con viết vậy đấy mẹ. Bà còn bảo, những đám mây trắng kia yên bình quá, bà muốn hóa thành những đám mây trôi trên bầu trời cao rộng…
Mọi người đều đổ dồn về phía thằng bé vừa nói. Thằng Khải rụt cổ lại, có vẻ sợ sệt. Ngay lúc đó, anh Việt lách đám người đang nhốn nháo đến ôm vai nó. Chị Di cũng ngước lên, nước mắt nhạt nhòa.
Người làng và đoàn người của ban tang lễ với kèn trống, áo xống xúng xính bước vào nhà bà Thìn càng lúc càng đông.
S.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét